Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

40 năm Viện phim Việt Nam (1979-2019): Kho tàng tư liệu vô giá của điện ảnh dân tộc

Thứ Tư 18/09/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Ngày 22.9.1979 đã ghi lại dấu mốc Viện Tư liệu phim Việt Nam (nay là Viện phim Việt Nam) được thành lập. Trải qua chặng đường 4 thập kỷ với nhiều dấu ấn, góp phần quan trọng vào sự bảo tồn, phát triển văn hóa và điện ảnh dân tộc, những thước phim, tư liệu điện ảnh vô giá được lưu trữ, bảo quản tại địa chỉ này đã trở thành những di sản văn hóa mà không có thước đo nào có thể đong đếm được.

 Triển lãm ảnh, tư liệu hình ảnh động tại Viện phim Việt Nam

Ông Vũ Nguyên Hùng, Q. Viện trưởng Viện phim Việt Nam nhấn mạnh, sự kiện thành lập Viện Tư liệu phim Việt Nam 40 năm trước không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác lưu trữ hình ảnh động tại Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giá trị của phim lưu trữ - di sản văn hóa hình ảnh động quốc gia.

Tầm vóc khu vực

Xuất phát điểm chỉ là một Phòng Tư liệu phim của Cục Điện ảnh được thành lập năm 1965, trải qua chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, tiếp đến chiến tranh Biên giới năm 1979, tư liệu điện ảnh luôn trong tình thế cấp bách phải sơ tán, di chuyển nhiều nơi. Không có kho phim cố định, điều kiện bảo quản phim lưu trữ thời kỳ này khá thô sơ, lạc hậu; lực lượng cán bộ mỏng, trang thiết bị bảo quản thiếu thốn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, lưu trữ viên đã vượt qua khó khăn, gian khổ, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Năm 1982, Viện Tư liệu phim Việt Nam được khởi công xây dựng tại 115 Ngọc Khánh (nay là 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội). Kỷ niệm 10 năm thành lập, năm 1989, trụ sở Viện đi vào sử dụng. Kể từ đây, toàn bộ phim tư liệu, vật liệu gốc được quy về một mối; được bảo quản, lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm đạt chuẩn; phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác điện ảnh thuận lợi và hiệu quả hơn.

Viện phim Việt Nam hiện có 2 cơ sở lưu trữ phim tại Hà Nội, Trung tâm lưu trữ phim tại TP Hồ Chí Minh, với Bộ sưu tập hình ảnh động quốc gia được lưu giữ tại hệ thống kho phim với gần 80.000 cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video. Đầu tư hệ thống kho tiêu chuẩn, phim lưu trữ của Viện luôn đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chế độ bảo quản, được đánh giá là một trong những kho phim tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Danh mục phim hiện đang lưu trữ tại các kho phim khá phong phú, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong đó, những tác phẩm điện ảnh cách mạng, phim tư liệu thời chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 là những tư liệu khái quát “gương mặt” điện ảnh Việt Nam hai miền Nam – Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Những hình ảnh tư liệu vô giá về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập phim điện ảnh cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương đầu thế kỷ XX… là những tư liệu quý hiếm mà Viện phim đang lưu giữ.

Theo ông Vũ Nguyên Hùng, công tác tu sửa, bảo quản phim luôn được coi là một nhiệm vụ hàng đầu. Hơn 11 nghìn cuốn phim được quay trở, lau rửa bằng kỹ thuật nghiêm ngặt và hóa chất đặc dụng định kỳ mỗi năm. Tính chất mỏng manh của phim và điều kiện khí hậu nhiệt đới tác động đã khiến cho những phim có độ tuổi trên 30 năm bị giảm chất lượng kỹ thuật. Viện thực hiện thường xuyên việc in chuyển phim tới hạn, phim chua, phim thiếu bộ bản sang các bản phim mới trên vật liệu phim nhựa, băng video digital nhằm hoàn thiện bộ sưu tập, kéo dài tuổi thọ.

Viện cũng thúc đẩy việc chuyển đổi, số hóa các phim truyện, phim tài liệu, phim tư liệu, phim hoạt hình, song song với việc bảo quản lưu trữ phim gốc, giúp việc lưu trữ và khai thác bắt kịp với việc lưu trữ và số hóa của các Viện lưu trữ thế giới trong kỷ nguyên công nghệ. Hiện Viện phim Việt Nam đã tiến hành số hóa số lượng lớn phim trong kho lưu trữ.

Công tác lập hồ sơ phim mục của Viện được thực hiện theo hệ thống dữ liệu chuẩn quốc tế của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF). Phim lưu trữ tại Viện được phân loại, lên danh mục theo từng thể loại: Phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình… và theo từng loại vật liệu.

