Đất nước nơi đầu sóng

VHO - Cơn sóng lừng khiến những tiếng “ồ... à...” lúc trước khi nhìn thấy những cột sóng đổ lên mạn tàu cao tốc im bặt. Tiếng trẻ khóc đòi về nhà, người lớn oặt ẹo như tàu lá chuối khô vì say sóng... Hành trình ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) mở đầu cho chuyến biển đảo tiền tiêu kéo dài 10 ngày của chúng tôi vật vã như thế.

Đất nước nơi đầu sóng - Anh 1

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ

Những đổi thay của Cồn Cỏ - đảo tiền tiêu 

Tàu cao tốc Chín Nghĩa rời cảng  Cửa Việt (Quảng Trị) dưới bầu trời u  xám. Trên suốt hải trình hôm ấy, sóng cấp 4-5, bọt phủ trắng mũi tàu. Trên  khoang lái, Thuyền trưởng Trần Công  Nam trò chuyện với chúng tôi về hòn  đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Thi thoảng, anh lại đi xuống khoang để hỏi thăm khách, ánh mắt đầy lo lắng khi thấy khá nhiều người say sóng.  
Vượt qua những con sóng bạc đầu, tàu Chín Nghĩa đưa chúng tôi ra Cồn  Cỏ, vùng biển đảo thiêng liêng có diện  tích vỏn vẹn 2,2 cây số vuông, nhưng  đã đi vào lịch sử dân tộc trong cuộc  kháng chiến chống Mỹ cứu nước như  một biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa  Anh hùng cách mạng.  
“Trải qua các thời kỳ lịch sử, Cồn Cỏ  luôn kiên trung, bất khuất. Hòn đảo tiền tiêu này khắc ghi dấu mốc hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;  ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.  Bác còn đề tặng hòn đảo anh hùng hai câu thơ: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng  trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ,  ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ  tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ tự hào  nói với chúng tôi. 
Nằm ở cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc  Bộ, vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ cách  đất liền từ 13-17 hải lý. Đảo có tới hơn  70% là rừng tự nhiên, xanh mướt mắt với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng  được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Cồn  Cỏ là điểm để phân định đường cơ sở  (A11), có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong quan hệ kinh tế - lãnh thổ và  quốc phòng - an ninh, không chỉ đối  với tỉnh Quảng Trị, khu vực Bắc Trung  Bộ mà còn cả phạm vi quốc gia. 
Ngày càng có sức hút, thế nhưng ra Cồn Cỏ không dễ, nhất là trong  mùa thu. Nửa cuối tháng 9, chỉ có hai chuyến tàu ra đảo. Sóng gió thường  trực, vì thế ra được đây là ước muốn của nhiều người. “Tôi đưa tàu Chín Nghĩa vào khai thác từ năm 2018, dù  nhiều khó khăn so với những nơi khác, nhưng vì sự phát triển của Cồn Cỏ, chúng tôi cố gắng duy trì hải trình này, để thêm nhiều người có cơ hội ngắm nhìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc”, Thuyền trưởng Trần Công Nam tâm sự. Bù lại những vất vả nơi sóng nước,
Cồn Cỏ mang vẻ đẹp hoang sơ chẳng  kém gì các đảo trên quần đảo Trường  Sa. Tàu cập bến, mọi người như bừng tỉnh, ríu rít xuống tàu. Kỳ lạ, Cồn Cỏ chào đón khách bằng những tia nắng  rực rỡ. Lâu tôi không trở lại, nơi này đã  thay đổi rất nhiều.  
Một nhóm khách từ miền Nam ra lần  đầu tiên đến Cồn Cỏ nói rằng, họ đi hết  từ ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác, và quá thích thú với sự bình yên của đảo. “Chúng tôi nghe nói một thời chưa xa,  đảo trở thành “pháo đài bất khả xâm  phạm”, hiên ngang giữa muôn trùng  sóng gió, kiên gan đối mặt với kẻ thù mạnh gấp trăm lần. Lần đầu tới Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ khiến chúng tôi rất ngạc  nhiên vì đã bắt đầu phát triển du lịch  nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ tuyệt đẹp”, Thu Phương, du khách tới từ Cần Thơ xúc động chia sẻ.  

