Phát triển du lịch xanh ở Tây Giang

VHO- Là một vùng đất nhiều tiềm năng khai phá, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái…, thời gian qua, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển du lịch, xác định đây sẽ là ngành mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đất này.

Phát triển du lịch xanh ở Tây Giang - Anh 1

 Các món ẩm thực, đồ dùng phục vụ du khách sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường

 Chính quyền và cộng đồng dân cư nơi đây luôn xác định điều quan trọng để phát triển du lịch bền vững chính là bảo tồn văn hóa đi đôi với bảo vệ môi trường, tránh xâm hại và giữ gìn tốt những không gian rừng nguyên sinh.

Mỗi ngành một cách làm

Ông Bh’riu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang cho biết, tháng 9.2019, huyện Tây Giang đã phát động và có văn bản chỉ đạo thực hiện phong trào “Phòng chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống, nhất là tại các khu du lịch (DL) sinh thái, DL cộng đồng trên địa bàn huyện. Việc hạn chế, nói không với rác thải nhựa không chỉ tạo sự thiện cảm, đảm bảo môi trường sạch sẽ cho du khách khi đến với Tây Gang mà về lâu dài cũng là để giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên, hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển DL nơi đây.

Làng Aur, xã A Vương được mệnh danh là “làng Singapore” giữa rừng Trường Sơn vì sạch, xanh, không có đồ nhựa, túi ni lông. Già A Lăng Zèng cho biết trẻ con trong làng từ nhỏ đã được dạy về giữ xanh, giữ sạch nên không vứt rác bừa bãi. Làng có tục lệ rất hay là nếu ai vi phạm, xả rác, không giữ vệ sinh chung thì sẽ bị phạt dọn vệ sinh trong khuôn viên làng và cả 21 nóc nhà. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tây Giang phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến từng hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn 10 xã của huyện. Các cơ sở hội ở từng xã, thôn cũng chủ động xây dựng, đăng ký thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường và nhân rộng trên địa bàn, như Hội LHPN xã A Vương với mô hình đan các túi, giỏ bằng mây tre ; xã Dang trồng lá lớ, chuối rừng; xã Lăng với mô hình trồng lá dong… Khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nylon như túi giấy, túi vải, các loại giỏ bằng mây, tre...

Thôn Arầng 2, xã Axan đã xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo với bảo vệ môi trường”, phát động 100% các hộ gia đình trong thôn đăng ký cam kết có trách nhiệm bảo vệ môi trường thôn, xóm sạch đẹp; đảm bảo an ninh trật tự giao thông; xây dựng gia đình văn hóa, hiếu học. Trong chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2019-2020, Hội đồng Đội huyện Tây Giang cũng tổ chức phát động “Liên đội nói không với rác thải nhựa”; Ngày hội tái chế “Hiệp sĩ Mizu bảo vệ môi trường” với các hoạt động như: Phát động tuyên truyền; trình diễn thời trang; tiểu phẩm về chống rác thải nhựa, rung chuông vàng, trưng bày các sản phẩm tái chế; ký cam kết “Liên đội nói không với rác thải nhựa”…

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Huyện Tây Giang còn nhiều rừng nguyên sinh quý hiếm như khu rừng di sản pơmu có 2.011 cây, trong đó có 725 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam… Lấy văn hóa làng Cơ Tu làm nét chủ đạo, từ đó phát triển DL văn hóa, DL sinh thái, DL cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng chính là cách làm DL văn hóa bền vững ở Tây Giang. Trong đó đặc biệt chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa làng Cơtu, giữ gìn môi trường để phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa với môi trường thiên nhiên.

Ông Phạm Quốc Hường, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang cho biết Trung tâm đã xây dựng kế hoạch “Phát triển du lịch nói không với rác thải nhựa”. Đồng thời bắt tay vào triển khai phong trào này tại các khu du lịch cộng đồng như khu du lịch cộng đồng Talang, Pơ’ning; khu du lịch làng truyền thống Cơ Tu, làng cổ Pơmu, Đỉnh Quế, điểm dừng chân Aliêng…

Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ: Đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang bây giờ khi tiếp xúc với du khách, gần như đã thuộc lòng, ý thức rất rõ và tuyên truyền lại cho du khách rằng “Rừng còn Tây Giang phát triển bền vững, rừng mất Tây Giang suy vong”. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc