Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế

Thứ Sáu 24/01/2020 | 11:04 GMT+7

VHO- Việt Nam trước tình hình hội nhập sâu rộng hiện nay, hơn lúc nào hết nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành một yêu cầu bức thiết, là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn của chúng ta.

Tăng trưởng GDP Việt Nam 2019 đạt 7%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao. Đó là tin vui. Nhưng mặt khác liệu các tiêu chí bền vững của tăng trưởng có đi kèm? Bởi lẽ, những con số và sự kiện về ảnh hưởng tiêu cực của môi trường và biến đổi khí hậu dường như vẫn còn “lu mờ” dưới ánh sáng của tăng trưởng.

Những cái giá phải trả vì môi trường

Trong bối cảnh kinh tế và dân số đang phát triển nhanh của Việt Nam, ô nhiễm ngày càng trở thành một vấn đề nóng bỏng. 15-16% tổng lượng rác thải rắn ở thành thị và 45-60% ở nông thôn không được thu gom. Trong đó, rác thải nhựa gần như chiếm đến 10% tổng lượng rác thải ra mỗi ngày.

Tiêu dùng ở Việt Nam đang bùng nổ và tương ứng với nó là lượng rác thải ra cũng trở nên cực kỳ lớn vượt quá khả năng xử lý của hạ tầng xử lý rác thải hiện tại. Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương .

Do ô nhiễm đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần phải được tập trung giải quyết, những nhà làm luật Việt Nam đã ban hành một số lượng khổng lồ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm. Nhưng đáng tiếc là những quy định này đã không có được sự hậu thuẫn đúng mức về cả nhân lực lẫn tài lực để có thể áp dụng thành công. Những chiến lược, luật lệ và quy định không đếm xuể này đã khiến chúng lúc thì trùng lắp, lúc thì lại là những lỗ hổng luật, vô hình trung đã gây ra những rào cản pháp lý trong việc giải quyết vấn nạn rác thải rắn và ô nhiễm rác thải nhựa thải ra đại dương.

Theo báo cáo của GREENID (2018), Hà Nội đứng thứ 2 còn TP.HCM đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Cũng theo GREENID (2018), giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất năng lượng được cho là 3 nguồn gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam khó có thể cải thiện khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030. Rác vẫn tiếp tục được đốt cháy để tiêu huỷ bằng những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Bộ TN&MT (2018) xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m3 nước/người/năm. Đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam chỉ còn một nửa con số này.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hằng năm, gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước. Có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, nước thải ô nhiễm đang khiến 2.000 con sông tại Việt Nam chết dần.

Nhiệt điện cũng sản sinh ra rất nhiều vấn đề làm suy giảm môi trường nghiêm trọng. Quá trình đốt than để sản xuất điện sẽ sản sinh ra nhiều chất khí ô nhiễm gồm sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2), các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ, nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng và phát sinh hàng triệu tấn tro xỉ mỗi năm. Ví dụ nhiệt điện duyên hải: 1,6 triệu tấn xỉ/năm.

Thủy điện cũng gây ra nhiều nguy cơ môi trường như phá hủy hệ sinh thái rừng-sông-suối. Hiện tượng lở đất và ngập lụt là một trong những hệ lụy của thủy điện.

Một chương trình thu gom rác thải công nghiệp để tái chế được tổ chức tại Hà Nội.

Kinh tế tuần hoàn

Mặc dù bất cứ giải pháp nào về môi trường và biến đổi khí hậu đều là trễ, nhưng trễ còn hơn không. Ở đây chúng tôi muốn gợi ý về mô hình kinh tế tuần hoàn như một trong những giải pháp khả thi trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam.

Theo Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, sự chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Lợi ích của mô hình kinh tế này với doanh nghiệp như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng đã giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm và các mô hình sản xuất sạch hơn của nhiều doanh nghiệp.

Mô hình kinh tế tuần hoàn mới chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp lớn như Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa. Heineken Việt Nam công bố đã có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 4 trên 6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon. Đây chủ yếu là những doanh nghiệp có nguồn vốn FDI và các doanh nghiệp khác đứng trước yêu cầu cạnh tranh đều bắt buộc phải thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để tồn tại.

