Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sáng tác về biên giới, hải đảo: Ngày càng lớn mạnh

Thứ Tư 25/11/2020 | 10:28 GMT+7

VHO- Lễ trao “Giải thưởng Sáng tác về biên giới, hải đảo” lần thứ nhất năm 2020 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức không chỉ có những cây bút kỳ cựu mà còn xuất hiện rất nhiều gương mặt trẻ, những tác giả của thế hệ 4.0. Điều này là minh chứng rõ ràng về trách nhiệm, ý thức của thế hệ kế tiếp.

 Những tác giả được trao giải Nhất

 “Viết về đề tài biên giới, biển đảo tại thời điểm này rất khó vì những người đi trước đã khai thác và viết nhiều rồi. Nhưng thực tế cho thấy, cái tài của các tác giả thời đại 4.0 là đã tìm ra cách tiếp cận mới, cách nhìn mới chân thực và gần gũi với cuộc sống đương đại”, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Một cuộc tổng duyệt “các giá trị đặc biệt”

44 tác giả có tác phẩm về đề tài biên giới, biển đảo từ năm 1975 đến nay đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cho biết, đây là sự kiện mang tính tổng kết của Hội, nhằm tôn vinh các tác giả có sáng tác chất lượng, và quan trọng hơn, nhằm tưởng nhớ những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. “Suốt mấy chục năm qua, các nhà văn, nhà thơ luôn đau đáu với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Qua các tác phẩm, có thể thấy rõ họ đã ý thức rất sớm và lặng lẽ, âm thầm sáng tác, thể hiện tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc, đem lại những tác phẩm giá trị, chân thực, có tính dự báo cao và trở thành những “cột mốc sống” nơi biên giới, hải đảo. Các tác giả, tác phẩm và tập thể được tôn vinh, trao giải thưởng đợt 1 có chất lượng nội dung tốt, cách tiếp cận tinh tế, sâu sắc, nhiều tác phẩm đã chinh phục được bạn đọc, đoạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét.

Phần lớn những tác phẩm đoạt giải đều đã công bố khá lâu, đi vào đời sống văn học, được bạn đọc đón nhận và thời gian chính là sự đánh giá, kiểm chứng chuẩn xác nhất cho các tác phẩm. Có thể kể đến Huyền thoại tàu không số của Đình Kính, Trường Sa kỳ vĩ và gian lao của Sương Nguyệt Minh, Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Đảo chìm Trường Sa của Trần Đăng Khoa, Ba phần tư trái đất của Thi Hoàng, Khúc tráng ca về biển của Chu Lai... Mỗi tác phẩm là một góc nhìn khác nhau, thể loại, phong cách khác nhau nhưng có chung tình cảm hướng về biên giới, biển đảo thiêng liêng. Bởi vậy, Ban giám khảo đã làm việc hết sức nghiêm túc và quyết định trao giải Nhất cho bốn tác giả: Trần Đăng Khoa với Đảo chìm Trường Sa; Nguyễn Bình Phương với Mình và họ; Thi Hoàng với Ba phần tư trái đất và Trịnh Công Lộc với Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió.

Với Đảo chìm Trường Sa, Trần Đăng Khoa đem đến những câu chuyện trung thực, mới mẻ chưa từng có về thực trạng của Trường Sa thời kỳ còn khó khăn. Đó là xúc cảm ngồn ngộn thôi thúc, tạo nên áng văn xuôi mang đầy chất thơ, gợi cho người đọc cảm nhận từng hòn đảo đang từ từ nhô lên mặt biển, cùng với hình tượng khác đang lớn lên trong lòng chiến sĩ, ấy là tình yêu Tổ quốc, và còn một hình tượng nữa, ở ngay trái tim người cầm bút. “Bởi vậy giải thưởng, tôn vinh không phải dành tặng riêng cho tác giả, mà là tặng cho biển đảo, cho biên giới, cho những người lính của đất mẹ này, mà chúng tôi là những người đồng hành xúc cảm”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Tiểu thuyết Mình và họ của tác giả Nguyễn Bình Phương lại kể về biên giới hôm nay nhưng vẫn đượm đầy không khí của quá khứ oanh liệt với bao nhiêu trăn trở. Còn với nhà thơ Trịnh Công Lộc, sinh ra và lớn lên từ biển, ông bảo mình gắn bó và yêu biển là sự hiển nhiên. Vì vậy, Thơ viết về biển, Từ biển mà đi hay Mộ gió... được ông viết bằng tình yêu và sự trân trọng lịch sử, bằng ý thức dân tộc kết chặt với tinh thần bảo vệ Tổ quốc. “Mỗi khi chủ quyền biên giới, biển đảo bị đe dọa, vận mệnh của dân tộc, của đất nước bị uy hiếp, thì lẽ tự nhiên lòng yêu nước và ý thức dân tộc lại bùng cháy. Có lẽ nhà thơ nào, văn nghệ sĩ nào cũng có đặc điểm giống nhau như vậy”.

