Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khu rừng nguyên sinh và hệ thống di tích ở Trung Sơn (Hoà Vang - Đà Nẵng): Bỏ dự án, giữ di tích và thiên nhiên

Thứ Sáu 18/10/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Sau những phản ứng rất chính đáng của người dân, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu di tích đồi Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) theo hướng giữ lại và không san gạt như quy hoạch ban đầu.

 Lãnh đạo Sở VHTT thành phố Đà Nẵng lắng nghe ý kiến của các bô lão trong làng tại chuyến khảo sát hệ thống di tích ở Trung Sơn. Ảnh: NGỌC HÀ 

Thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất cụ thể phương án điều chỉnh quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Di tích mà “đập đi xây lại” thì còn gì

Với những người dân nơi đây, rừng Trung Sơn được coi là “rừng cấm”. Đồi (rừng) cát Trung Sơn có từ thời mới lập làng với hơn 300 năm, rộng khoảng 12 ha, bao gồm các di tích, nghĩa chủng, rừng cây nguyên sinh. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, người dân Trung Sơn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ rừng khỏi bị quân thù xâm hại. Tại đây vẫn còn mộ của 200 nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại biên xâm nhập và hải tặc dưới thời vua Lê Anh Tông (1556-1573). Đình làng được xây dựng năm 1900, giếng Chăm cổ, Miếu Âm linh hình thành năm 1879.

“Rừng Trung Sơn đã được người dân địa phương đưa vào hương ước quản lý rừng từ năm 1670 với quy định rất rõ ràng: Thứ nhất, cấm không được chặt phá khai thác ở rừng Trung Sơn. Thứ hai, không lấy cát trắng rừng Trung Sơn để làm nhà. Thứ ba, chết không được chôn trong rừng Trung Sơn. Chúng tôi trân trọng và gìn giữ rừng như một vật báu thiêng liêng, những nhánh cây khô rơi rụng cũng còn nhặt về để đó. Khi có doanh nghiệp đến đòi khai thác cát, hứa hẹn sẽ “xây dựng lại di tích”, người dân cả làng đã kiên quyết phản đối, như vậy khác nào “đập di tích để xây di tích? Di tích mà “đập đi xây lại” thì còn gì. Dự án cũng quan trọng đấy, nhưng rừng và di tích quan trọng hơn gấp bội lần. Bây giờ, người dân Trung Sơn rất mừng khi thành phố có chủ trương đúng đắn và kịp thời là giữ nguyên trạng rừng đồi Trung Sơn”, một bô lão trong làng cho biết.

Nói về vấn đề bảo tồn di tích, giữ lại thiên nhiên rừng Trung Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Quốc Thiện cho rằng, không có nơi nào ở Việt Nam có rừng trong thành phố như rừng đồi Trung Sơn ở Đà Nẵng. Khu rừng là một bảo tàng thiên nhiên quý giá của cộng đồng, không chỉ có nhiều cây xanh cổ thụ gốc to mấy người ôm không xuể, rừng Trung Sơn còn tồn tại giếng Chăm cổ nước trong veo ngọt lành nuôi dưỡng cho 3 làng lân cận, miếu âm linh thờ các nghĩa sĩ… “Nếu các nước trên thế giới có khu rừng nguyên sinh tuyệt vời như thế này thì họ sẵn sàng giữ lại để bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch chứ không bao giờ chặt phá. Vừa qua, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tế tại rừng Trung Sơn, gặp bà con để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ. Người dân ở đây bảo, có dự án cũng tốt, nhưng giữ được rừng, bảo vệ được di tích càng tốt hơn và ai ai cũng đề nghị là phải bảo tồn. Trên cơ sở đó cùng với tư liệu thực tế, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ nhanh chóng tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền công nhận các di tích gắn với rừng Trung Sơn là di tích văn hóa lịch sử”, ông Thiện nói.

 Nhiều di tích nằm trong lòng rừng cấm được dân làng bảo vệ mấy trăm năm

Sẽ đưa ngay vào danh mục kiểm kê để xếp hạng

Trước đó, Khu di tích đồi Trung Sơn đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quyết định số 8499/QĐ-UBND với quy mô 12 ha, trong đó xác định nhiệm vụ san gạt đồi Trung Sơn ở cao trình 2,5 - 3m ngang với các dự án tại khu vực với các lý do “nhằm giúp thành phố sớm triển khai quy hoạch, nâng cao giá trị cảnh quan, công trình phúc lợi xã hội tại khu vực. Qua đó gián tiếp tăng giá trị các dự án tại khu vực”. Trong đó, chủ trương sắp xếp lại các công trình thiết chế văn hóa như đình làng, am miếu, nhà bia di tích, bố trí cây xanh…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, khi thấy dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều di tích quan trọng trong vùng, người dân địa phương ở đây đã phản ứng và đề nghị giữ nguyên hiện trạng di tích (không được khai thác cát), đồng thời đề nghị UBND các cấp đối thoại trực tiếp với người dân. Do vậy dự án đã bị dừng lại. Qua kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng có báo cáo UBND TP vì theo khoản 3 Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị có quy định, lý do điều chỉnh quy hoạch nêu trên thuộc trường hợp được điều chỉnh quy hoạch: “Việc triển khai thực hiện dự án gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng”.

Trong cuộc họp mới đây tại hiện trường các di tích của địa phương tại dự án Khu di tích đồi Trung Sơn giữa đại diện các bên liên quan như Sở VHTT, huyện Hòa Vang, xã Hòa Liên, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, cùng Cty CP Trung Nam, Sở VHTT thành phố một lần nữa yêu cầu xem xét lại dự án, đồng thời giữ nguyên việc bảo vệ nguyên trạng di tích tại đồi Trung Sơn để lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố trong năm 2020. Đại diện huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Hải Cường (phòng KT-HT huyện Hòa Vang) đồng ý giữ lại hiện trạng khảo sát, lấy ý kiến người dân để điều chỉnh quy hoạch. Phía Cty CP Trung Nam, ông Huỳnh Hải Sơn, Tổng Giám đốc Cty cũng đề nghị thực hiện khảo sát hiện trạng, điều chỉnh cục bộ tổng mặt bằng, lập lại dự án đầu tư. Ngoài ra, các bên đi đến thống nhất chung là giữ lại khu đất tái định cư để có quỹ đất bố trí cho các hộ dân trong dự án.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết: “Đối với địa điểm đồi Trung Sơn, UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình đề nghị Sở VHTT xem xét, xếp hạng di tích cấp thành phố cho Cụm di tích văn hóa - lịch sử Rừng (Đồi) Trung Sơn. Qua khảo sát thực địa và nghiên cứu cụ thể, Sở VHTT nhận thấy rằng đây là địa điểm có nhiều giá trị tiêu biểu, đáp ứng được các tiêu chí để xếp hạng di tích cấp thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa. Trong những tháng tới, Sở VHTT sẽ đưa cụm di tích văn hóa - lịch sử Rừng (Đồi) Trung Sơn và Danh mục kiểm kê di tích và tiến hành lập hồ sơ xếp hạng trong năm 2020”. 

 Đối với địa điểm đồi Trung Sơn, UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình đề nghị Sở VHTT xem xét, xếp hạng di tích cấp thành phố cho Cụm di tích văn hóa - lịch sử Rừng (Đồi) Trung Sơn. Qua khảo sát thực địa và nghiên cứu cụ thể, Sở VHTT nhận thấy rằng đây là địa điểm có nhiều giá trị tiêu biểu, đáp ứng được các tiêu chí để xếp hạng di tích cấp thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.

(Ông HUỲNH VĂN HÙNG, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng)

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top