Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chống tham nhũng​​​​​​​ là làm công đức cho Đền

Thứ Hai 23/11/2020 | 10:37 GMT+7

VHO-  Câu chuyện về một Phó ban quản lý đền Hoàng Mười từng kiên nhẫn vượt qua cám dỗ đồng tiền để phanh phui vụ tham nhũng “động trời” ở chính ngôi đền ông tham gia quản lý khiến chúng tôi rất cảm phục. Hành động đầy quyết liệt của ông đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp linh thiêng của ngôi đền cổ xưa, di sản văn hoá quý giá này.

Đền Hoàng Mười thuộc địa bàn xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An). Phó Ban quản lý vừa nói trên là đại tá Nguyễn Đình Tường, nguyên Phó trưởng phòng tham mưu Cục An ninh Tây Nguyên (A90) Bộ Công an, nghỉ hưu. Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay, dẫn tôi bước dưới vòm cổng ngôi đền mới xây trắng tinh màu vôi, ông Tường cho hay cổng đền được Ban quản lý mới xây dựng sau bài báo “Chở tiền công đức đi đâu” đăng trên Tuổi Trẻ, hồi tháng 6.2013…

 Du khách thập phương trước đền Hoàng Mười

Bí mật ghi hình hành vi “động trời”

Ông Tường nói, bài báo “Chở tiền công đức đi đâu” năm đó như một hồi chuông cảnh tỉnh, nhờ vậy các cơ quan chức năng như UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở VHTT, Công an tỉnh… mới biết “chuyện tồi tệ hiếm thấy” trong ngôi đền thiêng. Nếu không, cứ “diễn cảnh cũ” thì nạn tham nhũng sẽ đánh mất vẻ thiêng liêng của ngôi đền nức tiếng cả nước. “Diễn cảnh cũ” là chuyện tiêu cực, tham nhũng trước khi được phát hiện, phản ánh với báo chí, ông Tường đã từng âm thầm chứng kiến tại đây.

Ông bộc bạch: “Trước đây, kiểm tiền công đức tại đền là một việc bí mật của riêng một số người trong Ban quản lý. Có hôm kiểm được 70 triệu, hôm 80 triệu, nhiều nhất là 900 triệu đồng. Vừa kiểm họ vừa chọn tiền chẵn từ 5.000 đồng trở lên còn tiền lẻ họ xếp thành nhiều bì để vào góc nhà, chờ thuê xe vào đưa ra ngoài đếm. Kiểm tiền chẵn tại đền xong, không ai ghi vào sổ sách. Ông Trưởng ban đưa tiền về nhà. Có lẽ sau đó họ ăn chia với nhau”. Chuyện tiêu cực này ông Tường biết được sau hai năm ông về làm Phó Ban quản lý đền. Do thấy cảnh nhức nhối, chướng tai gai mắt, ông không thể chấp nhận vì không chịu nổi. Một buổi chiều, ông chứng kiến cảnh Ban quản lý đền thuê xe ô tô bốn chỗ của Công ty Trung Long ở TP Vinh vào chở bảy bì tiền lẻ về đếm. Biết chuyện tham nhũng rất lớn đang xảy ra, ông kiên quyết tìm cách “giấu mình” để bắt quả tang. Muốn bắt quả tang, ông dùng chiếc điện thoại bí mật ghi lại tất cả những hình ảnh chiếc xe ô tô vào, bảo vệ nhà đền vác bảy bì tiền chất lên xe. Sau khi có tư liệu, ông phản ánh với một người bạn thân ở một tờ báo địa phương nhưng anh này hứa hẹn mãi, rốt cuộc vẫn không viết được vì “lãnh đạo xã Hưng Thịnh là bạn của thủ trưởng”. Vì thế ông mới gõ Google tìm địa chỉ rồi đến Văn phòng thường trú của báo Tuổi Trẻ ở TP Vinh (Nghệ An). Sau một ngày thì bài báo được đăng. Nhưng khi bài báo đăng ông lại rơi vào tình thế đối diện những hiềm khích, đe dọa không chỉ của xã hội đen...

Ông NGUYỄN ĐÌNH TƯỜNG, Phó Ban quản lý đền Hoàng Mười

Dọa trên đường rồi “đe” trong cuộc họp

Một lần ông đang đi vào cổng đền thì một người lạ chỉ tay vào mặt: “Chỉ cần 30 triệu đồng là “mua” đứt đại tá đấy, đừng lôi thôi”. Không ít lần khác họ nói bóng, nói gió với ý hăm dọa tính mạng. Hiểu chuyện, ông Tường báo cáo với Công an huyện.