Đất nước nơi đầu sóng - Anh 2

Tàu HQ 671, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hải quân

Từng đoàn khách nối gót nhau ở bến Tranh, bến Nghè, bãi Đá đen, bãi Sông  Hương, phòng truyền thống, hồ nước ngọt, ngắm rừng nguyên sinh từ Hải đăng, Hầm quân y, Di tích lịch sử Thái Văn A, giếng nước cổ, lặn ngắm san  hô… khiến Cồn Cỏ sôi động hẳn lên. Con đường băng qua rừng thật đặc  biệt, đẹp như cổ tích khi được phủ bằng những lớp san hô hóa thạch, một  trong những loại đá độc đáo nhưng không phải hiếm ở hòn đảo này. 
Những người làm du lịch ở đây giới thiệu, Cồn Cỏ có hệ sinh vật biển thuộc loại phong phú và đẹp nhất Việt Nam. Các loài rong, tảo, san hô sặc sỡ nhiều màu sắc làm nên không gian dưới đáy biển vô cùng sinh động và tràn đầy sức sống. Ở Cồn Cỏ có hơn 50 loài rong, nhiều loại bán được giá cao; có tới 109 loài san hô, trong đó có nhiều loại quý hiếm, đặc biệt là san hô đỏ và san hô đen. Những người dân trên đảo vừa giữ gìn sự bình yên cho vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc, vừa làm giàu cho đảo khi bắt tay phát triển du lịch, bảo vệ thiên nhiên, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp kỳ  ảo của nơi này… 
Hoàng hôn trên Cồn Cỏ rực rỡ với những áng mây hồng tía. Làn nước trong xanh giữa Biển Đông và những vạt rừng mịn như nhung sẫm lại. Trung tá Nguyễn Đình Cường,  Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn  Cỏ kể cho chúng tôi nghe câu  chuyện gắn kết tình quân dân trên  đảo nhỏ. “Với người lính, thực thi nhiệm vụ giữ vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo có ý nghĩa thiêng liêng như bảo vệ cho chính ngôi nhà của mình. Dù mỗi ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thì tinh thần “Tất cả vì Cồn Cỏ” năm xưa vẫn luôn được người lính nơi đầu sóng ngọn gió khắc ghi. Giữa  khơi xa, mỗi người dân đảo chính là  một “cột mốc sống” về chủ quyền.  Họ không chỉ cùng với những
người  lính bám biển, bám đảo mà còn là  nhân tố quan trọng để thực hiện tốt hơn công tác giáo dục truyền thống  anh hùng cách mạng, lan tỏa vẻ đẹp  của Cồn Cỏ tới du khách trong và  ngoài nước”, trung tá Nguyễn Đình Cường tâm sự. 

