Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cười ra nước mắt với BGK cuộc thi ảnh

Thứ Sáu 07/12/2018 | 10:04 GMT+7

VHO- “Nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay đang tự hạ thấp mình bởi sự dễ dãi trong tìm tòi, sáng tạo của mỗi nghệ sĩ và cả sự thẩm định, đánh giá tác phẩm qua các cuộc thi còn rất nhiều vấn đề…”. 

Bức “Ấm no ở vùng cao” được trao HCV của Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 năm 2016 bị phát hiện chắp ghép quá nhiều 

Đó là một trong những ý kiến rất đáng chú ý tại hội thảo “Nhiếp ảnh nghệ thuật, những vấn đề hiện tại” vừa diễn ta tại Hà Nội.
Nhiều thành viên BGK còn “nhấm nháy” 
Hằng năm, ngoài giải của Hội NSNA Việt Nam thì ở nhiều Chi hội nhiếp ảnh tỉnh, thành phố, CLB, Bộ, ngành còn tổ chức hàng trăm cuộc thi và triển lãm ảnh. Đó là nhu cầu cần thiết và rất tự nhiên. Đã thi ắt phải có một Hội đồng giám khảo để thẩm định, chấm ảnh, xét giải. Công việc này là yếu tố rất quan trọng trong các cuộc thi ảnh. Cuộc thi có thành công hay không, ngoài công tác tổ chức, sẽ tùy thuộc rất lớn vào Ban giám khảo (BGK). Ngoài yếu tố chuyên môn, các thành viên BGK còn phải là những người công tâm, khách quan, không vụ lợi. 
Tuy nhiên, trên thực tế có không ít cuộc thi sau khi trao giải đã gây bức xúc cho người dự thi và cả người được giải. Cách xử lý là, nếu trường hợp nghiêm trọng thì thu hồi giải, hủy kết quả giải, hoặc xin tự rút giải. Lâu nay, cách giải quyết này được nhiều người coi là chuyện “mặc nhiên”, không quan tâm và lâu dần mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng. Nói như nhiếp ảnh gia Cao Minh, việc lựa chọn BGK để thẩm định, chấm ảnh, xét giải là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi cuộc thi. Thế nhưng, không ít ý kiến lại cho rằng nhiều BGK hiện nay vẫn tồn tại tình trạng đi đêm “nhấm nháy” với thí sinh dự thi…, khiến cho những nghệ sĩ chân chính ngán ngẩm. 
“Tôi từng chấm ảnh cùng với một vị giám khảo không hề biết gì về photoshop nên khi thẩm định ảnh, có tác phẩm người ta không làm photoshop lại bảo anh này “shop”; có tác phẩm ảnh làm photoshop lè lè ra…, vừa vụng về lại vừa thô thiển thì lại bảo không. Chính sự “gà mờ” của những vị giám khảo đó đã xảy ra tình trạng ảnh đoạt giải cao nhất cuộc thi bị hội viên “soi xét” phát hiện đã phải bị hủy bỏ”, một nghệ sĩ nhiếp ảnh giấu tên cho biết. 

 Bức ảnh “Vì thành phố xanh sạch đẹp” đoạt HCB cuộc thi ảnh Ấn tượng Hà Nội năm 2016 đã bị loại khỏi giải vì lắp ghép Ảnh: INTERNET 