Một lần trong cuộc họp kiểm điểm Ban quản lý đền Hoàng Mười do UBND huyện tổ chức, khi đề cập đến chuyện tiêu cực, tham nhũng tiền công đức do ông Tường phát hiện, một cán bộ có trách nhiệm của huyện cũng nói bóng, nói gió “coi chừng thông tin, những người như thế là chết không nhắm mắt”. Lần đó, ông Tường thấy mình bị xúc phạm nên đứng dậy, nói ngay: “Từ khi tôi phát hiện vụ việc đã có một số người đe dọa tôi ngoài đường. Bây giờ, trong cuộc họp, cán bộ huyện lại tiếp tục “đe” tôi là sao. Là công dân, là cán bộ công an nhân dân, tôi hiểu đấu tranh chống tiêu cực gian nan như thế nào rồi nên không sợ nói lên sự thật vì lẽ công bằng, nhất là ở chốn di sản linh thiêng như đền ông Hoàng Mười”. Nghe vậy, ông cán bộ huyện thanh minh “tôi có nói anh đâu”. Nghe thế cả hội trường cười ầm lên”.

Nhắc đến chuyện tham nhũng, ông Tường nhớ thêm một cuộc họp khá “nóng” khác sau đó. Ông kể: “Huyện mời cán bộ Phòng Thanh tra, Phòng Văn hóa, Đảng ủy, UBND xã Hưng Thịnh dự cuộc họp kiểm điểm chuyện tiêu cực do Trưởng ban quản lý đền thuê xe chở tiền đi đếm. Cuộc đó tôi rơi giữa vòng vây của đồng nghiệp vì bị cho là người gây nên tiếng xấu, làm ảnh hưởng đến ngôi đền thiêng nên du khách sẽ không về đây nữa”. Trên đà đó, một cán bộ lại “đe” tiếp: “Lát nữa sẽ nói rõ những sai phạm của ông Tường”. Ngay lúc đó bài báo “Chở tiền công đức đi đâu” xuất hiện trên mạng báo điện tử. Thông tin được phản ánh trong bài báo lan truyền, tạo không khí mới trong phòng họp. Lúc này Chủ tịch huyện nói: “Thôi báo chí đăng rồi để các cơ quan chức năng giải quyết”. Cuộc đó, ông Tường may mắn “thoát hiểm”. Ông bảo: “Giá trị của bài báo không chỉ phản ánh chân thực chuyện tham nhũng “động trời” mà còn xuất hiện đúng thời điểm cuộc vây ráp tôi đang diễn ra. Những lúc mình gặp khó khăn như vậy thì bài báo đã có sức giải vây nếu không thì cách trù dập kiểu đó, mình dễ bị “bật” lắm”. Giờ nhắc lại chuyện cũ, ông nói một điều từ gan ruột: “Tôi nghĩ, việc mình chống tham nhũng, chống tiêu cực của một nhóm lợi ích có nghĩa là mình làm công đức cho đền”.

Từ 1,4 tỉ đồng/ 11 năm đến 16 tỉ đồng/năm

Chúng tôi chen chân du khách đi thăm thượng điện (cung ông Hoàng Mười) trị giá 10 tỉ đồng vừa mới dựng xong. Đây là một trong 13 cung trong và ngoài đền. 13 cung đều có 13 két đựng tiền công đức do du khách thập phương cung tiến. Ông Tường cho hay, Ban quản lý mới đã xóa sổ kiểu kiểm tiền bí mật, thay bằng công khai với sự có mặt của cán bộ Phòng Văn hóa, Phòng Tài chính, Công an huyện và Ban quản lý. Cứ cuối ngày là kiểm tiền. Kiểm xong, có công an viên dẫn đường đưa tiền đi nộp kho bạc. Riêng những ngày lễ lớn, các hòm công đức đầy tiền thì mở ra cho tiền vào vị trí an toàn rồi niêm phong hôm khác kiểm.

Nếu 11 năm (2002- 2013) Ban quản lý cũ chỉ nộp vào kho bạc 1,4 tỉ đồng tiền công đức thì từ tháng 6.2013 (sau khi vụ chở tiền đi thuê đếm bị phát hiện) đến nay Ban quản lý đền nộp vào kho bạc nhà nước bình quân 15 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2018 đến nay, số tiền công đức lên tới gần 16 tỉ đồng, năm 2019 cũng xấp xỉ năm 2018. Có nguồn thu lớn, UBND tỉnh tiến hành quy hoạch, trùng tu, tôn tạo di sản, xây dựng ngôi đền và mở rộng các khu dịch vụ phục vụ cho hoạt động tâm linh của đền. Tất cả những thay đổi đó là hiệu quả của việc thay đổi Ban quản lý. Hiện đền do huyện quản lý thay vì xã quản lý như trước đây. Ban quản lý mới do Trưởng phòng Văn hóa huyện làm Trưởng ban, một phó chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh và ông Tường làm phó ban. Nhìn du khách tấp nập vào ra trước cổng đền, ông Tường vui nói: “Ngày giỗ ông Hoàng Mười đền vui nhộn hẳn lên bởi các trò chơi dân gian như đua thuyền, kéo co, chọi gà và thi đấu bóng chuyền, biểu diễn văn nghệ trong suốt hai ngày đêm trước lễ hội”. 

 Tôi nghĩ, việc mình chống tham nhũng, chống tiêu cực của một nhóm lợi ích có nghĩa là mình làm công đức cho đền.

(Ông NGUYỄN ĐÌNH TƯỜNG, Phó Ban quản lý đền Hoàng Mười)

 VŨ TOÀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top