Vào tháng 6.2019, Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PROVietnam), là nhóm các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu, nhà sản xuất bao bì, nhà phân phối dẫn đầu trong ngành thực phẩm và nước giải khát bao gồm các doanh nghiệp tiên phong đã bắt tay xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tái chế các loại bao bì có giá trị cao đồng thời đóng góp vào việc xây dựng “Chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất hiệu quả tại Việt Nam - Extended Producer Responsibility (EPR)”.

EPR là một định hướng chính sách về môi trường qua đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm sẽ được mở rộng cho đến giai đoạn sau tiêu thụ trong vòng đời của sản phẩm. Họ tin rằng việc tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ hiện đại và truyền thống và nhà nhập khẩu trong việc quản lý chất thải sau tiêu dùng và tái chế là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.

Tại Việt Nam, khái niệm EPR đã được giới thiệu lần đầu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 trong đó có đặt ra yêu cầu thu hồi chất phế thải đối với một số sản phẩm. Nhưng mãi đến năm 2013 những yêu cầu này mới được cụ thể hóa trong một Quyết định khác của Thủ tướng và sau đó nhanh chóng được điều chỉnh vào năm 2015 thu hẹp lại phạm vi của chất phế thải thu hồi.

Tuy nhiên, những quy định này hoàn toàn không áp dụng một công cụ tài chính nào để khuyến khích người tiêu dùng chủ động trả về chất phế thải cũng như không áp dụng một tỷ lệ thu hồi phế thải bắt buộc nào đối với nhà sản xuất, vì vậy hiệu quả có thể nói là rất thấp.

Đối với Việt Nam, kinh tế tuần hoàn có thể áp dụng cho một số lĩnh vực tiêu biểu như: chất thải nông nghiệp, vấn đề về nguồn nước, rác thải và chất thải nhựa, năng lượng.

Ở Việt Nam, nông nghiệp hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp phát triển thiếu bền vững. Các chất thải môi trường từ ngành nông nghiệp trở thành vấn đề trầm trọng. Do vậy, việc gia tăng biên độ lợi nhuận trong ngành nông nghiệp cần thiết phải áp dụng giải pháp của kinh tế tuần hoàn là thực sự cần thiết.

Các cơ hội cho kinh tế tuần hoàn hiện nay trong ngành nông nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững bao gồm: tư vấn chuyển đổi cơ cấu trong ngành đối với biến đổi khí hậu, chuyển đổi công nghệ sản xuất phân hữu cơ tại địa phương, đóng gói và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, năng lượng sinh khối, nông nghiệp thông minh và các dịch vụ đi kèm.

Hành động cá nhân

Cựu Thủ tướng Na Uy, Gro Harlem Brundland từng phát biểu: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hôm nay mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Vậy thế hệ tương lai đó đang nghĩ gì? Hãy nghe lại tiếng lòng của cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg: “Quý ông bà cô bác, quý vị nói rằng chúng tôi có toàn quyền ước mơ, chúng tôi sẽ thành bất cứ gì mà chúng tôi muốn… Nhưng để làm gì, nếu môi trường sống bị cướp mất, khi không có không khí để thở, không có nước sạch để uống…”

Đúng là như vậy. Không ai trong chúng ta muốn “đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế”. Nhưng dường như mỗi cá nhân công dân nghĩ rằng hành động vì môi trường là nhiệm vụ to tát mà chỉ có Chính phủ hoặc Liên Hợp Quốc mới gánh nổi. Đó là ý thức sai lầm. Nhà bạn đã phân loại rác chưa? Nếu chưa, bạn hãy hành động ngay đi! Hành động đó từ gia đình bạn sẽ góp phần không nhỏ vào “mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Nếu mỗi cá nhân đều hành động vì môi trường, vì biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ có hy vọng. Và có hy vọng thì sẽ có tương lai.

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI

Ảnh: mmosite.vn

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top