“Mù tịt” về tác phẩm 
Còn nhiếp ảnh gia Cao Phong lại đưa ra một ví dụ dở khóc, dở cười: Có một tác phẩm về ruộng bậc thang ở vùng cao đoạt giải nhất cuộc thi tầm cỡ toàn quốc nhưng khi phóng ảnh chỉ to bằng hai trang tạp chí đã phát hiện ba người đầu lộn xuống đất, chân chỏng lên trời. Tác giả này chắp ghép ảnh ruộng bậc thang lộn ngược để phù hợp với bố cục nhưng do thiếu hiểu biết về kiến thức nhiếp ảnh, hội họa cùng quy luật “viễn cận” nên ruộng bậc thang nhìn gần thì bờ ruộng hẹp sít lại, ở xa thì bờ ruộng lại rộng doãng ra. Khâu hậu kỳ hoàn thiện tác phẩm sau phần chắp ghép, tác giả đã không xóa hết còn bỏ sót 3 người đi lộn đầu xuống đất. Ấy vậy mà tác phẩm vẫn vào giải và đoạt giải nhất cuộc thi ảnh toàn quốc năm ấy. Buồn hơn, khi khai mạc triển lãm tác phẩm đoạt giải nhất này, Ban tổ chức chỉ làm khiêm tốn phóng cỡ 24x30cm và treo tít tận trên cao gian tiền sảnh. 
“Việc tác giả làm gì với ảnh của họ thì không đáng trách, nhưng đáng trách nhất là BGK, những người cầm cân nảy mực, thẩm định và xét giải, không biết do sự thiếu tinh tường, do vô tình hay hữu ý đã để lọt những bức ảnh đó vào giải nhất cuộc thi Toàn quốc nên mới thành chuyện đàm tiếu hài hước”, ông Cao Phong nói. 
Chưa hết, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Thịnh cho biết, trước đây khi chấm ảnh công khai, ông đã chứng kiến có những thành viên BGK không biết gì về ảnh nên khi chấm cứ lật đi lật lại một tác phẩm nhưng thực tế thì “mù tịt” không biết tác phẩm đó muốn nói điều gì. Việc lật đi lật lại chỉ để xem tác phẩm đó của ai, có phải bạn mình không để cho điểm. Còn giờ đây khi công nghệ cao, chấm ảnh bằng online, có scandal không? Có đấy. “Tôi biết có những người trong BGK chết ngạt vì những cuộc gọi điện thoại đến kiểu như, “lần này em có 4 bức ảnh gửi đến cuộc thi, nội dung như này như kia, anh xem góp ý cho em nhé. Ừ! mai mang ảnh ra quán café anh xem thế là xong ngay”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Thịnh nhấn mạnh. 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng rất băn khoăn về trình độ của BGK nhiếp ảnh hiện nay. “Nhiều người trong BGK cầm máy cả 10 năm nay rồi nhưng kiến thức nhiếp ảnh còn nông cạn. Trong khi đó còn rất nhiều nhà nhiếp ảnh giỏi lại không được mời vào BGK. Tôi có cảm giác BGK hiện nay thường là “cùng cạ”, cho nên mới có tình trạng tại các cuộc thi nhiếp ảnh có những vị giám khảo không có trình độ mà vẫn mời vào. Đó là thực trạng đáng buồn”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng chia sẻ. 
Trong hầu hết các cuộc thi thì đều có nhà tài trợ là công ty này hay tập đoàn kia, nhưng lại không phải là các chuyên gia về lĩnh vực nhiếp ảnh. Dù vậy, trong các cuộc thi và triển lãm ảnh do họ tài trợ, đôi khi họ lại gánh vác phần lớn kinh phí của cuộc thi và toàn bộ giải thưởng nên họ có thể quyết định cả vận mệnh cuộc thi. Điều này đôi khi cũng khó cho BGK. Có những trường hợp Hội nhận lời giúp cho Bộ, ngành tổ chức cuộc thi ảnh và chấm giải. Nhưng không thể nào nói như một NSNA lâu năm và có chức sắc rằng: “Bà bán rau nếu có tiền tài trợ cũng có thể tham gia BGK”. 
“Đã ngồi làm giám khảo thì phải là người giỏi, tinh tường nghiệp vụ, biết đọc ảnh vừa phải là những người công tâm, khách quan, trung thực không vụ lợi và điều quan trọng hơn cả là giữ được đạo đức của người làm nghề. Tránh tình trạng đi đêm “nhấm nháy” với thí sinh dự thi…”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Phong chia sẻ. 

 Nhiều người trong BGK cầm máy cả 10 năm nay rồi nhưng kiến thức nhiếp ảnh còn nông cạn. Trong khi đó còn rất nhiều nhà nhiếp ảnh giỏi lại không được mời vào BGK. Tôi có cảm giác BGK hiện nay thường là “cùng cạ”, cho nên mới có tình trạng tại các cuộc thi nhiếp ảnh có những vị giám khảo không có trình độ mà vẫn mời vào. Đó là thực trạng đáng buồn. 

(Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng) 

THANH NGỌC 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top