Bản anh hùng ca bất tử nơi đảo xa 

Đến với Côn Đảo có lẽ là một  trong những hành trình đáng nhớ  nhất trong chuyến tác nghiệp đến  với các vùng biển đảo của chúng  tôi. Không chỉ bởi thời tiết khắc  nghiệt sau cơn bão số 1, không  chỉ bởi lịch trình di chuyển dày  đặc, mà còn bởi những con người  mà chúng tôi cơ duyên được gặp,  được lắng nghe, được thấm nhuần  những bài học từ sự hy sinh anh  dũng..., tất cả đã tạo nên khúc  tráng ca bất tử ở nơi được mệnh  danh là “Bàn thờ của Tổ quốc giữa  biển khơi” này.  
Trước khi đến Côn Đảo, chúng  tôi cứ ngỡ hòn đảo tù được mệnh  danh là “Địa ngục trần gian” chỉ có  một màu xanh đơn điệu. Cho đến khi được gặp gỡ những con người yêu  đảo, bám đảo, tôi mới biết Côn Đảo  còn có nhiều màu sắc khác, trong  đó có màu xanh của những trái tim  tình nguyện, của những cống hiến  chẳng ngại ngần. Và họ, cùng những  “tượng đài sống” gắn bó trọn đời với  Côn Đảo, đã mang đến những luồng  sinh khí mới, hơi thở mới trên hòn  đảo tù hôm nay. Suốt hành trình tác nghiệp tìm hiểu về xây dựng đời sống văn hóa tại Côn Đảo của phóng viên Văn Hóa có sự đồng hành của anh Trương Văn Út, một trí thức trẻ tình  nguyện ra xây dựng Côn Đảo từ 30 năm về trước. Gắn bó với mảnh đất  thiêng của Tổ quốc từ những ngày  Côn Đảo còn rất hoang sơ, xa vắng,  anh Út luôn trăn trở nghĩ cách để làm  cho đời sống tinh thần của người dân  trên đảo vui hơn, phát triển hơn. Anh  kể: “Từ những ngày đời sống văn hóa trên đảo chỉ là con số 0, sau nhiều cố  gắng, cuối cùng thì Côn Đảo cũng đã  có lớp Kịch nói đầu tiên, nối tiếp là  các lớp Vọng cổ, Đờn ca tài tử… Dần  dà, những thanh âm ngọt ngào vang  lên ngày càng nhiều hơn giữa đảo xa. Những chương trình biểu diễn nghệ  thuật được chính tay tôi dàn dựng  được người dân Côn Đảo mê lắm,  đêm biểu diễn nào họ cũng ngồi miết, cho đến hết vẫn chưa muốn về…”. 
Cũng từ sự kết nối của anh Trương  Văn Út, chúng tôi tìm đến Khu dân  cư số 2 huyện Côn Đảo. Ông Nguyễn  Văn Tuấn, Trưởng khu dân cư cho  biết: “Khu dân cư số 2 là một trong  những địa chỉ may mắn sớm được  xây dựng khang trang, hiện đại; là  trung tâm sinh hoạt văn hóa, học  tập cộng đồng, phục vụ đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân”. Hơn nửa thế  kỷ sống nơi đầu sóng ngọn gió, ký ức  của ông Tuấn cũng như nhiều người dân trong Khu dân cư số 2 đều chưa phai mờ cảnh tượng Côn Đảo những năm tháng xưa kia: Hoang sơ, vắng  lặng, chỉ có mây núi, cỏ cây, thiếu thốn, đói nghèo. Dần dà, Côn Đảo  hào sảng đón ngày càng đông hơn  những người ở phương xa, những trí  thức trẻ tình nguyện tìm đến. Để rồi,  mỗi người đã trở thành những công  dân yêu đảo, bám đảo, xây dựng và  vun đắp cho những giá trị văn hóa  nơi đây ngày càng khởi sắc.  

