Dự án thép nghìn tỉ "khai tử": Ngân hàng chia nhau đống sắt rỉ

VHO- Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi (xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng nhằm giải quyết nguyên liệu cho nhà máy quặng sắt Vũ Quang và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và đóng góp một lượng ngân sách lớn cho tỉnh Hà Tĩnh. Sau gần 10 năm xây dựng, dự án này chỉ là một khối nhà xưởng dang dở với các thiết bị máy móc đang hoen rỉ… giữa hàng chục ha đất hoang.

Dự án thép nghìn tỉ

 Toàn cảnh dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi hoang tàn, máy móc hoen rỉ

 Năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư dự án này và hiện nay lực lượng chức năng liên quan đang tiến hành kiểm đếm để thanh lý tài sản. Ba ngân hàng lớn có chi nhánh tại Hà Tĩnh là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã hùn vốn đầu tư giờ chỉ còn cách chia nhau… đống sắt vụn.

“Siêu” dự án…

Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi được BQL Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng Hà Tĩnh cấp chứng nhận đầu tư ngày 15.6.2007 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Dự án do Công ty CP gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, trong đó 2 cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình- Hà Nội) với tỷ lệ góp vốn 64% và Công ty Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa- Hà Nội) 34%.

Dự án tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại KKT Vũng Áng. Theo kế hoạch, dự án khởi công vào tháng 8.2008 với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm. Tháng 2.2010 lắp đặt dây chuyền thiêu kết – luyện gang giai đoạn 1; tháng 7.2008 đến tháng 8.2010 lắp đặt toàn bộ thiết bị, tháng 3.2010 sản xuất thử ra phôi gang và tháng 8 ra phôi thép thương phẩm.

Tuy nhiên, đến năm 2010 dự án này bị ngưng trệ và không thể thực hiện khởi động lại dự án như cam kết. Năm 2015, BQL KKT Hà Tĩnh ra quyết định dừng hoạt động, thu hồi chứng nhận đầu tư của dự án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án thép nghìn tỉ

… đến Ngân hàng chia nhau đống sắt vụn

Tính đến nay, sau gần 10 năm triển khai xây dựng thì dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi này đã chính thức “khai tử”. Hiện vùng đất rộng 25,8 ha tọa lạc tại vị trí “vàng”, sát ngã tư quốc lộ 1A với đường xuống cảng Vũng Áng Hà Tĩnh giờ là một bãi cỏ hoang tàn. Khối nhà xưởng của dự án đã được xây dựng dang dở với các thiết bị máy móc đã hoen rỉ còn lại bộ khung. Người dân địa phương cho biết, khi dự án chưa thu hồi vẫn có một vài bảo vệ được thuê để túc trực canh đống sắt vụn nhưng những năm gần đây đóng cửa im lìm, mọi tài sản trong dự án xuống cấp trầm trọng…

Được biết, quá trình triển khai dự án này, chủ đầu tư đã đổ vào dự án này hơn 1.000 tỉ đồng bao gồm toàn bộ trang thiết bị máy móc, phương tiện. Trong số tiền này, các ngân hàng như: TMCP Đại chúng VN, BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội, VDB Hà Tĩnh, Vietcombank Hà Tĩnh, BIDV Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh đã huy động, hùn vốn cho đơn vị thực hiện triển khai dự án. Nay công ty này đang nợ các ngân hàng số tiền trên 750 tỉ đồng không có khả năng trả nợ.

Hiện lực lượng thi hành án phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp đang kê biên, định giá tài sản dự án thép Vạn Lợi để tiến hành đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sau khi có bản án dân sự, các ngân hàng thu hồi nợ bằng cách chia nhau đống sắt vụn. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP gang thép Hà Tĩnh đang nợ các ngân hàng với tổng số tiền đến ngàn tỉ đồng. Vấn đề dư luận đặt ra là, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm như thế nào khi mạo hiểm ký hợp đồng tín dụng, chấp nhận thế chấp tài sản sau đầu tư nay dự án chỉ là… đống sắt vụn. Hàng trăm tỉ đồng bị thất thoát, trách nhiệm thuộc về ai? 

 THÂN BA

 

Ý kiến bạn đọc