Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Dự thảo quy định hành nghề "xe ôm", xích lô ở Hà Nội phải có thẻ hành nghề: Hay đấy, nhưng có làm được không?

Thứ Sáu 23/08/2019 | 11:06 GMT+7

VHO- Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ hoạt động tại Hà Nội

 Trong dự thảo này có một nội dung quan trọng, được dư luận quan tâm là người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy, xe thô sơ (gồm xích lô, xem ôm) phải được cấp phép và phải đeo biển hiệu khi hành nghề.

Tài xế “xe ôm” phải có thẻ hoạt động vận chuyển

Theo nội dung tại Tờ trình của Sở GTVT Hà Nội, quy định này nêu rõ, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ. Những người này phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển). Khi điều khiển phương tiện, người hành nghề phải mang theo các giấy tờ gồm giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Đối với người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh có giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe được phép điều khiển do Sở GTVT cấp; phải trang bị mũ bảo hiểm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe. Nếu quy định này được ban hành thì kể từ ngày 1.1.2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Theo ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô 2 bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm tăng cường một bước quản lý nhà nước đối với các loại xe này để vận chuyển hành khách và hàng hóa; giúp tạo nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho người Thủ đô, nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải bằng xe thô sơ, môtô theo hướng an toàn, giảm tai nạn, ô nhiễm môi trường.

Theo Dự thảo của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, sắp tới những người lái "xe ôm", xích lô phải đăng ký và được cấp thẻ hành nghề mới được hoạt động. Dư luận cho rằng quy định đó là phù hợp nhưng rất khó khả thi Ảnh: P.V

Cần nhưng phải tránh cơ chế xin - cho từ “giấy phép con”

Luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú) nhận định, hoạt động vận chuyển bằng xe máy để vận chuyển người (còn gọi xe ôm) hay hàng hóa (shipper) hiện nay khá phổ biến và phát triển theo nhu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Thực trạng của các hoạt động này diễn ra khá lộn xộn và nảy sinh những vấn đề phức tạp. Dự thảo trên của Sở GTVT Hà Nội đã phần nào đáp ứng được yêu cầu quản lý của nhà nước đối với những loại hình kinh doanh mang tính thị trường này. Tuy nhiên, những đề xuất nói trên tương đối bất cập, đặc biệt là đối với những đối tượng không hành nghề “xe ôm” hay các “shipper” chuyên nghiệp, hoạt động tự phát ngoài những công việc chính thức của họ. Việc quản lý những người làm công việc này là cần thiết nhưng nên theo hướng tổ chức tự quản và ổn định lâu dài, tránh các thủ tục hành chính như là “các giấy phép con” và tạo ra một cơ chế xin cho có thể phát sinh những vấn đề không trong sáng.

Hơn nữa, theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có điều khoản nào xử lý riêng biệt dành cho các đối tượng là “xe ôm”, shipper. Việc Dự thảo hướng dẫn hoạt động kinh doanh xe 2 bánh phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh không chỉ khó khả thi mà còn đi ngược lại chủ trương của Chính phủ và của Bộ GTVT. Đó là hoạt động “xe ôm” là loại hình kinh doanh dịch vụ mà chủ thể kinh doanh đặc thù là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, họ hành nghề chủ yếu là “mưu sinh”, nhận thức pháp luật hạn chế nên những qui định trong Dự thảo làm tăng thêm “gánh nặng” cho họ mà không đạt được lợi ích.

Giải pháp phù hợp là nên hướng việc quản lý nhà nước theo hình thức “tự quản”, “xã hội hóa”, tuyên truyền và nâng cao ý thức tự nguyện để họ lập và tự nguyện tham gia các “nhóm”, “hội” hoạt động qui củ, chuyên nghiệp. Nhà nước không nên “luật hóa” đối với ngành nghề này là phù hợp để đảm bảo sự phát triển của các thành phần kinh tế trong xã hội. Có thể thấy rằng, “nghề xe ôm” ở Hà Nội hiện đang có số lượng người hành nghề rất lớn, do đó cũng phát sinh nhiều vấn đề lộn xộn, tự phát khó quản lý. Những năm gần đây, bên cạnh loại hình “xe ôm truyền thống”, đã phát sinh “xe ôm công nghệ”.

Thực tế vẫn là tài xế của “xe ôm” truyền thống, nhưng khi chuyển qua hoạt động “xe ôm công nghệ” thì đã có những chuyển biến tích cực hơn, hoạt động quy củ hơn. Hành khách thuê dịch vụ “xe ôm công nghệ” cũng thấy yên tâm hơn vì biết rõ biển số xe và số điện thoại của tài xế, dịch vụ này cũng hạn chế được sự tranh chấp về phí dịch vụ vì mỗi cuốc xe đặt đều được báo số tiền cước cụ thể. Tuy còn một số bất cập vì “công nghệ mới” nhưng “con người cũ”, nhưng rõ ràng, có quản lý cũng có sự ổn định rõ rệt.

Đối với quy định tại Dự thảo này, nếu được thông qua và đi vào thực tiễn, thì cần phải có giải pháp đơn giản hóa thủ tục cấp phép và có biện pháp giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Được biết, năm 2010, TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-UB ngày 17.9.2010 “Quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM” với những quy định tương tự như Dự thảo mà Sở GTVT Hà Nội vừa trình. Tuy nhiên, hiện các tài xế xe ôm, xích lô, xe ba gác hoạt động trên địa bàn TP.HCM hầu như không đeo thẻ hành nghề. 

 TP.HCM cũng quy định nhưng chưa ai theo

Năm 2010, TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định số 71/2010/ QĐ-UB ngày 17.9.2010 “Quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM” với những quy định tương tự như Dự thảo mà Sở GTVT Hà Nội vừa trình. Tuy nhiên, hiện các tài xế xe ôm, xích lô, xe ba gác hoạt động trên địa bàn TP.HCM hầu như không đeo thẻ hành nghề.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top