Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cảnh báo những sản phẩm chứa "đường lưỡi bò" tuồn vào Việt Nam: Cần nhiều biện pháp ngăn chặn

Thứ Hai 21/10/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Theo nhiều chuyên gia, nếu không cảnh giác và tăng cường các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn thì tuyên bố phi pháp, ngang ngược “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ âm thầm len lỏi vào cuộc sống thường ngày.

Công ty du lịch của Trung Quốc rất tinh vi khi in hình “đường lưỡi bò” trong ấn phẩm dày 100 trang giới thiệu đường bay ở sân bay quốc tế Hà Hoa

Nhận định về “đường lưỡi bò” đang thẩm lậu vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau trong thời gian ngắn gần đây, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, “đây là một toan tính của Trung Quốc”. Ông nói: “Họ đã làm điều này và sẽ còn tiếp tục làm. Trung Quốc muốn giành sự công nhận trên thực tế cho nên họ đã dùng các hình thức, từ tài liệu, bản đồ, sơ đồ đến dự án kinh tế, thậm chí là in hình ảnh “đường lưỡi bò” trên áo phông của khách du lịch”.

Vụ việc Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist (gọi tắt là Saigontourist) phát ấn phẩm quảng bá tour du lịch Trung Quốc có in “hình lưỡi bò” cho khách du lịch là một ví dụ đắt giá không chỉ cho các công ty du lịch.

Thiếu sót do… không kiểm tra

Đáng nói là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực lữ hành, du lịch như Saigontourist, có rất nhiều kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực này nhưng vẫn để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như vậy. Theo Saigontourist lý giải, trong Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2019) diễn ra hồi đầu tháng 9 vừa qua, Công ty có tiếp đại diện của Công ty Trung Thế, một đối tác phía Trung Quốc có văn phòng tại Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc). Đơn vị này đã gửi Saigontourist một số cẩm nang thông tin về danh thắng Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ trấn để khách du lịch tham khảo. Nhưng nhân viên của Saigontourist kiểm tra không kĩ mà nghĩ đây chỉ là thông tin giới thiệu về tuyến điểm du lịch này nên đã để ở quầy hướng dẫn để du khách khi cần có thêm thông tin tìm hiểu.

Trên màn hình trong ô tô cũng xuất hiện “đường lưỡi bò”

Tuy nhiên, khi tìm hiểu ấn phẩm quảng bá du lịch hàng trăm trang này do nhân viên Saigontourist giới thiệu, ông Trần Đức Hiếu (TP.HCM) đã phát hiện 2 trang cuối có hình ảnh “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp. Ngày 17.10, vị khách này đã báo với cơ quan chức năng về vụ việc. Qua đây cũng cho thấy việc công ty nước ngoài đưa ấn phẩm có nội dung kiểu như thế này vào Việt Nam ngày càng tinh vi. Sau khi làm việc với Sở Du lịch và Sở TT&TT TP.HCM, Saigontourist đã thừa nhận sự việc, khắc phục những sai sót bằng cách xử phạt cá nhân, bộ phận nhận ấn phẩm của nước ngoài mà không tuân thủ việc kiểm duyệt theo quy định. Saigontourist cũng ra quyết định chấm dứt ngay lập tức quan hệ với Công ty Trung Thế, đơn vị đối tác đưa ấn phẩm. Saigontourist đã bị Sở TT&TT TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng vì hành vi phát ấn phẩm in hình “đường lưỡi bò” cho du khách. Đây là mức phạt cao nhất cùng với yêu cầu tiêu hủy toàn bộ ấn phẩm du lịch này.

Theo nắm bắt thông tin của Sở này, Saigontourist hiện là công ty duy nhất tại Việt Nam tiếp nhận ấn phẩm từ Công ty Trung Thế, đơn vị giao ấn phẩm in “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, cũng cần có sự rà soát tại các công ty lữ hành của Việt Nam về việc nhận ấn phẩm quảng bá du lịch Trung Quốc từ Công ty Trung Thế vì rất có thể, ngoài Saigontourist, dịp Hội chợ ITE TP.HCM 2019 còn có các công ty khác của Việt Nam. Không lẽ, tới một Hội chợ quốc tế lớn như ITE, ở giữa một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch lớn nhất Việt Nam là TP.HCM, Trung Thế chỉ quan hệ, giới thiệu ấn phẩm quảng bá chương trình du lịch với chỉ một Công ty lữ hành Saigontourist?

