Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những hình ảnh, hiện vật ghi dấu chân Người

Thứ Sáu 23/08/2019 | 11:16 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” sẽ được Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam tổ chức từ ngày 30.8- 3.9 tại Hà Nội.

Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 1 ở Việt Bắc tháng 4.1950

Điều đặc biệt là triển lãm sẽ có sự tham gia của các tỉnh, thành phố có dấu ấn gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người như Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương.

Nguồn sáng dẫn đường

Ông Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam nhấn mạnh: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một văn kiện có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc, là di sản thiêng liêng và quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua 50 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên CNXH...

Hiếm có tác phẩm nào Bác dành nhiều thời gian, tâm trí suy ngẫm thận trọng đến từng câu chữ để viết như bản Di chúc này. Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác viết, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng”.

Tại Khu trưng bày chung Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn sáng dẫn đường”, toàn văn 10 trang bản chụp từ Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh quan trọng liên quan đến Di chúc của Bác sẽ được trưng bày như một điểm nhấn quan trọng. Bản Di chúc luôn là nguồn sáng dẫn đường cho dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước trải qua các giai đoạn: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và thực hiện các chính sách xã hội; Đoàn kết, hữu nghị và hợp tác quốc tế; Xây dựng chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong những thành tựu chung của đất nước, ngành VHTTDL đã ghi những dấu ấn không nhỏ, thực hiện Di chúc và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tại khu vực trưng bày chung cũng giới thiệu những bức tranh cổ động tuyên truyền “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

 Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Làng Sen Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

Ghi dấu chân Người

Các tỉnh, thành phố gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người như Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương tại triển lãm sẽ có những phần trưng bày ấn tượng, khắc ghi lại dấu chân Người trên con đường cách mạng. Nghệ An, vùng quê mà suốt cả cuộc đời hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, dù ở đâu, làm gì, ở cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hướng về với những tình cảm thiêng liêng nhất. Triển lãm do Bảo tàng tỉnh Nghệ An thực hiện sẽ khắc họa tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với quê hương và tình cảm kính yêu, niềm tin son sắt của quê hương xứ Nghệ đối với Người. Bên cạnh đó là những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.

TP Hồ Chí Minh, nơi Người ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh trưng bày hơn 70 tư liệu, hình ảnh và hiện vật với nội dung “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)”. Những hình ảnh, hiện vật này thể hiện tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào miền Nam và tấm lòng tôn kính, tình cảm thương yêu vô bờ bến của đồng bào miền Nam dành cho Bác Hồ. Ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Ðảng bộ, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực.

Địa danh thứ 3 là vùng đất cách mạng Cao Bằng, nơi dừng chân đầu tiên khi Bác trở về Tổ quốc sau hành trình bôn ba tìm đường cứu nước để tiếp tục lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Tại đây, Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, quyết định những vấn đề cốt tử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Gắn với giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Bác, Cao Bằng đã lựa chọn trưng bày những hiện vật, tư liệu gắn với khoảng thời gian Bác ở Cao Bằng cũng như những thành tựu mà tỉnh đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Bến Nhà Rồng nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước

Những ngày tháng lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ATK Thái Nguyên cũng là khoảng thời gian quan trọng, giàu cảm xúc nhất trong cuộc đời hoạt động của Người. Bác đã ở đây trong giai đoạn từ 1946-1954. Đây cũng là những ngày tháng Bác chỉ đạo công cuộc giải phóng đất nước, lãnh đạo toàn dân kháng chiến để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Tình cảm gắn bó giữa Bác và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên cũng vô cùng sâu sắc. Phần trưng bày của Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên với 50 năm thực hiện Di chúc của Bác sẽ tập trung làm nổi bật những nội dung trên với hệ thống tư liệu, hình ảnh và hiện vật phong phú, giàu tính lịch sử.

Vinh dự được Bác Hồ 5 lần về thăm (các năm 1946, 1957, 1959, 1962, 1965), tình thương yêu vô bờ bến, sự dìu dắt chỉ bảo ân tình, sự chỉ đạo sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trong tâm trí của nhân dân tỉnh Hải Dương. Triển lãm “Hải Dương - 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” trưng bày một số tư liệu, hình ảnh “Bác Hồ với Hải Dương” và “Hải Dương với Bác Hồ”, thể hiện niềm tự hào người dân tỉnh Hải Dương khi nhiều lần được đón Bác về thăm, được Bác căn dặn và dành cho những tình cảm yêu thương đặc biệt.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam triển lãm nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật về tình cảm thương yêu của Bác dành cho phụ nữ Việt Nam cũng như tấm lòng tôn kính của phụ nữ Việt Nam đối với Bác Hồ; những tấm gương tiêu biểu của của Phụ nữ Việt Nam trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Trong khuôn khổ triển lãm, điểm nhấn còn là chương trình giao lưu nghệ thuật và gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng với chủ đề “Nhớ ơn Hồ Chí Minh”. Đêm khai mạc và chương trình nghệ thuật “Sáng mãi niềm tin” với các tiết mục ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ được dàn dựng công phu cũng sẽ là hoạt động ý nghĩa dành tặng khách tham quan. 

 Triển lãm tư liệu “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm tư liệu: “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ ngày 22.8 - 20.9 tại 31 Tràng Thi, Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã dự và cắt băng khai mạc triển lãm. Hơn 700 tư liệu tiêu biểu được lựa chọn trưng bày theo 4 nội dung: Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời - Sự nghiệp; Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nội dung, ý nghĩa và giá trị lịch sử; Thành tựu sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, triển lãm giới thiệu toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy Người đã ra đi nhưng Di sản Người để lại là một “Thời đại Hồ Chí Minh” với tinh thần độc lập, tự cường và bản Di chúc trường tồn cùng lịch sử luôn là nguồn cảm hứng để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện tốt Di chúc của Người.

BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top