Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thị trưởng ảnh Việt Nam: Như “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

Thứ Tư 14/08/2019 | 10:13 GMT+7

VHO- “Việc mua, bán tác phẩm ảnh ở ta chủ yếu phụ thuộc giao dịch giữa hai bên và mang tính cá nhân. Nhiều chủ doanh nghiệp có mối quen với nhiếp ảnh gia đặt vấn đề mua ảnh, thế là người chụp cứ thế phát giá chứ không căn cứ vào mức nào. Trong rất nhiều trường hợp, hợp đồng mua, bán ảnh chỉ là thỏa thuận miệng, thậm chí không có cả giấy tờ để chứng thực những bức ảnh đó là của “chính chủ”…”, nhiếp ảnh gia Việt Văn đã chia sẻ như vậy tại hội thảo về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm mới diễn ra tại Hà Nội.

 Nguồn ảnh VN rất giàu tiềm năng

 Nếu như những cuộc đấu giá tranh ngày một nhiều hơn với sự xuất hiện của một số nhà đấu giá có tên tuổi trong Nam, ngoài Bắc thì thị trường ảnh của VN xem ra khá bình lặng, cho dù vẫn có những cuộc mua bán tác phẩm rải rác đây đó. Nói chính xác là chúng ta chưa có một thị trường ảnh đúng nghĩa.

“Cái cây chỉ có ngọn không có gốc”

Trước đây một số nghệ sĩ nhiếp ảnh mở trang web riêng để bán ảnh trên mạng nhưng cũng chỉ túc tắc bán lẻ từng tác phẩm, tạm đủ sống qua ngày tháng. Dần dà nhiều nghệ sĩ xoay sang bán ảnh trên mạng xã hội chủ yếu là qua Facebook, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. “Trước kia, cứ chụp xong in ra, chi phí càng rẻ càng tốt, kiếm chỗ treo mời bạn bè, người thân đến xem. Ngay từ đầu họ cũng không nghĩ đến chuyện bán ảnh. Trong khi đó, công chúng có tâm lý đã xem triển lãm là miễn phí, không tính đến chuyện mua, mà nếu có thì cũng rất rẻ. Bây giờ, mọi người đưa ảnh lên mạng xã hội và được người xem hưởng ứng bằng “like”, và cũng ít có giao dịch nào diễn ra tiếp theo”, nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc chia sẻ.

Một số ý kiến khác cho biết, trước đây việc bán ảnh để làm lịch hằng năm được doanh nghiệp đặt hàng nhiếp ảnh gia chụp theo chủ đề, đề tài họ đưa ra, hoặc mua lại một số bộ ảnh phong cảnh của vài nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Nhưng mấy năm trở lại đây, việc các tay “phượt” hay dân du lịch được trang bị máy chụp hiện đại, rồi đưa lên các trang mạng xã hội đã trở thành “điểm ngắm” của các nhà làm lịch. Cạnh đó, ở TP.HCM cũng có vài nghệ sĩ nhiếp ảnh mở phòng trưng bày bán ảnh, nhưng số ảnh bán ra không đủ tiền trả thuê mặt bằng phòng trưng bày. Thế là “dẹp tiệm”. Đã có một thời kỳ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thử nghiệm bán ảnh giúp hội viên trông qua trang Web của Hội, nhưng rồi mọi thứ không thành công… Cũng đã có vài tổ chức tư nhân khác ở Việt Nam mở ngân hàng ảnh cuối cùng cũng thất bại.

Ngay như một bức ảnh được bán ra file gốc, là hình độc bản song khi nhân bản bao nhiêu cũng rất khó biết. Việc sử dụng ảnh một lần hay nhiều lần, trong những trường hợp cụ thể nào, nhiều khi cũng chưa được đề cập đến một cách chuyên nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều nhưng theo nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh lý do chủ yếu vẫn là việc bán ảnh ở Việt Nam hiện tại như cái cây chỉ có ngọn không có gốc, nên không thể trụ vững được. Từ chuyện không thống nhất với tỷ lệ ăn chia phần trăm giữa người môi giới và nghệ sĩ cũng là lý do dẫn tới sự sụp đổ của một số gallery bán ảnh ở Hà Nội và TP.HCM. Việc không giữ được bản quyền ảnh khi nghệ sĩ gửi file và thực tế là công tác PR quảng bá mua bán ảnh chưa thực sự có hiệu quả.