Không được mất cảnh giác

Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã ký văn bản gửi các doanh nghiệp lữ hành yêu cầu siết chặt công tác quản lý nội dung thông tin và ấn phẩm quảng bá du lịch.Tổng cục Du lịch cho rằng, để xảy ra việc những ấn phẩm quảng bá hình ảnh phi pháp với “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” do nước ngoài xuất bản đưa vào Việt Nam để giới thiệu tại các Hội chợ du lịch quốc tế, các công ty lữ hành tại Việt Nam là sự việc hết sức nghiêm trọng. Những tài liệu này mang nội dung xuyên tạc lịch sử, sai sự thật, vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và hành động phát tán tài liệu này là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Du khách người Trung Quốc mặc áo phông có hình “đường lưỡi bò” tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa)

Tổng cục Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành nội địa, quốc tế và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động du lịch nghiêm túc tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam về việc không sử dụng bản đồ, ấn phẩm, hình ảnh có in hình “đường chín đoạn” khi kinh doanh du lịch tại Việt Nam. “Các doanh nghiệp chủ động rà soát các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch của đơn vị mình, đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam về việc sử dụng bản đồ, ấn phẩm, không được để xảy ra sự cố mới khắc phục. Hạn chế sử dụng những ấn phẩm do nước ngoài xuất bản, trường hợp sử dụng doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trên ấn phẩm trước khi gửi đến khách hàng”, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động và ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, sử dụng các ấn phẩm quảng bá du lịch có yếu tố nước ngoài làm ảnh hưởng đến chủ quyền, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist giải trình về sự việc trên, đồng thời làm rõ nguồn gốc, số lượng những ấn phẩm này, báo cáo về Tổng cục Du lịch trong thời gian sớm nhất.

Cần có những biện pháp đủ mạnh

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế” diễn ra hôm 14.10 tại Hà Nội, TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo đã nhấn mạnh rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay nằm ở công tác tuyên truyền: “Hiện nay, tư duy và nhận thức về biển đảo ở nhiều cấp, ngành và trong nhân dân còn hạn chế. Để phát huy được sức mạnh toàn dân, công tác tuyên truyền, truyền thông cần sự đổi mới, cập nhật sát tình hình. Cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng một tổ chức có khả năng kiểm soát và giám sát các tình hình trên Biển Đông cũng như đưa ra các phương thức để đấu tranh trên các mặt trận tư tưởng”.

Cũng tại buổi tọa đàm trên có một thông tin rất đáng chú ý là hiện có 42.822 mặt hàng do Trung Quốc sản xuất có chứa bản đồ in hình “đường lưỡi bò”, và đây là một phần trong kế hoạch tuyên truyền tổng thể của Trung Quốc. Chẳng thế mà chỉ trong trong một thời gian ngắn trở lại đây, dư luận báo chí và mạng xã hội nước ta đã phát hiện nhiều mặt hàng, sản phẩm, tài liệu, hình ảnh có xuất xứ từ Trung Quốc in, hiện hình “đường lưỡi bò”. Mới nhất, hôm 19.10, Công ty Kylin-GX668 có trụ sở chính trên đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh - TP Hải Phòng) nhập khẩu và phân phối các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam đã thừa nhận có xuất hiện “đường lưỡi bò” trong bản đồ ô tô mà họ phân phối. Cũng mới đây, công đồng mạng đã phát hiện trên điện thoại di động có xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện “đường lưỡi bò” trên màn hình.

 Theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Trung Quốc muốn dành sự công nhận "đường lưỡi bò" trên thực tế nên họ đã dùng các hình thức từ tài liệu, bản đồ, sơ đồ đến dự án kinh tế, thậm chí là in hình ảnh "đường lưỡi bò" trên áo phông của khách du lịch. Trong ảnh: "Đường lưỡi bò" xuất hiện trên áo phông, hộ chiếu, ô tô và tài liệu du lịch...

Cách đây mấy ngày (16.10), nhà phát hành trò chơi Âm Dương Sư thông báo đóng cửa game này vì có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. “Chúng tôi phải thông báo ngừng phát hành Âm Dương Sư do trưa ngày 16.10, bản cập nhật mới nhất của trò chơi xuất hiện bản đồ “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam”, đại diện công ty Dịch vụ phần mềm Bình Minh, đơn vị phát hành trò chơi tại Việt Nam xác nhận. Âm Dương Sư (Onmyoji) là game online do Công ty NetEase (Trung Quốc) phát triển và được Công ty Bình Minh phát hành tại Việt Nam từ tháng 1.2018. Game thuộc thể loại nhập vai với nhân vật là một thầy phép người Nhật Bản. Năm 2012, Công ty VNG cũng từng đóng cửa trò chơi Chinh Đồ sau khi game cập nhật bản đồ mới, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Rồi mới đây là bộ phim truyện hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ do Trung Quốc sản xuất cũng xuất hiện mấy giây về “đường lưỡi bò”. Trước đó nữa là du khách mặc áo phông có in hình “đường lưỡi bò” được phát hiện tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hoà)...