Truyền nguồn năng lượng tích cực

Cuộc trao giải, tôn vinh sáng tác về biên giới, biển đảo còn là sự khích lệ, động viên các thế hệ nhà thơ, nhà văn nối dài đề tài. Sự nối tiếp ấy, như lời nhà thơ Hữu Thỉnh, là một hành trình vươn xa vì lợi ích của dân tộc: “Nếu tầm tay của chúng ta ngày càng vững chắc, vươn xa thì thử thách ngày càng lớn. Nhưng cũng chính vì thử thách, khó khăn ngày càng lớn mà cánh tay của chúng ta lại càng nối dài hơn, để bảo vệ biên giới, biển đảo thiêng liêng của đất nước”. Với hành trình ấy, tác giả Biển xanh màu lá Nguyễn Xuân Thủy thấy mình rất may mắn, bởi trước khi làm nhà văn, anh từng là lính Trường Sa. Vùng biển đảo xa xôi ấy là cầu nối để anh đến với văn chương, đến với những vùng sâu, vùng xa, đảo lớn đảo nhỏ, nơi đầy bão tố, khó khăn, giản khổ... nhưng những điều đó sẽ cho anh sức mạnh để cống hiến.

Sức mạnh ấy, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, đã cho ông sức vóc để làm nên những bản trường ca. “Ở Tổ quốc nhìn từ biển, tác phẩm được sáng tác năm 2009 trong đợt đi sáng tác về biển đảo với Tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi đã dồn hết cảm xúc cũng như kiến thức về văn hóa, lịch sử để sáng tác bài thơ mang giọng sử thi, có chất tráng ca, và tôi không nghĩ nó lại được hưởng ứng đến thế. Bài thơ được đăng trên báo Thanh niên và Tạp chí Văn nghệ quân đội, chỉ sau đúng một ngày, Thanh niên đã nhận được hàng vạn bình luận từ trong và ngoài nước gửi về. Thậm chí, tôi còn đọc được những lời chia sẻ của các bạn đang học tập ở nước ngoài, rằng nếu Tổ quốc xảy ra nguy biến, họ sẵn sàng trở về để bảo vệ”, ông chia sẻ và nhận ra rằng, có lẽ thi ca yêu nước có sức mạnh lớn tạo nên sự quan tâm của bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. “Có một thời gian, người ta nói bạn đọc quay lưng lại với thi ca, nhưng tôi tin rằng thi ca yêu nước vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lòng mỗi trái tim người Việt, nhất là khi đất nước đối mặt với nguy cơ bị xâm lăng”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xúc cảm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, sáng tác về biên giới, hải đảo là mảng đề tài văn học ngày càng lớn mạnh, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà văn, nhà thơ. “Ngay trong đợt 1 này, chúng tôi không dám nói đã bao quát toàn bộ các tác phẩm viết từ năm 1975 đến nay, vì thời gian thông báo tổ chức chỉ vỏn vẹn 2 tháng. Có thể thông tin chưa bao phủ rộng khắp, chưa đến với một số đối tượng nhưng phải có mở đầu, có những bước đi đầu tiên thì mới có thể mở mang phát triển được những bước tiếp theo. Do đó với những tác giả, tác phẩm còn bỏ sót sẽ tiếp tục đưa vào xem xét trong đợt tiếp theo”, ông cho biết. 

 TRUNG HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top