Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La: Sức sống mới từ những mô hình tiêu biểu

Thứ Sáu 20/10/2017 | 09:28 GMT+7

VH- Năm 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La tiếp tục khẳng định hiệu quả rõ rệt thông qua thay đổi tích cực trong diện mạo tổng quan về cuộc sống của người nghèo trên địa bàn.

Nhiều mô hình điển hình về thoát nghèo, giảm nghèo có thể nói đang là tín hiệu khả quan, từng bước cho thấy ý nghĩa của những chương trình, chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chương trình đang được tỉnh miền núi Tây Bắc Sơn La này tập trung cao độ, góp phần giúp đỡ nhiều hộ dân nghèo có cơ hội đổi đời, từng bước thoát nghèo. 
 Những điểm sáng
Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn bề bộn khó khăn quả là thách thức không nhỏ với chính quyền địa phương. Với những chính sách thiết thực, UBND tỉnh Sơn La đã xác định từng mục tiêu, bước đi cụ thể. Kết quả là đã có nhiều con số, mô hình tiêu biểu xuất hiện, khẳng định hiệu quả của việc thực hiện Chương trình.
Đơn cử, với chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất, các huyện trên địa bàn đã chỉ đạo BQL rừng phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND các xã thực hiện lập dự toán hỗ trợ các hộ và cộng đồng nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hộ nhận khoán trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Sau khi tiến hành khảo sát, vận động nhân dân tiếp tục tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, các huyện đã xây dựng kế hoạch giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ 85.750 ha rừng; chăm sóc 60ha rừng phòng hộ; chăm sóc 250ha rừng trồng mới…
Hỗ trợ sản xuất cho người dân, UBND các huyện đã chỉ đạo các xã lập phương án hỗ trợ các hộ nghèo. Cụ thể, các huyện đã thực hiện hỗ trợ 5.536 con giống cho hộ nghèo; hỗ trợ 2.664 triệu đồng cho 1.332 hộ nghèo làm chuồng trại; hỗ trợ 596 triệu đồng cho hộ nghèo trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng đã hỗ trợ cây giống, hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm… Việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a được đánh giá đã được các huyện chỉ đạo triển khai phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện, xã nghèo, giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Nhiều mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo hiệu quả đã khẳng định tác động thiết thực từ các chính sách đầu tư của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ năm 2016, Sở NN &PTNT Sơn La hỗ trợ 1384 hộ với kinh phí 6051 triệu đồng để thực hiện xây dựng 26 mô hình phát triển sản xuất, gồm các mô hình hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, trồng cây ăn quả trên dốc đất, phân bón NPK Nông Lâm Thao, mô hình nuôi bò cái vàng địa phương, nuôi dê cái sinh sản địa phương, trồng cây ăn quả bưởi da xanh, cam Hòa Bình, mô hình phát triển cây sa nhân tím, phát triển chăn nuôi ngựa, trồng bí lấy quả, mô hình nuôi bò sinh sản nuôi nhốt kết hợp trồng cỏ, nuôi dê sinh sản kết hợp trồng cỏ.
Trong số các mô hình giảm nghèo được định hướng nhân rộng, tiêu biểu là mô hình nuôi dê sinh sản giống địa phương với sự tham gia của 55 hộ nghèo tại 2 xã Suối Bàng, Liên Hòa của huyện Vân Hồ. Với những hỗ trợ cụ thể, UBND các xã trên địa bàn huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê; làm chuồng trại cho các hộ dân tham gia mô hình. Đến nay, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ nghèo tham gia mô hình có thêm niềm tin để phấn đấu, vươn lên thoát nghèo.


Tiếp tục những bước đi
Năm 2017, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh Sơn La giao cho các Sở, ngành và UBND các huyện là 361.960 triệu đồng. Nguồn vốn này được phân bổ để thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2017, bao gồm: Dự án Chương trình 30a với các tiểu dự án: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Dự án Chương trình 135 với các nội dung: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, bản đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, bản đặc biệt khó khăn; Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135; Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thưc hiện Chương trình.
Nhìn lại chặng đường đã qua, dù đã chuyển biến tích cực song việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Sơn La vẫn còn gặp một số vướng mắc. Một trong số đó là sự lúng túng, thiếu chủ động và kịp thời, chất lượng chưa cao của việc tham mưu, đề xuất thưc hiện Chương trình. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác giảm nghèo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thường xuyên và sâu rộng.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc kể trên cũng đã được thẳng thắn chỉ rõ. Theo đó, một trong những nguyên nhân là việc quản lý, triển khai thực hiện các nguồn vốn của chương trình giảm nghèo còn nhiều đầu mối, khó khăn trong công tác tổng hợp, thông tin báo cáo. Đội ngũ cán bộ tại các cấp, ngành thường xuyên có sự luân chuyển, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ chưa chuyên sâu. Bộ máy cán bộ làm công tác giảm nghèo còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều…
Trước thực tế này, để tiếp tục những bước đi nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, UBND tỉnh Sơn La đã nêu một số kiến nghị, đề xuất: Đề nghị nghiên cứu đồng bộ các chính sách, xem xét giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp không bằng các chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất, nâng định mức cho vay, đơn giản về thủ tục. Bổ sung các chính sách ưu đãi cho các hộ có chủ hộ thuộc nhóm người yếu thế (người cao tuổi, phụ nữ, người khuyết tật), các chính sách có tính đặc thù cho vùng miền.
Nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, hướng dẫn các địa phương cách thức lồng ghép, tích hợp các chính sách trên cùng một lĩnh vực để tránh chồng chéo, giảm đầu mối triển khai thực hiện các chương trình. UBND tỉnh cũng đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nước sạch, hỗ trợ công cụ sản xuất, phương tiện sản xuất; đồng thời xem xét, phân cấp cho địa phương quy định những điều kiện cụ thể để triển khai thực hiện cho phù hợp.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình: Góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. 
Cơ sở hạ tầng KT-XH của các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt… 
(Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020).

 

P.V

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top