Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chuyển đổi số trong du lịch: Ai đi trước sẽ thành công

Thứ Sáu 02/10/2020 | 10:57 GMT+7

VHO- Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều xu hướng du lịch mới, vì thế chuyển đổi số được coi là lựa chọn phù hợp với xu thế thế giới, làm thay đổi căn bản hoạt động du lịch toàn cầu và là giải pháp quan trọng vừa góp phần phục hồi du lịch, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời là con đường phát triển tất yếu trong tương lai.

 Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu tham dự và hàng nghìn tài khoản theo dõi trực tuyến Ảnh: TRẦN HUẤN

Những nội dung trên đã được phân tích và làm rõ tại Diễn đàn Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch, diễn ra ngày 30.9, tại Hà Nội.

Chuyển đổi số giúp giải bài toán khó trong phát triển du lịch

Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trước tác hại do dịch Covid-19, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Việc thúc đẩy du lịch phát triển trong bối cảnh này là bài toán khá khó khăn. Việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn này chính là đưa ra một hướng đi tìm tòi, giải pháp quan trọng để khôi phục và phát triển lại du lịch của đất nước theo hướng bền vững”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói riêng và ngành Du lịch trong nói chung trong phát triển ngành kinh tế xanh, tập trung chuyển đổi kinh tế số. Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ trong việc chuyển đổi kinh tế số, thiết kế các khung chính sách, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo để phát triển ngành kinh tế tổng hợp, mang nội hàm văn hóa sâu sắc này. Bằng các văn kiện đại hội, Nghị quyết chuyên đề, các đề án, chương trình hành động, Đảng và Nhà nước đã định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững; Chuyển đổi phát triển kinh tế số gắn liền với phát triển kinh tế du lịch.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển du lịch ở Trung ương, hiện nay, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo Tổng cục Du lịch đẩy mạnh marketing du lịch; Quản lý du lịch thông minh; Tích hợp dữ liệu số của ngành; Kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Làm sao để công nghệ thông tin đến với mọi cấp, mọi ngành, thuận tiện cho khách du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch. Trong bối cảnh bình thường mới, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội sẽ cùng đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp, biến nguy thành cơ, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục khẳng định điểm đến Việt Nam an toàn, thu hút khách du lịch. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hành động nhanh hơn, khẩn trương hơn, quyết liệt hơn việc chuyển đổi số để phát triển du lịch”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Covid-19 cho thấy ngành Du lịch phải thay đổi ngay để theo kịp với những xu hướng mới. Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… Nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ đầy đủ thì việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cũng cho thấy chỉ các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số mới tận dụng được những lợi thế của cách mạng 4.0 mang lại, phục vụ tốt hơn khách hàng. Ai đi trước trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, người đó sẽ thành công”.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong chuyển đổi số

Tuy nhiên, có những vấn đề cần đặt ra mà cách giải quyết không hề đơn giản vì hiện nay doanh nghiệp đã kiệt sức, gần như chỉ còn lại bộ khung, nguồn nhân lực giảm, dòng tiền cạn kiệt. Vì thế, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc chuyển đổi số; Xây dựng big data (dữ liệu lớn); Tăng cường quỹ đào tạo…

Chuyển đổi số sẽ góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tính, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Đồng thời, chuyển đổi số giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm...). Đồng thời, giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch phổ biến là: Công nghệ di động, Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), Trí tuệ nhân tạo (AI), Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử.

Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số mà ngành Du lịch Việt Nam hướng đến là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp. Để có nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Việt Nam, cần có hành lang pháp lý, dịch chuyển nhận thức và thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi thói quen của khách du lịch.

Tại Diễn đàn, đại diện của Facebook, Google cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng du lịch Việt Nam trong quảng bá điểm đến và chuyển đổi số để phát triển. Hiện nay, Facebook cùng các công ty du lịch lữ hành Việt Nam tham gia quay clip “Bao la Việt Nam” với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi để thúc đẩy phát triển du lịch hậu Covid-19. Clip đã nhận được hàng triệu lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ trong công cuộc phục hồi và phát triển du lịch nội địa. Bên cạnh đó, Facebook cũng phối hợp với Vietjet đưa ra chương trình “Bao la Việt Nam – Bay xanh cùng Vietjet” để bắt kịp xu thế, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa. Không chỉ vậy, Facebook cũng hưởng ứng mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đưa ra chương trình Sức sống Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, Facebook dự định triển khai dự án “Video for Vietnam” để tiếp tục thúc đẩy du lịch hậu Covid-19.

Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của Google gợi ý: Các doanh nghiệp du lịch có thể thúc đẩy sự hồi sinh của du lịch qua 3 cách chính: Tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên thế giới, đào tạo kỹ năng số và quảng bá điểm đến Việt Nam tới du khách trên: Google Arts & Cultures, Google tìm kiếm. 

 THUÝ HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top