Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khắc phục diện mạo kiến trúc manh mún, chắp vá

Thứ Sáu 02/10/2020 | 11:01 GMT+7

VHO- Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2020- 2025 Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ những trăn trở, lo âu trước nhiều bất cập không khó để nhận ra trong diện mạo kiến trúc nước nhà.

 Diện mạo kiến trúc lộn xộn, chắp vá

Đó là tình trạng xung đột giữa bảo tồn và phát triển; là diện mạo kiến trúc còn manh mún, chắp vá và không đồng bộ...

Chưa định hình rõ kiến trúc mang bản sắc Việt Nam

Hơn 70 năm qua, đội ngũ kiến trúc sư đã ghi dấu ấn đậm nét vào từng chặng đường phát triển của đất nước. Gần 850 thành phố, đô thị lớn nhỏ được hình thành. Hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng với công nghệ tiên tiến, tiếp cận trình độ quốc tế. Diện mạo nông thôn từ miền núi tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo ngày càng tươi mới với hàng triệu công trình xây dựng. Nhiều công trình kiến trúc lớn, tầm vóc tạo được điểm nhấn, được giới chuyên môn, bè bạn quốc tế đánh giá cao…

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là nhiều hạn chế, bất cập, những nút rối khiến đội ngũ làm nghề không khỏi trăn trở để tìm ra giải pháp cải thiện diện mạo nền kiến trúc nước nhà. Chia sẻ với đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ những bất cập này như vấn đề xung đột giữa bảo tồn và phát triển chưa được chú trọng thật sự ở nhiều nơi; nhiều thành phố, đô thị mở rộng rất nhanh nhưng manh mún, chắp vá, không đồng bộ, thiếu vắng không gian xanh, không gian cho hoạt động cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ em và người cao tuổi; những công trình kiến trúc phô trương, xa lạ với văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó là những làng quê truyền thống bị phá hỏng bởi xu hướng đô thị hóa cưỡng bức; những khu nhà ở cho công nhân, người lao động bất tiện về công năng, nhếch nhác về hình thức…

Dù đã có những công trình, nhiều tác giả đoạt giải về kiến trúc, song trên bình diện quốc tế, kiến trúc nước nhà vẫn chưa có nhiều những tác phẩm kiến trúc mang tầm cỡ, tầm vóc lớn, mang tính thời đại. Đội ngũ kiến trúc sư phát triển nhanh chóng nhưng chưa định hình được thật rõ kiến trúc mang bản sắc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại và hội nhập quốc tế. “Đặt hàng” đội ngũ kiến trúc sư, Phó Thủ tướng lưu ý cần nhìn nhận những vấn đề bất cập này với thái độ nghiêm túc, cầu thị và với niềm tin để từ đó có giải pháp thiết thực. Hơn ai hết, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ mang trách nhiệm là lực lượng, là tổ chức nòng cốt, tiên phong. Hoạt động sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư cần bám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sinh động, phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa của mỗi vùng miền. Đồng thời chú trọng định hướng kiến trúc xanh, kiến trúc hướng về cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống đặc sắc; thúc đẩy lan toả tác phẩm kiến trúc có giá trị, xu hướng kiến trúc hiện đại.

Bao giờ hết tạp nham?

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến những đổi thay to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi mỗi KTS và Hội Kiến trúc sư Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao năng lực hành nghề, chủ động thích ứng với thử thách và cơ hội mới. Theo đó, cần phát triển và cổ súy cho Kiến trúc xanh, Kiến trúc vì cộng đồng, Kiến trúc thông minh; tích cực triển khai thực hiện Luật Kiến trúc để xây dựng môi trường hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp, lành mạnh. “Đó là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong thời gian tới để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại công nghiệp 4.0...”, KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ.

Trên thực tế, dẫu có nhiều khởi sắc nhưng giới nghề vẫn không khỏi đau đáu trước một diện mạo chắp vá, manh mún, tạp nham của nền kiến trúc trong nước. Mô tả diện mạo kiến trúc ở những đô thị lớn, nhiều chuyên gia đã so sánh với “nồi lẩu thập cẩm”. Kiến trúc nông thôn bị biến dạng, quá trình đô thị hóa một cách cưỡng ép khiến nhiều không gian làng quê truyền thống bị phá vỡ...

Trước thực trạng kiến trúc đô thị của Việt Nam đang tồn tại hỗn loạn, pha tạp và biến dạng, nhiều chuyên gia chỉ rõ, chỉ cần nhìn vào một con phố tại Hà Nội cũng đủ để nhận thấy sự xô bồ, mạnh ai nấy làm, với các thể loại kiến trúc Đông Tây kim cổ. Nhan nhản những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, đủ mọi hình thù; những công trình kiến trúc sai phép, phá vỡ cảnh quan văn hóa lịch sử, thẩm mỹ của thành phố... Ở nông thôn, sự thiếu vắng của “bàn tay” chuyên môn khiến cho diện mạo kiến trúc cũng trong tình trạng tạp nham. Vậy nhưng, bài toán kiến trúc nông thôn, nơi có tới gần 80% dân số đang sống dường như lâu nay vẫn đang bị bỏ ngỏ. Bóng dáng làng quê truyền thống đang dần quay quắt lùi xa trước cơn lốc đô thị hóa và cơ chế thị trường. Những người nông dân bỗng chốc “đổi đời”, đua nhau khoe hoành tráng với những ngôi biệt thự sang trọng trong những ngôi làng cổ hiền hòa. Câu hỏi đặt ra là, việc không gian làng truyền thống bị phá vỡ, lỗi có thuộc về người nông dân?

Theo các kiến trúc sư kinh nghiệm, đối với nông thôn, không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống. Bởi, mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm thấy được vị trí của mình trong sự phát triển hướng tới tương lai. Xuất phát từ thực trạng này, cách đây vài năm, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã triển khai các chương trình khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phát triển kiến trúc nông thôn. Cuộc thi Kiến trúc nhà ở nông thôn cũng đã được tổ chức với hy vọng sẽ phần nào tháo gỡ những nút rối của kiến trúc nông thôn hiện tại. 

HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

VHO - Để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tối 18.3, HLV trưởng Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự 2 trận đấu này.

Chi tiết
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top