Đất nước nơi đầu sóng - Anh 3

Tham quan Trại giam Phú Tường, chuồng cọp Pháp tại Côn Đảo

Anh Út đưa chúng tôi đến gặp một  nhân vật đặc biệt - nữ cựu tù chính  trị duy nhất còn sống ở Côn Đảo, bà  Nguyễn Thị Ni. Ở tuổi 84, bà được  người dân Côn Đảo nhắc đến như  một “trang sử sống”, người lưu giữ ký  ức về hòn đảo anh hùng trong những  tháng năm Biển Đông dậy sóng. Đã  từng nghe nhiều câu chuyện kể, đọc  những bài báo viết về bà, nhưng câu  chuyện được tận mắt thấy tai nghe  ngày hôm ấy đã thực sự khiến chúng  tôi thấu hiểu được vì sao lịch sử đấu  tranh đầy máu và nước mắt trên  hòn đảo “Địa ngục trần gian” năm  xưa, đến hôm nay lại được gọi tên  là “Bản anh hùng ca bất tử”. Là một trong những nữ tù không ngại ngần  cống hiến tuổi xuân cho đất nước,  bà Ni nghẹn ngào: “Côn Đảo hôm  nay đã không còn là chốn địa ngục  trần gian nữa, nhưng để có được  cuộc sống thay đổi từng ngày, được  mang tên là “hòn đảo ngọc”, thì thế  hệ con cháu phải hiểu được rằng đó  là xương máu của ông cha, của hàng  vạn anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống…”. 
Hành trình tác nghiệp của chúng  tôi dịp này trùng với thời gian diễn  ra Cầu truyền hình Bản hùng ca bất  diệt kết nối Điện Biên và Côn Đảo,  sự kiện quy mô lớn do Bộ VHTTDL  phối hợp với các địa phương tổ chức  nhân kỷ niệm Ngày Thương binh -  Liệt sĩ 27.7. Từng dòng người tri ân  đổ về Côn Đảo, về Nghĩa trang Hàng  Dương và những điểm di tích Chuồng  Cọp, trại giam… mỗi lúc một đông.  Tranh thủ tiếp chuyện phóng viên  Văn Hóa giữa những bận rộn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo Lê Thị Hằng chia  sẻ, Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất  và lâu đời nhất trong cả nước; là điểm nhấn trong truyền thống lịch sử cách  mạng, nơi lưu giữ những ký ức không  thể nào quên của dân tộc. Ký ức đó  đã trở thành “bản anh hùng ca bất  tử”, kết nối từ mạch nguồn sâu thẳm  trong những giá trị văn hóa ngàn xưa  trên hòn đảo chất chứa đau thương  này. Bởi thế, dù năm tháng qua đi,  chiến tranh đã lùi xa nhưng thế hệ  hôm nay và mãi mãi sau này vẫn luôn  mong muốn được đến với mảnh đất  lịch sử nằm giữa trùng khơi để bày tỏ  lòng tri ân và thành kính trước những  bậc tiền nhân.  
Dòng ký ức như tràn về qua những câu chuyện được bà Lê Thị Hằng  chia sẻ. Giữa cơn mưa như trút nước,  cơn gió chướng sầm sập đẩy tất cả  lao về phía trước, anh Đại, một nhân  viên mẫn cán của Trung tâm đưa  chúng tôi đến các điểm di tích trọng  điểm như Chuồng Cọp, Trại giam  Phú Hải…, nơi lưu giữ chứng tích  hùng hồn, tố cáo đanh thép sự tàn  bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân  đối với phong trào yêu nước của dân  tộc Việt Nam. “Mỗi ngày, cao điểm  là vào tháng 7 và dịp Tết, Côn Đảo  đón rất nhiều đoàn khách từ mọi  miền đất nước và cả nước ngoài về  đây tri ân những anh hùng liệt sĩ,  những người con đã không tiếc máu  xương vì nền độc lập tự do của Tổ  quốc…”, anh Đại kể. 
Năm tháng qua đi, màu xanh Côn  Đảo ngày càng khiến “Địa ngục trần  gian” năm xưa trở nên rạng ngời hơn.  Ký ức không quên từ những nhân  vật mà chúng tôi có duyên được gặp  trong những ngày đi vội ấy cứ chảy  trôi mãi. Nhìn vào những gương  mặt đã mang dấu vết của thời gian  nhưng vẫn vẹn nguyên tinh thần bất  tử vì Tổ quốc, chúng tôi thấm thía  rằng, ngày hôm nay, dẫu đã có khúc  hát mới đẹp đẽ được ngân lên thì  mãi mãi ký ức bi tráng của một thời  vẫn luôn là những bài học vô giá,  nhắc nhở thế hệ trẻ thông điệp “hãy  biết sống đẹp hơn và ý nghĩa hơn”. 

THÚY HÀ - THU TRANG, ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc