Quản lý tại địa phương còn quá lỏng lẻo

VHO- “… Các hạng mục công trình nêu trên được xây dựng trong một thời gian dài, BQL di tích, UBND xã, Phòng VHTT huyện, nhà chùa, Hội Người cao tuổi đều biết mà không có biện pháp xử lý cụ thể.

Quản lý tại địa phương còn quá lỏng lẻo - Anh 1

Công trình xây dựng trái phép tại chùa Bối Khê đã được dán “niêm phong”

Những sai phạm không nhỏ này không chỉ là xây dựng không phép mà đặt ra vấn đề về công tác quản lý di tích tại địa phương còn quá lỏng lẻo”. Đây là ý kiến đánh giá của ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa tại cuộc kiểm tra về những vi phạm xây dựng trong khuôn viên bảo vệ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Bối Khê (Hà Nội).

 Cần biết rằng, chùa Bối Khê tọa lạc đối diện với trụ sở UBND xã Tam Hưng. Vì thế những động thái can thiệp dù nhỏ nhất tới di tích thì cán bộ và lãnh đạo xã chắc phải đều biết. Thế nhưng không hiểu sao, tình trạng xâm phạm chùa Bối Khê vẫn cứ diễn ra. Xin thưa, do quản lý lỏng lẻo. Nhưng khi “giải trình” với Đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL thì Chủ tịch UBND xã Lê Huy Chung một mặt nhận sai, mặt khác xin được thông cảm vì “địa phương có nhiều cái khó”. Khó như thế nào thì chịu không thể nào lý giải nổi.

Chúng ta đều biết rằng, đại đa số di tích đều nằm trên địa bàn cấp xã, phường. Và gần như tỉnh, thành phố nào cũng đã có sự phân cấp quản lý di tích hết sức cụ thể, theo đó phải chịu trách nhiệm chính trước huyện, tỉnh về công tác quản lý di sản của mình. Thế nhưng với kiểu quản lý còn quá lỏng lẻo như thế này thì di tích rất khó được bảo toàn.

Cố GS Chu Quang Trứ, một nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống đã phải thốt lên: “Những ai yêu quý di sản văn hóa của dân tộc mới cảm thấy đau xót khi di tích bị xâm hại nghiêm trọng”. Thử hỏi, chính quyền, xã huyện có đau xót không khi chùa Bối Kê bị xảy ra những chuyện như thế? 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc