Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia đặc biệt: Chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt!

Thứ Tư 09/09/2020 | 11:13 GMT+7

VHO-  Là một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhưng Khu Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh thuộc xã Tân Cảnh và thị trấn Đắk Tô (huyện Đắk Tô, Kon Tum) vẫn đang bị xâm phạm rất nghiêm trọng. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, còn các ngành chức năng, chính quyền sở tại vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Người dân lấn chiếm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh để trồng sắn

Di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh được công nhận là di tích quốc gia năm 1992, đến năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Khu di tích này có tổng diện tích khoảng 90 ha, gồm: Căn cứ E42, sân bay Phượng Hoàng, sân bay L19 và một số công trình di tích đã được tu bổ, tôn tạo như Nhà bia, Nhà trưng bày chuyên đề về Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Tô...

Bị xâm phạm trong thời gian dài

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi cùng với một số du khách tìm đến tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đắk Tô - Tân Cảnh. Về mặt giá trị và ý nghĩa của khu di tích này thì ai cũng có thể nhận biết, nhưng trên thực địa chúng tôi lại chưa cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền nơi đây, bởi không gian, cảnh quan của khu di tích đang bị xâm phạm dọc, ngang.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu căn cứ E42, mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành cắm biển báo cấm xâm phạm vùng bảo vệ di tích, thế nhưng người dân vẫn bất chấp trồng cây sắn (mì) và các loại cây trồng khác ngay trong khu vực biển cấm. Tại khu vực sân bay L19 cũng bị nhiều người dân chiếm dụng làm sân phơi bã sắn trong suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, khu vực xung quanh sân bay đã bị người dân lấn chiếm làm nơi chôn cất người chết. Sự việc này diễn ra trong nhiều năm qua, đến nay các ngành chức năng liên quan vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

 Khu vực nghĩa trang nhân dân chồng lấn lên một phần di tích sân bay L19

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Tô cho biết, trước khi được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1992, do chưa xác định được khu vực này là di tích nên nhiều công trình trong căn cứ đã bị người dân đập phá để lấy phế liệu. Phần diện tích đất ngoài vùng đệm (chủ yếu là đất trống) được nhân dân sử dụng để sản xuất. Còn diện tích đất trong vùng lõi vẫn được giữ nguyên và được cắm biển chỉ dẫn (sau khi được công nhận là di tích) và công bố bản đồ quy hoạch khu vực đất di tích. Tuy nhiên, hiện nay có xảy ra tình trạng các hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực cắm biển để trồng sắn, lý do bởi khu vực này là đất trống, các hộ dân tận dụng để trồng cây ngắn ngày và trồng một số loại cây trồng khác. “Trong những năm trước, để phục vụ cho việc thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan để xử lý các trường hợp sử dụng đất tại khu di tích (kể cả việc ban hành kế hoạch xử lý, cưỡng chế thu hồi đất) và các đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp sử dụng đất tại khu di tích chưa triệt để. Thời gian tới UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo xử lý”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, đối với khu vực sân bay L19, đây là một phần trong quần thể E42 và hiện nay việc quản lý được UBND tỉnh giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Tại khu vực này, từ trước năm 1990 do UBND thị trấn Đắk Tô quản lý và chưa xây dựng nghĩa trang nhân dân nên người dân đã sử dụng phần đất trống tiếp giáp với đường băng sân bay này để chôn cất, hình thành nên nghĩa trang nhân dân tự phát. Hiện UBND huyện đã đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân tại xã Tân Cảnh, sau khi đưa nghĩa trang này vào sử dụng sẽ chấm dứt tình trạng chôn cất tại khu vực sân bay L19, đồng thời có phương án cải táng những phần mộ tại khu vực này vào nghĩa trang mới.

Cần sớm có phương án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích

Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum, sau khi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, di tích Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh đã hai lần được tu bổ, tôn tạo vào các năm 2002 và 2012. Sau khi được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, năm 2018 UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Tô- Tân Cảnh, giao Sở VHTTDL làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 2,7 tỉ đồng, với những hạng mục như: Nhà bia, nhà trưng bày và các hạng mục phụ trợ khác. Công trình này hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2019.

 Do hạn chế về kinh phí nên di tích chỉ mới sửa chữa, tu bổ Nhà bia di tích, Nhà trưng bày và các hạng mục phụ trợ

Ông Hoàng cho biết thêm, trong năm 2017 Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Kon Tum chủ trì lập Quy hoạch tổng thể Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên tỉnh Kon Tum đã có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL và Chính phủ xin dừng triển khai lập quy hoạch. “Dự kiến trong năm 2021, Sở VHTTDL sẽ phối hợp với các cấp, Bộ, ngành liên quan hoàn thành việc xác định vị trí, khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh. Đồng thời bổ sung 2 di tích điểm cao 1015 (Sạc ly) và 1049 (Dalta) của huyện Sa Thầy vào quần thể di tích Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh”, ông Hoàng thông tin. Trong khi đó, ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Tô cho rằng, đây là chứng tích chiến tranh và đã được Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư theo diện “đặc biệt” nên việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử còn rất hạn chế.

“Thực ra, vào năm 2012 UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh với tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Tuy nhiên, sau đó dự án phải dừng cho đến nay do không có kinh phí triển khai thực hiện. Việc tu bổ, tôn tạo di tích là cần thiết, do vậy đề nghị các cấp, Bộ, ngành sớm quan tâm đầu tư dự án này”, ông Hải kiến nghị. 

 NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top