Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA

VHO-Ngày 22.9, dưới sự chứng kiến của Đại diện liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước thành viên EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương… UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên của Việt Nam sang EU theo Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.

Theo đó, lô hàng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9 này với mức thuế suất ưu đãi theo Hiệp định EVFTA.

Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA - ảnh 1

Lô gạo thơm đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9 này

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, nông sản Việt nói chung và mặt hàng gạo nói riêng có được lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xuất khẩu vào EU. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU trong thời gian tới khi tập trung nguồn lực vào việc đáp ứng các yêu cầu chất lượng ngày càng cao của EU. Theo đó, sẽ tăng diện tích vùng trồng để tăng sản lượng xuất khẩu, đa dạng hóa các loại giống, xây dựng thương hiệu một số loại giống của Việt Nam tại thị trường EU.

Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA - ảnh 2

Các đại biểu tham quan Nhà máy lương thực Thoại Sơn tại An Giang

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Hiệp định EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD - là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Ông Doanh cho biết, theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với cam kết này sẽ giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Để tận dụng lợi thế này và khai thác tốt thị trường EU, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với bà con nông dân; hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Ông Doanh nhấn mạnh.

H. HẢI
 

Ý kiến bạn đọc