Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Liên kết chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch: Cần những giải pháp đồng bộ

Thứ Sáu 11/10/2019 | 09:34 GMT+7

VHO- “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách là vấn đề rất quan trọng trong phát triển du lịch. Khai thác tối đa lợi thế, nguồn lực của các ngành cũng góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...”.

Du lịch địa chất là sản phẩm du lịch đặc thù cần có sự liên kết của nhiều ngành

Đó là ý kiến được Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”.

Tăng trưởng du lịch kéo theo tăng trưởng của nhiều ngành

Trên thế giới, du lịch không chỉ là nghỉ dưỡng mà còn có các loại hình du lịch mua sắm, sinh thái, làng nghề, thể thao, y tế, nông nghiệp... Bên cạnh những ngành, nghề lĩnh vực chính kể trên còn có thể có nhiều loại hình sản phẩm du lịch khác như du lịch ẩm thực, du lịch tìm hiểu khảo cổ, du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm… đang rất phát triển. Thực tế đã có những doanh nghiệp, cơ sở cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính chuyên đề này và dựa vào chính các giá trị, sản phẩm của các ngành, các lĩnh vực khác để hình thành sản phẩm du lịch. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, “nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đề ra các chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, thông qua tăng trưởng du lịch kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành và lĩnh vực. Việc phát huy và gắn kết các giá trị của các ngành khác để hình thành các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường cần đến sự phối hợp của ngành Du lịch với các ngành có liên quan và có những giải pháp và chính sách thiết thực”.

Với bản chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao, sản phẩm du lịch được hình thành dựa vào nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó phần lớn từ sản phẩm, dịch vụ của ngành, lĩnh vực khác nhau như cung ứng thực phẩm, cung ứng điện nước, hạ tầng… Bên cạnh những yếu tố tự nhiên, trong quá trình phát triển du lịch hiện đại và sáng tạo, nhiều yếu tố nhân tạo có thể trở thành điểm hấp dẫn du lịch. Du lịch thưởng ngoạn và tìm hiểu khám phá không phải là mục đích duy nhất hiện nay mà còn có du lịch chữa bệnh, làm đẹp, giáo dục…

Nhiều yếu tố của các ngành, lĩnh vực tham gia trong chuỗi cung ứng của sản phẩm du lịch và tham gia vào các khâu đầu vào để hình thành sản phẩm du lịch. Các yếu tố đầu vào của các ngành vừa có thể là điểm hấp dẫn lõi về du lịch, tức là cung cấp nhu cầu trải nghiệm du lịch, vừa có thể là sản phẩm tiêu dùng đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong quá trình thực hiện du lịch. Các yếu tố đầu vào của các ngành, lĩnh vực tham gia chính vào trong 3 hình thức: Tham gia vào các khâu phục vụ nhu cầu thiết yếu như ăn uống, vận chuyển, lưu trú, mua sắm; tham gia vào các khâu phục vụ một hợp phần của nhu cầu tìm hiểu, tham quan, khám phá với các hoạt động trải nghiệm; tham gia vào phục vụ nhu cầu chính về tìm hiểu, tham quan, khám phá.

Liên kết các yếu tố hình thành trải nghiệm du lịch

Theo bà Đỗ Cẩm Thơ, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính (TCDL): “Trong thời gian tới, cần tập trung vào tăng cường quản lý chất lượng các yếu tố của ngành, lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu du lịch. Bên cạnh đó đẩy mạnh cải thiện và liên kết các yếu tố hình thành trải nghiệm du lịch, đồng thời tăng cường các sản phẩm sáng tạo từ các yếu tố của ngành, lĩnh vực tham gia trong phần chính của sản phẩm du lịch”. Ví dụ như, với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, ngành công nghiệp tăng cường chất lượng sản phẩm, khuyến khích các chuỗi sản xuất sản phẩm cao cấp; với thực phẩm cần đẩy mạnh các chuỗi sản xuất sản phẩm cao cấp ngành nông nghiệp.

Trong lĩnh vực hạ tầng phân phối hàng hóa, thực phẩm (cửa hàng, nhà hàng, chợ, trung tâm thương mại), ngành thương mại tăng cường cửa hàng bán lẻ tiêu chuẩn cao; quản lý chất lượng nhà hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cửa hàng mua sắm, chất lượng hàng hóa, gắn kết trung tâm thương mại với du lịch. Dịch vụ y tế, bảo hiểm, viễn thông cần đảm bảo cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, thủ tục nhanh gọn, các gói dịch vụ phù hợp nhu cầu khách du lịch quốc tế. Trong dịch vụ vận chuyển, ngành giao thông vận tải tăng cường kiểm soát số lượng, chất lượng xe vận chuyển khách, xe công cộng, xe do các hãng xe tư nhân và xe do cá nhân phục vụ; hoàn thiện hạ tầng hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt; gia tăng các gói dịch vụ kết hợp du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh một số vấn đề về: Mối quan hệ cộng sinh giữa thể thao và du lịch; thực trạng, đề xuất giải pháp, chính sách các ngành lĩnh vực công thương liên quan đến hình thành sản phẩm du lịch; vai trò của ngành giao thông vận tải và thực trạng các yếu tố tham gia hình thành sản phẩm du lịch; sự tham gia của ngành nông nghiệp và các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị du lịch; các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tham gia hình thành sản phẩm du lịch; sự phát triển của du lịch y tế ở Việt Nam - Sản phẩm du lịch nha khoa.

Bà Ngô Kiều Oanh, Giám đốc trang trại đồng quê Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch nông nghiệp và du lịch cần gắn kết chặt chẽ theo chủ trương chỉ đạo từ cấp cao nhất về quản lí vĩ mô. Theo đó, nên xây dựng các mô hình điểm để đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho quy hoạch và thực hiện quy hoạch du lịch nông thôn, nông nghiệp gắn nông thôn mới. Ưu tiên các vùng đã và đang quy hoạch cho các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, vừa đáp ứng sản phẩm hàng hóa vừa có thể làm sản phẩm cung cấp cho ngành du lịch. Cần gắn kết với đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ vì vùng nông nghiệp hữu cơ với các nhóm sản phẩm như chè, tiêu, tôm, bò sữa, trái cây, rau, gạo, cà phê, dừa, rươi, dược liệu, tạo ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Thúc đẩy theo chiều sâu chương trình nông thôn mới và OCOP (mỗi làng một sản phẩm). Đào tạo, tập huấn kiến thức du lịch và thương mại cho cộng đồng sản xuất nông nghiệp với ý thức thường trực phục vụ khách hàng chính là phục vụ du khách. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho du khách về sự hấp dẫn của các đặc sản vùng miền, gắn với văn hóa đặc trưng.

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc kết nối ngành Du lịch với các ngành khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết việc kết nối sẽ tạo ra những sản phẩm vừa giúp thúc đẩy phát triển du lịch, vừa thúc đẩy các ngành khác. Tuy nhiên, do mối liên kết giữa du lịch và các ngành khác còn chưa thực sự chặt chẽ nên Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL xây dựng Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. 

 NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top