Trước tình trạng thẩm lậu những mặt hàng, sản phẩm trên nhiều lĩnh vực có chứa “đường lưỡi bò” vào nước ta, nhiều chuyên gia đề nghị, trước hết các tổ chức, cá nhân cần phải nêu cao cảnh giác, đồng thời phải thẩm định kỹ nội dung của các sản phẩm ấy trước khi đến tay khách hàng, người tiêu dùng. Bên cạnh đó cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đưa ra những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, tiến tới ngăn chặn. Ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền một cách sâu rộng đến người dân về mưu đồ phi pháp, ngang ngược của nước ngoài. 

 GS.TS VÕ VĂN SEN, NGUYÊN HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH KHXHNV (ĐH QUỐC GIA TP.HCM): Phải đập tan ý đồ bắt đầu từ “đường lưỡi bò”

Việc “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện ngày càng dày trong đời sống xã hội là vấn đề rất nguy hiểm. Vì vậy chúng ta không được xem thường dù là một biểu hiện nhỏ nào của vấn đề này xuất hiện trong hình ảnh, lời nói hay việc làm liên quan đến “đường lưỡi bò”, theo đó phải kiên quyết đấu tranh. Trong đó cần phải tuyên truyền giải thích, làm cho mọi người hiểu được tác hại của việc đó đang gặm nhắm dần, đi vào tiềm thức của người dân. Chúng ta cần đặc biệt chú ý khi các hình ảnh này in vào quần áo, vào hộ chiếu, sách báo, phim ảnh… mà những tổ chức, cá nhân trong nước, dù vô tình hay cố ý để cho hình ảnh này phát tán.

So với trước đây, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trên nhiều loại hình sản phẩm phương diện, cho thấy họ đang có ý đồ tấn công ngày càng mạnh mẽ hơn về vấn đề giành chủ quyền, cho nên chúng ta cần hết sức cảnh giác. Trước tình trạng này, theo tôi trước hết chúng ta phải coi trọng môn Lịch sử nhiều hơn nữa, trong đó đặc biệt là lịch sử truyền thống chống ngoại xâm. Phải trang bị cho thế hệ trẻ về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm cho mọi người hiểu và thấm về lịch sử.

Thứ hai là đấu tranh kịp thời và ngăn chặn những thủ đoạn mới về “đường lưỡi bò”. Phải tuyên truyền sâu rộng trên mọi phương diện và có thể cũng sẽ lồng ghép, nhấn mạnh vào giáo dục phổ thông cũng như bậc đại học về âm mưu này, chứ không thể để cho mọi người muốn biết sao, hiểu sao thì hiểu. Đặc biệt là các cơ quan chức năng phải đấu tranh triệt để, bất cứ đâu có “đường lưỡi bò” thì cần xóa bỏ ngay, phải đập tan ý đồ ngang ngược của Trung Quốc bắt đầu từ “đường lưỡi bò” này.

THÙY TRANG (thực hiện)

 

NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN XUÂN HOA: Chủ động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa

Trung Quốc đã, đang có nhiều biện pháp và cách thức để len lỏi vào Việt Nam và nhiều nước trên thế giới những hình ảnh về “đường lưỡi bò”. Do đó theo tôi chúng ta cần có một chiến lược toàn diện bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh an toàn biển đảo của Việt Nam. Chiến lược đó có những nội dung mang tính bí mật quốc gia, nhưng cũng phải có những nội dung thông tin để người dân hiểu rõ, quán triệt ý thức bảo vệ biển đảo của đất nước. Chiến lược này cũng phải đẩy mạnh thông tin đối ngoại, tất cả các tài liệu về lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam phải được chuyển ngữ, không chỉ là tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… mà phải bằng tiếng Trung để cho người Trung Quốc tiếp cận tư liệu đó, cả trên mạng internet cũng như cả thành văn (sách, ấn phẩm).

Ở trong bối cảnh này chúng ta không thể “đóng cửa” với du khách Trung Quốc mà ngược lại vẫn phải mời gọi họ đến du lịch Việt Nam. Nhưng làm sao để khi đến Việt Nam họ không phải là tác nhân tuyên truyền vi phạm biển đảo của chúng ta; thậm chí ngược lại chúng ta phải thông tin cho họ hiểu về lịch sử Việt Nam, làm cho họ nhận thức ra được những sai trái của mình khi “rêu rao” về “đường lưỡi bò”. Về phần vi mô, chúng ta cần chú ý kỹ đến tất cả các thông tin quảng bá du lịch, thông tin quảng bá về giải trí… Nhất thiết phải đặt thành một nguyên tắc và phải xử lý nghiêm những sai sót xảy ra.

SƠN THÙY (ghi)

 

 THÚY HÀ - LÂM SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top