Cần thiết phải có một thị trường ảnh đúng nghĩa

Từ khi nhiếp ảnh xuất hiện, ở phương Tây đã xem đây là loại hàng hóa đặc biệt với một thị trường ảnh bài bản, từ gallery của các nhà sưu tập nghệ thuật cho đến những “kho” hay cửa hàng trên mạng, và những cuộc mua bán ảnh diễn ra khá nhộn nhịp… Người mua cứ việc sử dụng một thiết bị thông minh là có thể “đi chợ” ảnh tha hồ ngắm nghía, lựa chọn. Việc cập nhật (update) từ hồ sơ tác giả cho đến tác phẩm mới nhất luôn được admin nhắc nhở các nhiếp ảnh gia để việc mua bán được hiệu quả. Có những địa chỉ khác bán ảnh khó khăn hơn như một trang web của Mỹ đòi hỏi tác giả và chủ gallery ký hợp đồng trong 3 năm và sau đó nếu không hiệu quả sẽ chấm dứt, với tỷ lệ phần trăm là 40-60 mà tác giả chỉ hưởng 40 do toàn bộ việc in phóng, vận chuyển thuộc về chủ gallery. Vì ảnh là hàng hóa nên buộc các tác giả khi gửi hàng ở gallery cũng phải tuân thủ quy tắc lập một tờ khai có xác nhận đồng ý cho phép sử dụng hình ảnh của nhân vật trong ảnh, thậm chí nếu hình ảnh có đồ vật như cái ghế, cái bàn thì còn đòi hỏi chủ nhân đồ vật phải xác nhận.

Trong khi đó nguồn ảnh của VN rất giàu tiềm năng, nhưng thị trường lại chưa có. Đây là một sự lãng phí. Và cũng vì thị trường ảnh nhạt nhòa nên cuộc sống của nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam nhìn chung cũng khó khăn, ít người sống nổi bằng nghề. Một thiệt thòi khác, khi không có thị trường ảnh, công chúng gần như không biết hiện tại những bộ ảnh hay bức ảnh nào của Việt Nam nổi tiếng, có giá trị về nghệ thuật, giá trị văn hóa hay giá trị lịch sử... Nhiếp ảnh gia Việt Văn đề xuất, cần có một tổ chức nào đó đứng ra vừa tổ chức được ngân hàng ảnh làm dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia, vừa khai thác dùng cho những mục đích phục vụ cộng đồng, vừa bán ảnh cho khách hàng. Dĩ nhiên, tổ chức đó phải thật chuyên nghiệp, vừa có “tầm” thẩm định ảnh, đánh giá giá trị thực sự của bức ảnh trên nhiều thang giá trị, vừa có “tâm” để khách hàng có thể yên tâm mua ảnh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một thuận lợi để có thể tạo ngân hàng ảnh trên mạng, ngoài việc trưng bày còn là những gian hàng ảnh cho mọi người có thể xem, lựa chọn, mua bán…

Nếu có một thị trường ảnh thực sự sẽ là sự kích thích cho các nhiếp ảnh gia phải luôn tự làm mới mình, năng động và sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của thị trường. Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc cho rằng, nghệ sĩ làm ra tác phẩm cũng tốn kém, chụp xong còn phải in ra trên giấy tốt, lồng khung, thuê gallery... Nghệ sĩ ví von, đó là hai con đường khác nhau, như một chiếc xe xuống dốc và một chiếc lên dốc: Nếu chỉ rẻ và miễn phí thì mọi thứ sẽ đi xuống, còn nghệ sĩ chụp tác phẩm và cố gắng hoàn thiện tốt nhất để bán, người mua sẽ thấy ảnh có giá trị, hoặc muốn ủng hộ sáng tạo. Leo ngược dốc tuy khó hơn, nhưng từ đó thị trường nhiếp ảnh sẽ phát triển. 

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top