Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghệ thuật trong xu thế chuyển đổi số: Nhức nhối nạn vi phạm bản quyền

Thứ Sáu 30/10/2020 | 11:15 GMT+7

VHO- Trong xu thế tất yếu của thời đại số cộng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua, nghệ thuật trực tuyến đã được đẩy mạnh nhằm tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả. Tuy vậy, trước sự chuyển đổi này, các đơn vị hoạt động nghệ thuật và nghệ sĩ gặp không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền.

 Những sự kiện văn hóa, nghệ thuật trực tuyến sẽ giúp mở rộng công chúng

 Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, vi phạm bản quyền đang là nguy cơ đối với ngành công nghiệp văn hóa vốn đã rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Nghệ thuật vượt khỏi khán phòng

Đại dịch Covid-19 đã vượt quá mức độ của một cuộc khủng hoảng thông thường, không chỉ ảnh hưởng về mặt sức khỏe của con người mà còn đặt toàn bộ các tổ chức văn hóa - nghệ thuật lớn, nhỏ trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng trước tình trạng sống còn.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), các phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hát, phòng hòa nhạc và thư viện trên toàn thế giới buộc phải đóng cửa. Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại đã làm suy yếu chuỗi giá trị sáng tạo - tạo ra, sản xuất, phân phối và tiếp cận, đồng thời làm giảm đáng kể điều kiện kinh tế, xã hội và nghề nghiệp của các nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa. Ngành “công nghiệp âm nhạc” được dự báo giảm khoảng 43% doanh thu và theo một báo cáo của WOMEX được công bố vào tháng 6.2020, 87% sự kiện đã bị hủy và chỉ 39% tìm thấy giải pháp thay thế trực tuyến cho các buổi biểu diễn trực tiếp.

Tại Việt Nam, những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó có thể đong đếm. Nhiều đơn vị hoạt động nghệ thuật bị “đóng băng”, nhất là trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp như: rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng... đều đóng cửa; chương trình biểu diễn nghệ thuật, dự án làm phim hay chiếu phim, liên hoan… bị hủy hoặc dừng không thời hạn; nghệ sĩ, nhà làm phim, giám tuyển, chuyên gia văn hóa, các cá nhân thực hành văn hóa và nghệ thuật, giảng viên và đào tạo viên... bị cắt giảm lương/thù lao hoặc nghỉ việc…

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, với xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, một số đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đã nhanh chóng chuyển hướng giới thiệu các tác phẩm bằng hình thức trực tuyến. Trong lĩnh vực biểu diễn, dự án “24h Music Marathon”, chương trình biểu diễn toàn cầu trực tuyến, do nhóm nghệ sĩ Trang Trịnh, Phan Đỗ Phúc, Vũ Phương khởi xướng đã diễn ra ngay trong thời điểm giãn cách xã hội; hay chương trình “VNSO Season opening concert” của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phát trực tuyến trên kênh Youtube và Facebook; hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” tại Nhà hát Lớn Hà Nội được truyền hình trực tiếp… Một số đơn vị như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… và các nghệ sĩ cũng xây dựng kênh trên Youtube, duy trì đăng tải những chương trình biểu diễn đặc sắc để đông đảo khán giả thưởng thức.

Phó Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam Kim Xuân Hiếu cho biết, biểu diễn nghệ thuật và đưa lên internet không những tiếp cận khán giả trong nước, mà khán giả nước ngoài cũng có thể nghe, biết đến Dàn nhạc nhiều hơn…

Cần có hành lang pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật trực tuyến là hướng đi mới để phát triển các hoạt động biểu diễn. Theo nhiều chuyên gia, trong tương lai gần, dù không trong tình trạng dịch bệnh thì xu hướng tổ chức các sự kiện nghệ thuật online như vậy vẫn sẽ phát triển. Cùng với biểu diễn trực tiếp, những sự kiện văn hóa, nghệ thuật trực tuyến sẽ giúp mở rộng công chúng của văn hóa, nghệ thuật. Từ sức mạnh của công nghệ số thời 4.0, hầu hết đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đều hy vọng đây là cú hích tiếp cận khán giả trong thời đại mới. Tuy nhiên, để phát triển loại hình này, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đang phải đứng trước nhiều rào cản.

Trong thời gian qua, việc biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật trực tuyến, từ phim cho tới âm nhạc, sân khấu... đã đáp ứng được nhu cầu giải trí của công chúng. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng lớn, thu nhập và cuộc sống của nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng chịu tác động mạnh. Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, cần có các chính sách giúp đỡ, tài trợ cho các dự án nghệ thuật, hỗ trợ nghệ sĩ tìm kiếm kênh phát hành tác phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, khi chuyển đổi phương thức tiếp cận khán giả, các đơn vị nghệ thuật cũng cần nghiên cứu chương trình phù hợp với biểu diễn trực tuyến; đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại nhằm đưa tới cho công chúng các chương trình nghệ thuật chất lượng.

Đáng lẽ, việc giới thiệu tác phẩm trực tuyến là cơ hội để gia tăng thu nhập cho nghệ sĩ biểu diễn nghe nhìn bằng việc thu tác quyền từ những sản phẩm trước đó. Tuy vậy, việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, chia sẻ miễn phí tác phẩm văn học nghệ thuật trên không gian mạng đang khiến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này trở nên nóng bỏng hơn.

Bảo vệ bản quyền trong bối cảnh thúc đẩy số hóa là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ thông tin và internet đã tạo ra cơ hội tiếp cận, chia sẻ rất nhanh chóng, rộng rãi các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Do đó, quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật: đẩy mạnh, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Những chính sách, biện pháp quyết liệt đó sẽ bảo đảm quyền lợi của nghệ sĩ khi giới thiệu, biểu diễn nghệ thuật trực tuyến, khuyến khích họ tái đầu tư, sáng tạo và có các tác phẩm chất lượng cao đưa tới công chúng. 

 NGỌC NHIÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top