Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020: Những thanh âm thấm đẫm hồn dân tộc

Thứ Sáu 02/10/2020 | 10:01 GMT+7

VHO- Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức đã đi đến chặng cuối ở điểm thi Hà Nội (từ 30.9 - 5.10). Gần 40 chương trình dự thi của 35 đoàn nghệ thuật, với sự tham gia của lực lượng hùng hậu hơn 650 thí sinh, cho thấy âm nhạc dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn và phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng hoa Ban giám khảo

 Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức đã chia sẻ với Văn Hóa về những nét mới cũng như chất lượng của cuộc thi năm nay.

P.V: Thay vì việc thí sinh tập trung thi ở một nơi thì lần này Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 đã tổ chức thi tại nhiều điểm theo từng vùng miền. Thưa nhạc sĩ, lý do của sự thay đổi đặc biệt trong cách thức tổ chức lần này là gì?

- NS Đức Trịnh: Ban tổ chức quyết định tổ chức thi tại 5 điểm: TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); TP.HCM; TP Thanh Hóa (Thanh Hóa); TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Thủ đô Hà Nội trước tiên là để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc thi là cơ hội thể hiện tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện tài năng cá nhân. Sau nữa, đây là một hoạt động nghề nghiệp được các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc mong chờ. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây còn là đợt tổng kiểm kê vốn “tài sản” âm nhạc dân tộc, đánh giá kết quả công tác bảo tồn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy dòng nhạc truyền thống của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc.

35 đơn vị dự thi, đoàn ít nhất thì cũng có 20 người, đoàn nhiều lên tới 50 người, chưa kể tới các bộ phận hậu cần, lắp ráp, chuyên chở... nên việc di chuyển đến các tỉnh xa sẽ vô cùng tốn kém, mất thời gian. Vì vậy, thành viên BTC và Ban giám khảo di chuyển tới chấm cho các đơn vị đóng trên cùng một địa bàn, một vùng sẽ giảm thiểu thời gian cũng như chi phí đi lại và cũng tránh được sự tập trung tới cả nghìn người tại một địa điểm.

Sáng kiến ghi hình và phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn đã giúp cho ban giám khảo, các nghệ sĩ và đông đảo khán giả có cơ hội xem lại từng chương trình bất kỳ lúc nào. Các thí sinh xem lại chương trình dự thi của mình và của đồng nghiệp để có sự so sánh, đánh giá khách quan nhất về cái được và chưa được. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, tôn vinh những chương trình âm nhạc dân tộc có chất lượng cao của giới nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo tôi, không chỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà Bộ VHTTDL nên duy trì hình thức này, đây là cách quảng bá, tôn vinh nghệ thuật âm nhạc dân tộc rất hiệu quả.

 Chương trình dự thi của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Chương trình dự thi của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh

Với cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là Phó trưởng ban tổ chức Cuộc thi, nhạc sĩ có thể chia sẻ những đánh giá của ông về chất lượng của các chương trình dự thi lần này?

- Những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc như tôi đều cho rằng Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc thi này một cách hiệu quả trong nhiều năm qua, tạo nên một sân chơi rất đặc thù cho những người nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cứ mỗi đợt tổ chức cuộc thi là một lần các đoàn phải dốc sức đầu tư kĩ lưỡng từ tập luyện đến dàn dựng tiết mục, chính điều này đã nâng cao tính chuyên nghiệp và tạo động lực cho âm nhạc dân tộc phát triển. Khó có thể kể hết ra những nét độc đáo, hấp dẫn từ các chương trình dự thi lần này. Ví dụ, ở miền núi không có những nhạc cụ như đàn tranh, đàn tì bà, đàn nguyệt như các đoàn ở dưới đồng bằng, nhưng họ đã phát huy được những nhạc cụ mang bản sắc riêng như bộ gõ, sáo, pí... Có những đơn vị nghệ thuật ở rất xa xôi như Hà Giang đã rất sáng tạo về bộ gõ cũng như đàn tính. Một điều thú vị là những thí sinh độc tấu sẽ phải chơi một bản nhạc cổ truyền và một bản sáng tác mới. Chính điều này đã khiến thí sinh vừa phải nắm chắc kỹ thuật truyền thống vừa phải có sự sáng tạo. Đơn cử như tiết mục của Nhà hát Cải lương Hà Nội, vẫn là bản nhạc gốc cổ truyền của cải lương nhưng cách phối khí mới mẻ đã khiến cho tiết mục trở nên hấp dẫn và hiệu quả. Giải thưởng cũng sẽ chia thành từng chuyên ngành và nhạc cụ riêng.

 Khi xem chương trình của một số đơn vị như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam thì thấy các tiết mục âm nhạc đều được dàn dựng rất công phu, không chỉ từ kỹ thuật mà cả sự phối hợp trong dàn dựng, biên đạo, phục trang, hát... Theo ông, đây có phải là những biểu hiện thể hiện xu thế nâng cao tính chuyên nghiệp của nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân tộc?

- Đúng vậy, các chương trình âm nhạc dân tộc hiện nay đã chú trọng tới khâu dàn dựng cũng như sự phối kết hợp của thiết kế mỹ thuật, phục trang, diễn xướng..., qua đó đưa âm nhạc dân tộc gần gũi hơn với đời sống và thị hiếu của khán giả. Một chương trình âm nhạc được dàn dựng công phu sẽ tạo nên hưng phấn cho người chơi cũng như người thưởng thức. Tôi tin chắc rất nhiều chương trình dự thi lần này nếu mang đi biểu diễn sẽ vô cùng thu hút, lôi cuốn, đặc biệt là với khách quốc tế. Những âm thanh thấm đẫm hồn dân tộc của các nhạc cụ truyền thống qua sự thể hiện đầy thăng hoa của nghệ sĩ sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp đối với công chúng. 

THÚY HIỀN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top