Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đặc sắc, quyến rũ trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc 2019

Thứ Hai 19/08/2019 | 08:44 GMT+7

VHO- Tối qua 18.8, tại TP Sơn La (Sơn La) đã khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV năm 2019, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”. 

Ngày hội do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức diễn ra từ ngày 18- 20.8 tại TP Sơn La với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc đến từ 7 tỉnh gồm Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Sơn La. 

Đây là hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô lớn, được duy trì tổ chức luân phiên, định kỳ giữa các tỉnh vùng Tây Bắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ mới của đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. 

Trong khuôn khổ của sự kiện, vào buổi sáng cùng ngày 18.8 đã diễn ra lễ khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La và các tỉnh bạn. Đó là triển lãm ảnh nghệ thuật về văn hóa - du lịch với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, triển lãm cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc, trại văn hóa trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc vùng Tây Bắc và hoạt động thể thao, trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng… Đặc biệt, các gian trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương gồm những món ăn đặc sản các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông… đã thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch.

 Chị Bùi Thị Mơ, 33 tuổi, dân tộc Mường tại xã Ngọc Mỹ, Tân Lạc, Hòa Bình giới thiệu đặc sản Hòa Bình

Tại gian trại văn hóa của tỉnh Hòa Bình, chị Bùi Thị Mơ, 33 tuổi, dân tộc Mường (xã Ngọc Mỹ, Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết, nhóm của chị đã chuẩn bị cả tuần qua để huy động các sản phẩm đặc trưng nét văn hóa địa phương của bà con dân tộc trong xã và các xã lân cận để tham gia triển lãm. Đó là những chiếc “chón” để gùi ngô, bộ dụng cụ “viếng”, “uốp” để hấp đồ ăn và hấp xôi tương tự như bộ chõ hấp của người Kinh. Về ẩm thực, những món đặc sản đặc trưng của người Mường Hòa Bình như bánh “uôi”, bánh “ốc”, 2 món cá đồ (hấp) măng chua với các gia vị khác nhau như sả, hạt dổi. Cá dùng cho món đồ phải là cá vền, một loại cá giờ đã khá hiếm và hầu như chỉ có ở sông lớn, khi hấp phải bọc lá chuối tươi và hấp 2 lần món ăn mới ngon…

Còn tại gian trại văn hóa của tỉnh Yên Bái, chị Lò Phương Nga, người dân tộc Tày (bản Chao Hạ, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã giới thiệu nhiều sản vật đặc trưng của địa phương như quả sơn tra của người Mông ở Mù Cang Chải, gạo nếp Tú Lệ - Văn Chấn, quế Văn Yên, chè San tuyết Suối Giàng Văn Chấn, miến dong Giới Phiên… Riêng món xôi ngũ sắc giới thiệu tại gian hàng được nấu từ gạo nếp Tú Lệ nổi tiếng và nhuộm bằng vài thứ hoa lá rừng. Chẳng hạn để xôi có màu vàng phải dùng hoa ké vàng, màu xanh dùng kết hợp lá dứa và lá khế, màu tím dùng lá cơm tím, màu đỏ dùng lá cơm đỏ và màu trắng ngà là màu vốn có của nếp Tú Lệ. Các loại nguyên liệu màu phải được giã nhỏ, trộn với gạo nếp đã ngâm qua đêm theo tỷ lệ nhất định, quá lượng sẽ bị “nồng”…

 Một số tiết mục trong Lễ khai mạc sáng 18.8

Không kém phần độc đáo, món đặc sản Điện Biên được chị Quàng Thị Vân (bản Pa Lếch, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, Điện Biên) là món gà xương đen hấp bí đỏ được nấu ngay tại chỗ vẫn bốc hơi nghi ngút. Gà xương đen Tủa Chùa được chặt vừa miếng, ướp gia vị, lá chanh và hạt mắc khén, hấp cách thủy từ 30-40 phút trong quả bí đỏ, vừa có mùi thơm vừa có vị ngọt của bí, ăn một lần nhớ mãi… Trong khi đó, các thiếu nữ Sơn La lại giới thiệu món cơm lam ngũ sắc, cá nướng, rau rừng xào đặt trong bẹ hoa chuối, gà tẩm mật ong… Gian văn hóa này trở nên sôi động với màn nhảy sạp đậm màu văn hóa Tây Bắc của các cô gái Thái Sơn La…

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), đại diện Ban Tổ chức Ngày hội phát biểu tại lễ khai mạc đã nhấn mạnh: “Đến với không gian triển lãm và trưng bày của 7 tỉnh vùng Tây Bắc, và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng ta thấy được bức tranh phong phú mang đậm sắc thái riêng của mỗi tỉnh, mỗi dân tộc vùng Tây Bắc trong truyền thống và trong quá trình hội nhập, phát triển bền vững thông qua các hình ảnh nghệ thuật được trưng bày, các sản vật, món ăn đặc sắc, truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc”. 

QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top