Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Văn hóa tinh thần Huế: Cần được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ

Thứ Hai 05/10/2020 | 12:02 GMT+7

VHO- Đó là khẳng định của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo TƯ), nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) Nguyễn Khoa Điềm tại Hội thảo Văn hóa Huế-nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển do Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá TƯ NGUYỄN KHOA ĐIỀM

 Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học… đã cùng thảo luận, đóng góp để thúc đẩy phát triển Huế trên nền tảng văn hóa đặc trưng. Qua đó góp phần vào cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, theo tinh thần của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhận diện nội dung trước khi nhận diện bản sắc

Suốt hành trình hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế là vùng đất đảm đương sứ mệnh bàn đạp mở cõi, rồi là Kinh đô cả nước dưới thời Tây Sơn, thời triều nhà Nguyễn, là vùng đất chứa nhiều giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo, đặc trưng của quốc gia và dân tộc.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại 3 cuộc tiếp biến lịch sử văn hóa quan trọng từ Ô Lý đến Thủ phủ Đàng Trong và giao thoa với văn hóa phương Tây là những di sản văn hóa chính trị có ý nghĩa quốc gia cho thấy những gì Huế đã có mặt, đã làm nên và sẽ còn đóng góp cho tương lai.

“Nhiều năm qua, chúng ta đã có thành tích và kinh nghiệm về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nhưng văn hóa Huế, ngoài di sản nói trên thì còn có văn hóa tinh thần. Văn hóa tinh thần được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế lại là phần di sản quan trọng nhưng chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ. Do đó, cần phải suy nghĩ làm sao để phát huy được giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Huế”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Huế là “đối tượng” nghiên cứu của nhiều nhà khoa học; văn hóa Huế đã được nghiên cứu cách đây hơn 100 năm, xuất bản trên B.A.V.H năm 1914. Đồng thời, ông Hoa cũng góp ý, trước khi nhận diện giá trị bản sắc thì phải nhận định được nội dung của văn hóa Huế.

Ông Nguyễn Xuân Hoa thông tin, cách đây nhiều năm, khoảng 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh “Địa chí Thừa Thiên Huế - phần văn hóa”. Bộ địa chí Thừa Thiên Huế này dài hơn 1.500 trang, với 15 chương, gồm các nội dung về nhiều lĩnh vực: ẩm thực, trang phục - nhà ở - đồ dùng sinh hoạt - công cụ sản xuất, y dược cổ truyền, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn học, báo chí- xuất bản, nghệ thuật tạo hình- nhiếp ảnh, di tích văn hóa-lịch sử và danh lam thắng cảnh… Đề tài đã được nghiệm thu cách đây 3 năm, nhưng gần như chỉ xuất hiện trong tủ sách của các nhà nghiên cứu.

“Theo tôi, tỉnh nên đầu tư xuất bản đề tài nghiên cứu về bộ địa chí văn hóa Huế nói trên, để cung cấp nhận thức về nội dung với cộng đồng. Từ những nội dung đó, nghiên cứu sâu trong thực tiễn về những vấn đề cốt lõi để nhận diện bản sắc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

 Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc và múa cung đình Huế

Văn hóa phải nằm trong chiến lược phát triển của Huế

TS Thái Kim Lan nhận định: Nói đến văn hóa Huế chỉ có hai chữ: đẹp và thơ. Đẹp từ phong cảnh, con người, những giá trị vật thể và phi vật thể…; và thơ chính là tinh thần của Huế. Sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người và tinh thần hun đúc nên tính cách, bản sắc của Huế. Trong quá trình phát triển, Huế cần phát triển trên tinh thần ấy.

“Văn hóa phải nằm trong chiến lược phát triển của Huế, và đóng vai trò then chốt. Tất cả những tri thức, kiến thức về kỹ thuật phải được cân bằng với tinh thần, vẻ đẹp của văn hóa Huế. Do đó, khi xây dựng kế hoạch phát triển cần phải chú trọng đến văn hóa; phát triển văn hóa không phải vì lợi nhuận, nhưng phát triển được văn hóa sẽ có lợi nhuận”, TS Thái Kim Lan chia sẻ.

TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng: Những di sản đặc biệt quý giá của Huế cần được trân trọng nâng niu, cụ thể hóa bởi những quan niệm, nhận thức, chiến lược bảo tồn và phát triển hữu hiệu, đảm bảo tính liên tục, biện chứng của quá trình phát triển, theo đúng tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị - có thể coi là cơ hội vàng cho Huế trong giai đoạn hiện nay. Đưa hơi thở truyền thống vào trong xã hội hiện đại thông qua giáo dục, văn hóa và công nghiệp văn hóa, như biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch sẽ là phương cách bảo tồn, phát triển văn hóa một cách hữu hiệu.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định ghi nhận và cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các nhà nghiên cứu. Ông Định chia sẻ: Lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển là điều vô cùng khó. Điều thuận lợi là tất cả người dân đều yêu xứ Huế, và quan trọng là phải chuyển tình yêu ấy thành năng lượng để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và phát triển. Để giữ được văn hóa, tính cách, con người Huế, chúng ta phải có cách thức đào tạo để trao truyền tinh thần, hồn cốt của Huế được lưu giữ từ thế hệ trước cho thế hệ sau, có cách truyền thông điệp tới mỗi người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin rằng, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc họp rà soát lại các đề tài nghiên cứu trong vòng 10 năm qua. Và đã quyết định sẽ xuất bản bộ “Địa chí Thừa Thiên Huế” (phần văn hóa) như kiến nghị của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Đây là những nội dung quan trọng, phong phú cần được chuyển tải đến cộng đồng. Để thực hiện thành công Nghị quyết 54- NQ/TW không phải ngày một ngày hai, rất gian nan nhưng đó là con đường đúng mà tỉnh đã định hướng nhiều năm nay. Trên tiến trình đó, chính quyền địa phương rất cần sự chung tay của các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, những người dành nhiều tâm huyết cho Huế. Lãnh đạo tỉnh cam kết về sự nỗ lực và kiên định mục tiêu, định hướng xây dựng một Huế đặc thù trên nền tảng phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. 

 Nhiều năm qua, chúng ta đã có thành tích và kinh nghiệm về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nhưng văn hóa Huế, ngoài di sản nói trên thì còn có văn hóa tinh thần. Văn hóa tinh thần được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế lại là phần di sản quan trọng nhưng chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ. Do đó, cần phải suy nghĩ làm sao để phát huy được giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Huế.

(Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá TƯ NGUYỄN KHOA ĐIỀM)

SƠN THUỶ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top