Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Các cơ sở đào tạo của Bộ VHTTDL: Việc tự chủ phải có lộ trình và căn cứ đặc thù đào tạo của ngành

Thứ Tư 04/03/2020 | 14:13 GMT+7

VHO-Sáng 4.3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị về công tác đào tạo, tự chủ và thành lập Hội đồng trường của các cơ sở đào tạo (khu vực phía Bắc) thuộc Bộ VHTTDL. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì Hội nghị, cùng dự có Thứ trưởng Tạ Quang Đông. Tại Hội nghị, các đơn vị chức năng và các cơ sở đào tạo đã báo cáo và trao đổi về  những thuận lợi, khó khăn cũng như những giải pháp triển khai về  công tác đào tạo, tự chủ và thành lập Hội đồng trường.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì tại Hội nghị

Báo cáo về công tác đào tạo VHTTDL của Vụ Đào tạo tại Hội nghị cho biết, công tác đào tạo đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt hoạt động từ công tác tuyển sinh, công tác quản lý học sinh, sinh viên, công tác xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình, công tác kiểm định chất lượng, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cũng như quy hoạch phát triển, nâng cấp trường. Hiện nay, Bộ VHTTDL quản lý 28 cơ sở đào tạo. Trong đó có 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, 4 cơ sở đào tạo thể dục thể thao, 8 cơ sở đào tạo du lịch. Công tác tuyển sinh đã được các cơ sở đào tạo triển khai đảm bảo công khai, minh bạch và theo đúng quy định. Đặc biệt, công tác triển khai thực hiện các đề án đã mang lại hiệu quả tốt như: Đề án Đào tạo tài năng ở trong nước, Đề án đào tạo nhân lực ở nước ngoài, Đề án đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù tại các cơ sở đào tạo VHNT, Tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Nguyễn Thế hùng báo cáo tại Hội nghị về công tác đào tạo 

Tại Hội nghị, đại diện các đại biểu đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng tự chủ và thành lập Hội đồng trường. Đánh giá về công tác tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Thị Phượng cho biết, 100% các trường đã nghiêm túc thực hiện sự sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đầu mối trực thuộc và giảm tải được 2/3 số lượng. Các trường đã nhanh chóng trình Bộ VHTTDL phê duyệt, ban hành chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong việc sắp xếp tổ chức, kiện toàn bộ máy cán bộ thì một số trường vẫn chưa đầy đủ các chức danh, cấp trưởng của các phòng ban, khoa ở một số cơ sở đào tạo hầu như rất ít, đa số là các phó phụ trách. Thiếu nhân lực lãnh đạo quản lý cần được một số cơ sở đào tạo bổ sung trong thời gian tới.

 PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn chung của các cơ sở đào tạo của Bộ khi thành lập các thành viên của Hội đồng trường theo Nghị định 99. Theo đó, việc phải có tối thiểu 30% là thành viên ngoài trường là một khó khăn đối với các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, năng khiếu. Bởi trên thực tế người trong trường sẽ thuận lợi, phối hợp nhịp nhàng hơn. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho rằng, nếu để các trường năng khiếu tự chủ về tài chính là vô cùng khó khăn vì hiện nay với đặc thù đào tạo năng khiếu như nghệ thuật sẽ không thể trông chờ vào học phí cũng như  không thể mở rộng quy mô về số lượng đào tạo dàn trải quá nhiều. Một năm số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội lên tới 1.400 – 1.500 em, nhưng chỉ tiêu chỉ có thể lấy 1/3, tối đa là 1/2 . “Đây là vấn đề xử lý bài toán giữa số lượng và chất lượng đào tạo đặc thù nên các trường nghệ thuật phải rất thận trọng. Nhất là với khối nghệ thuật truyền thống thường rất ít người đăng ký dự tuyển thì việc trông chờ vào nguồn thu từ học phí là bất khả thi”, ông Thi nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội  nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc tự chủ cho các đơn vị đào tạo của Bộ sẽ phải có lộ trình và các cơ sở đào tạo cần phải có kế hoạch cụ thể về quản lý tài sản công, mua sắm cũng như thực hiện đấu thầu. Tuy là tự chủ nhưng với đặc thù đào tạo của ngành VHTTDL thì sẽ phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng trường để thực hiện tự chủ từng phần, Bộ VHTTDL sẽ có tiếng nói để bảo vệ quan điểm trong công tác đào tạo thuộc Bộ quản lý. Vụ Đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo Bộ, làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, bổ sung quy định đặc thù.  Việc thành lập Hội đồng trường ở các cơ sở đào tạo của Bộ cũng sẽ phải thực hiện trước ngày 15.8.2020 theo quy định của Nghị định 99. Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ cần có sự tham mưu về quy chế mở có sự trao đổi với các trường để có sự thống nhất cũng như căn cứ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng nhấn mạnh sau ngày 15.8 toàn bộ các hoạt động của từng trường đều sẽ phải thông qua Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Với các cơ sở đào tạo chưa đủ đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần có phương án, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, kiện toàn.  “Công tác tổ chức cần được các cơ sở đào tạo quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện bổ nhiệm cho cán bộ, làm gì cũng cần có trách nhiệm cho đội ngũ kế cận tương lai”, Bộ trưởng nhận định.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị các cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND các tỉnh, thành phố trong triển khai phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm trong nhà trường.

THÚY HIỀN, ảnh : T.C

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top