Viện Phim Việt Nam

Phát huy giá trị những tư liệu điện ảnh quý hiếm

Với một khối lượng tư liệu điện ảnh quý hiếm, công tác phổ biến phim đã được Viện phim Việt Nam triển khai tích cực với hàng chục đợt chiếu phim tư liệu mỗi năm tại hai cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), giới thiệu và phát hành tư liệu đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, các Đài truyền hình TƯ và địa phương, phục vụ những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước và địa phương. Phát huy vai trò là cầu nối giữa khán giả và nghệ sĩ điện ảnh, Viện phim đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu với các tác giả, tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam như giao lưu với NSND Hải Ninh, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Trà Giang, NSND Phạm Quang Vĩnh, NSƯT Phạm Thanh Hà; giới thiệu phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri… Những cuộc trò chuyện đã giúp khán giả tiếp cận và thấu hiểu nhiều hơn công việc nhọc nhằn của các nghệ sĩ điện ảnh.

Một dấu ấn quan trọng là công tác phổ biến, giới thiệu ra nước ngoài các sưu tập phim của các đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng, các phim đoạt giải cao trong các kỳ LHP trong nước, quốc tế. Nhiều tuần phim tư liệu Việt Nam tại nước ngoài và các tuần phim nước ngoài tại Việt Nam được tổ chức, tạo nên những điểm hẹn văn hóa thú vị, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Hoạt động nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh cũng là một trong những dấu ấn sau 4 thập kỷ phát triển của Viện phim Việt Nam. Nhiều ấn phẩm nghiên cứu có giá trị ra đời như: Đạo diễn điện ảnh thế giới; Nửa thế kỷ điện ảnh Việt Nam; Đạo diễn phim truyện Việt Nam; Nghệ sĩ điện ảnh tài liệu; Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh; Hiện thực sáng tạo - Bình luận 30 phim truyện Việt Nam qua 60 năm; Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc; Đời sống và Nghệ thuật; Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam...

Viện phim Việt Nam đã thực hiện nhiều bộ phim tài liệu đề tài phong phú. Với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, Viện đã phối hợp với các nghệ sĩ điện ảnh trong nước, sử dụng nguồn phim tư liệu hiện có tạo nên những tác phẩm điện ảnh có giá trị, đoạt các giải thưởng của LHP trong nước và quốc tế như: Hồ Chí Minh – Chân dung một con người, Bông sen Vàng LHP năm 1990; Đường mòn trên Biển Đông, Bông sen Vàng LHP năm 1996; Khoảnh khắc mùa xuân, Giải A của Hội Điện ảnh; Mùa xuân toàn thắng, Bông sen Bạc LHP năm 1999; Người Lô Lô ở Hà Giang, Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh năm 2003; Lễ hội Arieuping của người Pako, giải Nhất Liên hoan Điện ảnh, Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế lần thứ VI 2012; Joris Ivens – Ngọn gió Việt Nam, Cánh diều Bạc năm 2018...

Ngay từ những ngày đầu thành lập, việc phát triển và mở rộng đối ngoại với các Viện lưu trữ phim trên thế giới luôn được Viện phim Việt Nam chú trọng. Đến nay, Viện phim Việt Nam đã là thành viên chính thức của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF) và Hiệp hội Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á– Thái Bình Dương (SEAPAVAA). Năm 2005, đơn vị đã hoàn thành, bàn giao kho phim lưu trữ tư liệu hình ảnh động cho Viện Lưu trữ và Trung tâm Video quốc gia Lào. Đề án hợp tác nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến tư liệu về Việt Nam của nhà làm phim Hà Lan Joris Ivens được Viện phim Việt Nam thực hiện thành công qua các hoạt động như tập huấn, xem phim và tìm hiểu về Ivens. Đặc biệt, Hội thảo quốc tế “Joris Ivens và Cuộc chiến tranh ở Việt Nam - Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn” đã quảng bá những giá trị lưu trữ và khơi dậy niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ về những giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc mà một nhà làm phim nước ngoài đã dành trọn cuộc đời để mang đến những thông điệp hòa bình cho nhân loại.

Với những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp lưu trữ hình ảnh động quốc gia, Viện phim Việt Nam qua các thời kỳ đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2014, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2004, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999, Huân chương Lao động hạng Ba năm 1989, Huân chương Itxala hạng Nhì của Chính phủ Lào trao tặng năm 1998, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2011, năm 2017 và nhiều bằng khen của các ngành, địa phương trong cả nước… 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top