Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM: Kết nối kích cầu du lịch

Thứ Hai 21/10/2019 | 10:31 GMT+7

VHO- Hầu hết du khách quốc tế khi đặt chân đến TP.HCM đều muốn xuôi về miền Tây khám phá du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn…

 Du khách trải nghiệm du lịch sông nước ĐBSCL

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành thường chỉ tổ chức tour cho du khách khám phá một số địa phương trong vùng với thời gian ngắn rồi trở lại TP.HCM, ít có tour nào đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách trải nghiệm lâu dài. Bởi phần lớn sản phẩm du lịch trong vùng đều “na ná” nhau.

Trùng lắp, đơn điệu và...

Trong hai ngày 16-17.10, Sở Du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức khảo sát các điểm du lịch đặc trưng của TP.HCM, khởi động cho chương trình kết nối kích cầu du lịch vào 14 địa phương nói trên. Chương trình thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành… cùng vào cuộc trải nghiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm do chính mình xây dựng nên đang ở tầng nấc nào? Đồng thời tìm kiếm cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp và đơn vị quản lý điểm đến, xây dựng chương trình kích cầu du lịch hai chiều giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Qua khảo sát, các đơn vị cho rằng, với 20 triệu dân ĐBSCL là thị trường tiềm năng để TP.HCM thu hút và gia tăng đáng kể lượng khách nội địa. Thế nhưng hiện nay rất ít, thậm chí gần như không có tour dành riêng cho người dân miền Tây trải nghiệm và khám phá vùng đất này. Trên thực tế, hầu hết người miền Tây tự hành, hoặc đi du lịch nơi khác, rồi “ghé” thăm TP.HCM cho biết. Ngược lại, hầu hết du khách, nhất là khách quốc tế khi đến TP.HCM đều muốn đi tiếp hành trình khám phá vùng đất “chín Rồng”. Tuy nhiên, do sản phẩm trùng lắp, đơn điệu, chất lượng dịch vụ du lịch… trong vùng chưa đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nếu xây dựng được tour cùng với chương trình kích cầu dành riêng cho du khách vùng ĐBSCL, mỗi năm TP.HCM chỉ cần khai thác 10% dân số của vùng sẽ thúc đẩy tăng đáng kể lượng khách nội địa cho thành phố. Về phần mình, để thu hút du khách từ TP.HCM, bên cạnh sự liên kết giữa các đơn vị quản lý điểm đến, các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL cũng cần chủ động kết nối với khoảng 1.000 hãng lữ hành hiện có của TP.HCM để tiếp cận thị trường du lịch năng động. Đồng thời, các địa phương cũng cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm khác biệt, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống để giữ chân du khách.

Bỏ quên thị trường 20 triệu dân

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang nhìn nhận, đúng là lâu nay không có tour trải nghiệm TP.HCM dành cho du khách trong vùng. Các doanh nghiệp lữ hành gần như bỏ quên thị trường 20 triệu dân, bây giờ bàn đến kết nối kích cầu, các địa phương cần phải làm thực chất để tạo động lực cho doanh nghiệp cùng hành động. Đề xuất giải pháp thu hút du khách cho vùng ĐBSCL, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM chia sẻ, chỉ cần dừng chân ở một vài điểm đến là du khách có thể thấy ngay sự “na ná” về sản phẩm du lịch của vùng. Do đó, các địa phương trong vùng cần nhìn rõ thực trạng về sự trùng lắp sản phẩm hiện nay, mạnh dạn thay đổi, xây dựng sản phẩm mới đa dạng và phong phú. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng du lịch, lên kế hoạch kết nối với các hãng lữ hành để quảng bá đến du khách. Trong đó, phát huy vai trò trung tâm của TP.HCM trong kết nối giao thông, quảng bá…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thông qua diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, chương trình liên kết lần này có tính toàn diện, từ sự cam kết ở cấp lãnh đạo giữa các địa phương đến các đơn vị quản lý điểm đến, và giữa các doanh nghiệp trong 14 tỉnh, thành cùng hành động thực chất để tăng cường hợp tác phát triển du lịch. Qua đó, đa dạng hóa và phát huy tiềm năng của các địa phương, hình thành sản phẩm liên vùng, tạo tuyến điểm đặc trưng, nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Dịp này, các đơn vị cũng đã ký kết hợp tác chương trình kết nối kích cầu du lịch và góp ý xây dựng các tuyến du lịch kết nối TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. 

 HOÀNG HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top