Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhận diện các đối sách ứng phó trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Thứ Sáu 16/10/2020 | 09:43 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, chiều qua 15.10 tại TP.HCM, tạp chí Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh 2020 lần 7 với chủ đề “Xuyên qua vùng nhiễu động”.

Các diễn giả tại phiên thảo luận thứ nhất

 Tại diễn đàn, các diễn giả cùng nhau thảo luận về các cơ hội và thách thức trong kinh doanh cũng như đề xuất đối sách ứng phó trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn và diễn biến dịch bệnh này vẫn còn phức tạp. Ông II-Dong Kwon, Giám đốc điều hành và thành viên hợp danh, Tổng giám đốc BCG Việt Nam đã “phác họa tương lai” về thế giới trong giai đoạn hậu Covid-19. Ông dự báo, về kinh tế, hầu hết các quốc gia dự kiến chỉ phục hồi GDP về mức năm 2019 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, chỉ số PMI trong ngành chế biến, chế tạo đang phục hồi trên phạm vi toàn cầu cho thấy đà phát triển tích cực. Chính vì thế, trước khi việc tiêm chủng rộng rãi vaccine các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhanh chóng tái định vị chiến lược kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu, hành vi, lối sống và công việc của mọi người đều thay đổi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, cán bộ nghiên cứu cao cấp của trường Harvard Kennedy (đại học Harvard), giảng viên Chính sách công của đại học Fulbright Việt Nam tóm lược bức tranh chung kinh tế vĩ mô toàn cầu và đề xuất các kịch bản cụ thể cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu kinh tế Việt Nam phục hồi tốt trong quý IV.2020 và quý I.2021 thì không cần thêm chính sách hỗ trợ kinh tế từ miễn giảm thuế, nếu đại dịch vẫn kéo dài sang năm 2021 thì cần chuẩn bị các biện pháp mạnh để kích thích tiêu dùng trong dân cư. Đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng làm dịch chuyển về hành vi mua sắm, tiêu dùng trên Internet, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc. Các doanh nghiệp Việt Nam liệu có sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển đột ngột như vậy?

Phiên thảo luận đầu tiên về sự “Thích ứng với thực tế mới” do bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam, điều phối, lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ về giải pháp vượt qua giai đoạn khủng hoảng, các quyết định cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và phương thức phát triển có tính bền vững tạo sức bật dài hạn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Viettravel cho hay, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, doanh thu cả ngành mất 61%, 4,8 triệu lao động mất việc, lượng khách giảm mạnh hơn 70%… Viettravel đã tập trung hoàn toàn ở thị trường trong nước, tái định vị lại thị trường, đổi mới nhiều dịch vụ, tiện ích sao cho phù hợp để cố gắng giữ được con số 80-90% khách nội địa vốn có. Nhờ đó mà tình hình của Viettravel đã khởi sắc, khi doanh thu của tháng 7 cao hơn trước dịch.

 Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn Hoá, Tổng Biên tập Forbes Việt Nam vinh danh Tập đoàn Vingroup - 1/50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020

Ở phiên thảo luận về “Thúc đẩy nền kinh tế không tiếp xúc”, bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Giám đốc vận hành GHN và AhaMove đã trao đổi với các diễn giả đề cập đến đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng làm dịch chuyển hành vi mua sắm, tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc. Tại phiên thảo luận “Cơ hội ở làn sóng thứ tư”, các diễn giả đã đề cập đến tình hình sau thương chiến Mỹ – Trung, Covid-19 tiếp nối thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn. Việt Nam được xem nằm trong nhóm các quốc gia có cơ hội hưởng lợi từ làn sóng đầu tư thứ tư cùng các cơ hội đến từ hiệp định thương mại EVFTA. Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã chia sẻ quan điểm và góc nhìn về cơ hội mới: Làm sao nắm bắt được cơ hội từ sự phân bổ lại của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và chinh phục thị trường xuất khẩu mới mà Việt Nam trở thành một ứng viên sáng giá?

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Forbes Việt Nam tổ chức lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020 do Forbes Việt Nam bình chọn và đã công bố vào tháng 6.2020. Đây là lần thứ 8 Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này và ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty vào danh sách đạt 138.705 tỉ đồng, tăng 8,7% so với danh sách công bố năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Sự phát triển vượt bậc của khối kinh tế tư nhân tiếp tục được ghi nhận trong danh sách năm 2020. Các công ty tư nhân đầu ngành như Vingroup, Masan Group, Techcombank, VPBank, Hòa Phát, Thế Giới Di Động… tiếp tục có một năm tăng trưởng, phần lớn lợi nhuận vươn lên các cột mốc mới. 

HỒNG HẠNH - VĨNH HY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top