Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Các giá trị chiến lược của di sản là sức mạnh mềm của Việt Nam

Thứ Hai 09/09/2019 | 00:09 GMT+7

VHO- Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại ’’Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới’’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những người làm công tác di sản, các cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu cũng như chính nghĩa của chúng ta trước công luận quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm

Tối ngày 8.9, ’Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới  đã chính thức diễn ra tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên). Đây cũng là dịp tỉnh Quảng Nam tri ân và tôn vinh những tổ chức, cá nhân có đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các Mẹ Việt Nam anh hùng; lãnh đạo Quân khu 5 và một số tỉnh, thành trong cả nước; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; đại diện UNESCO và các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng đông đảo người dân và du khách…

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cột mốc ngày 23.11.1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia.

Thủ tướng tặng quà tỉnh Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm

Thủ tướng cho rằng, mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu Đền Tháp Mỹ Sơn. Hiếm có nơi nào trên cùng một địa phương với hơn 10.000 km2 mà có đến hai di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) độc đáo, huyền bí như Hội An, Khu Đền Tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Cù Lao Chàm và hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa tự nhiên khác. Đây cũng là nơi hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và tâm linh, đến từ các nền văn minh cổ đại: Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh vv….
Ngày nay, Quảng Nam đã và đang ngày càng nổi bật, thể hiện khát vọng sâu sắc về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, cởi mở, hiếu khách, có chiều sâu văn hóa, đậm chất di sản cùng với sự kết nối, hội nhập khu vực và toàn cầu. Nhưng đồng thời, Quảng Nam cũng cho thấy hình ảnh một Việt Nam kiên cường, quật khởi, giàu ý chí dân tộc và đức hi sinh trong việc bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm

Thủ tướng nhấn mạnh, DSVH, các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch. Quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước. 
Đồng thời cũng nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, theo Thủ tướng, tất cả những người làm công tác di sản, các cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu cũng như chính nghĩa của chúng ta trước công luận quốc tế. 
Thủ tướng  đề nghị Bộ ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan cần có những nghiên cứu sâu sắc, nhằm phục vụ cho mục đích, sứ mệnh và nhiệm vụ chiến lược nêu trên.

Đông đảo người dân tham dự Lễ kỷ niệm

Đánh giá cao nỗ lực và thành quả của Đảng bộ, chính quyền và người dân Quảng Nam, của Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan trong chặng đường 20 năm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu DTSQTG Cù Lao Chàm - Hội An. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tỉnh Quảng Nam cần tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách bền vững DSVHTG như: Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn. 
Tăng cường nghiên cứu, sớm ban hành và thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định của UNESCO và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017, quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời  nhấn mạnh tất cả những nơi có sự hiện diện di sản phải là những địa chỉ đi đầu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường, bao gồm việc nâng cao triệt để ý thức sử dụng rác thải nhựa, túi ny long, đồ dùng nhựa một lần…
Tất cả những địa danh di sản Việt Nam, trong đó có Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế-xã hội và môi trường. Thủ tướng cũng lưu ý ngành VH, TT &DL cần có kế hoạch kết nối các điểm đến của các di sản, trước hết là các trung tâm đô thị lớn và khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Chương trình nghệ thuật  tại Lễ kỷ niệm 

Tại diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Đinh Văn Thu-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định thời gian qua, tỉnh đã dành nguồn lực đáng kể cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích và phát triển Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, quảng bá giá trị của các di sản được UNESCO công nhận, xây dựng điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái nổi tiếng mang tầm quốc tế,…
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm còn có nhiều giá trị đa dạng về văn hóa phi vật thể. Vì vậy, Quảng Nam cũng hết sức coi trọng việc giữ gìn các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian giàu truyền thống văn hóa-nhân văn của xứ Quảng,… Đồng thời hình thành những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch. Góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Một tiểu cảnh trong chương trình nghệ thuật “Quảng Nam - những viên ngọc quý”

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong công tác bảo tồn di sản, UNESCO xem Quảng Nam là điểm sáng trong công tác bảo tồn di sản. Quảng Nam còn phát huy tốt giá trị di sản trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, sự tham gia của cộng đồng địa phương được coi trọng. ông Michael Croft đánh giá, Công tác quản lý di sản thời gian qua có đóng góp rất lớn của cộng đồng.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm với chủ đề “Quảng Nam - những viên ngọc quý” gồm 3 chương: Những viên ngọc nơi đất Quảng; Dấu ấn di sản, Mỹ Sơn - Hội An - Cù Lao Chàm  tỏa sáng tương lai với sự tham gia của gần 600 diễn viên, với nhiều hình thức thể hiện như một điểm nhấn để tôn vinh những giá trị quý giá của hai di sản này. Bên cạnh các tiết mục đương đại, chương trình nghệ thuật cũng dành nhiều thời lượng tôn vinh, giới thiệu các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống của Quảng Nam như hô bài chòi, hò bả trạo,…

Mỗi chương có những tiểu cảnh, dấu ấn độc đáo để làm nổi bật lên các giá trị mà mỗi vùng đất di sản đang sở hữu. Từ đó cũng giới thiệu, phác thảo giới thiệu về vùng đất Quảng Nam cùng bề dày truyền thống lịch sử, nơi giao thoa và hội tụ của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là nơi đang có những “viên ngọc quý” như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm...
Tại đầu cầu Hội An, khán giả hào hứng với màn Carnaval phố Hội được truyền hình trực tiếp trên  đường phố Hội An cùng các vũ công nước ngoài, hoặc cùng chứng kiến trò chơi Bài chòi ngay tại sân khấu giữa lòng phố cổ. 

Ngày 4.12.1999, tại hội nghị lần thứ 23 ở thành phố Marrakesh (Morocco), Tổ chức Khoa học - giáo dục - văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là DSVHTG. Sau 10 năm, vào ngày 26.5.2009 đến lượt Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu DTSQTG.

 KHÁNH CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top