Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Có một Hà Nội chưa bao giờ cũ

Thứ Sáu 14/08/2020 | 11:06 GMT+7

VHO- Đã có một Hà Nội huyền diệu, thanh lịch, êm đềm, nguyên sơ ở nhiều cung bậc khác nhau hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Tô Hoài... được tiếp nối với Hà Nội của những đổi thay thế sự gắn cùng những trải nghiệm muôn mặt từ đời sống cá nhân qua những trang viết của những nhà văn đương đại.

Hà Nội vẫn luôn là đề tài hấp dẫn giới văn nghệ sĩ Ảnh: H.ĐĂNG

 “Nếu không viết về Hà Nội, tôi chẳng thể viết được cái gì...”

Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật tiến tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội đang được tổ chức nhằm tìm ra những góc nhìn mới về Thủ đô văn hiến, nhưng câu chuyện viết gì về Hà Nội thì đã được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm đặt ra từ lâu. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà văn đương đại luôn ưu ái dành một góc tâm hồn mình cho Hà Nội, có lẽ là bởi tình yêu và sự gắn bó bền bỉ, dài lâu của họ với mảnh đất này.

Như con thuyền ký ức, đưa bạn đọc trôi về một thời khó khăn, vất vả, thậm chí “ấu trĩ” nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người, ấy là Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu ra mắt độc giả năm 2019, và đó cũng chính những câu chuyện có thật của nhà văn Trung Sỹ. “Nói về Hà Nội, tôi thấy trong các câu chuyện, có nhiều hàng ăn quá, rồi phố xá, mọi thứ cứ bảng lảng… Tôi là người con Hà Nội lớn lên, ra đi và trở về, nên tôi muốn người ta nhìn Hà Nội vừa thấy phố, vừa thấy nhà, vừa thấy cả con người nữa”, ông chia sẻ.

Những thủ thỉ về người, về cảnh và về văn hóa trong mỗi trang viết, ban đầu tưởng như vụn vặt và cũ kỹ, nhưng những lát cắt ấy lại cho độc giả một cái nhìn thật gần gũi về Hà Nội. Năm 2018, độc giả cũng ấn tượng với Hà Nội, quán xá, phố phường là cuốn tản văn, ký sự Hà Nội của Uông Triều, nhà văn Quảng Ninh đã gắn bó với Thủ đô gần chục năm nay. Bằng đôi mắt của một người ngoại tỉnh, anh nhìn thấy những điều bình dị nhất về Hà Nội. Nhiều thứ, như khi gọi tên một con phố hay một món ăn, dù ai cũng tưởng mình đã biết, đã nhiều lần ghé, nhưng qua ngòi bút của Uông Triều, người đọc mới nhận ra còn quá nhiều điều mới lạ để khám phá và chiêm nghiệm.

Còn riêng họa sĩ Đỗ Phấn, dòng họ ông sống tại Hà Nội đến nay đã được 14 đời, kỷ niệm về Hà Nội không thể nào đếm xuể, thành quả là ông có tới mấy chục tác phẩm viết về Hà Nội nhưng người đọc vẫn tìm thấy ở mỗi cuốn sách một chất Hà Nội riêng mãnh liệt và phong phú. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đã có lúc ông cảm thấy bản thân đang “đứng bên lề” cuộc sống, không thể hòa nhập, tưởng như bị hất văng ra, nhưng đến tận cùng, cái gốc gác Tràng An vẫn kéo ông ở lại, khiến nhà văn phải thốt lên: “Nếu không viết về Hà Nội, có lẽ tôi chẳng thể viết được cái gì khác”.

Hà Nội còn quá nhiều điều để khám phá và chiêm nghiệm

Lấp lánh những hạt bụi vàng

Trong “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải đã tâm tư về mảnh đất này: “Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi… Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”. Nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh Hà Nội quyến rũ nhiều thế hệ là nhờ những tâm hồn văn chương, văn nghệ có khả năng thắp lên những cảm xúc đẹp đẽ, vun đắp một phẩm chất lãng mạn. Hàm lượng văn hóa ẩn đằng sau giống như nguồn sức sống để nuôi dưỡng những trang viết, biến nó thành một phần hồn của Hà Nội. Bởi vậy, theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến: “Thăng Long xưa - Hà Nội nay đã tồn tại hơn 1.010 năm, tiệm cận giá trị văn hóa đó chính là điểm tựa để khai thác những điều mới mẻ trong văn học”.

Hà Nội với di sản văn hóa hàm chứa bên trong trở thành mảnh đất màu mỡ cho sáng tác. Nhưng một gia tài đồ sộ với nhiều tác phẩm “kinh điển” về Hà Nội đôi khi lại tạo áp lực cho những cây bút mới. Nhìn lại thế kỷ qua, đã có một Hà Nội huyền diệu, thanh lịch, êm đềm, nguyên sơ ở nhiều cung bậc khác nhau hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Tô Hoài…, lại được tiếp nối với Hà Nội của những đổi thay thế sự gắn với những trải nghiệm muôn mặt từ đời sống cá nhân qua những trang viết của những nhà văn đương đại như Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Lê Minh Hà… Đứng trước một gia tài đồ sộ với nhiều tác phẩm “kinh điển” về Hà Nội, đôi khi lại tạo áp lực cho những cây bút mới.

Vậy viết gì khi viết về Hà Nội? Giá trị không lặp lại, điều khiến sáng tác về Hà Nội vẫn ra đời và chinh phục độc giả suốt bao nhiêu năm qua, có lẽ chính là câu trả lời. Nhà văn Trung Sỹ nhấn mạnh về vấn đề đặt góc nhìn cho tác phẩm: “Mỗi người sẽ nhìn thành phố quê hương của mình theo một cách khác nhau, đó chính là điểm không lặp lại. Với một đối tượng đã quen thuộc như Hà Nội, quan trọng là ta viết như thế nào”. Còn Đỗ Phấn lại đặt ra những tiêu chí khắt khe: “Hà Nội đúng là có nhiều cái để viết, khảo cứu cũng rất nhiều, nhưng những khảo cứu đã có rồi không nên đề cập lại, còn với những sáng tác mới đơn thuần kiểu tả tình, tả cảnh, than oán kể khổ, tôi cho rằng là không nên. Giá trị của Hà Nội cao hơn điều đó rất nhiều”.

Cũng theo nhà văn Đỗ Phấn, Hà Nội luôn là đối tượng khó viết. Khó ở đây không đơn giản là am hiểu hay không am hiểu, mà bởi Hà Nội giống như một thực thể, một con người có số phận riêng, cuộc đời riêng. “Có lúc tôi đặt câu hỏi, nếu không phải người Hà Nội, mình có viết tiếp được về Hà Nội không? Có lẽ không bao giờ hết những thứ để viết. Chúng ta có thể viết về mọi thứ trên đời khi sống ở Hà Nội và cũng có thể viết về mọi thứ trên đời khi chúng ta không sống ở Hà Nội nhưng đang nghĩ về Hà Nội. Miễn là làm sao để Hà Nội là một sự tổng hòa, lắng đọng của cả đất nước chứ không chỉ là một ý nghĩa địa lý đơn thuần”. 

 NGC NHIÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top