Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảy năm thực hiện Luật Xuất bản: Nhiều chính sách vẫn "nằm nguyên" trong luật

Thứ Sáu 27/11/2020 | 10:38 GMT+7

VHO- “Luật Xuất bản năm 2012 đã đem lại nhiều khởi sắc cho hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, trước xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những cải tiến, thay đổi về chính sách pháp luật có liên quan, những biến động của thực tiễn, Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhiều chính sách chưa được triển khai…”.

 Hội nghị có sự tham gia của nhiều cơ quan chủ quản, nhà xuất bản trên cả nước

 Đó là những vấn đề được nêu ra tại hội nghị toàn quốc về sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản do Bộ TT&TT tổ chức vừa diễn ra tại HN.

Bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế

Với tốc độ phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước, cùng với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại, đó là qua 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, số lượng thủ tục hành chính còn nhiều, thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính dài, dẫn đến có thời điểm một số thủ tục thực hiện chậm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản. Đặc biệt có những chính sách cho hoạt động xuất bản chưa được triển khai; việc hỗ trợ kinh phí đầu tư hiện đại cho các hoạt động xuất bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Một số nơi chưa sử dụng hiệu quả ngân sách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản còn chậm...

Đại diện Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, các điều luật đề cập đến cơ chế, chính sách chủ yếu vẫn nằm trong Luật chưa được cụ thể hóa và vận dụng hiệu quả trong thực tiễn. Một số cơ quan chủ quản chưa nhận thức tầm quan trọng của hoạt động xuất bản, chưa có chính sách, giải pháp hỗ trợ đơn vị các điều kiện về nhân lực, vốn, cơ sở vật chất..., chỉ coi nhà xuất bản hoạt động như một doanh nghiệp đơn thuần dẫn đến năng lực hoạt động của đơn vị ngày một yếu kém; việc đầu tư cho xuất bản điện tử chưa được quan tâm khi số ấn phẩm xuất bản điện tử có xu hướng giảm dần do không đủ điều kiện, năng lực triển khai trong đầu tư công nghệ chuyển đổi số, phát hành xuất bản phẩm điện tử còn thưa thớt, chưa bắt kịp xu hướng chung của khu vực và thế giới.

PGS.TS Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng chỉ ra rằng, Điều 7 Luật Xuất bản đã quy định rất rõ về các chính sách cụ thể, ưu đãi cho từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, như: ưu đãi thuế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà xuất bản; đặt hàng xuất bản; mua bản thảo có giá trị và hỗ trợ mua bản quyền; ưu đãi lãi suất vay vốn... Mặc dù vậy, sau 7 năm, mới chỉ có 3 chính sách đi vào thực tế, các chính sách của Nhà nước còn lại hầu như chưa thể triển khai hoặc triển khai còn chậm, mức độ rất hạn chế hoặc triển khai thiếu toàn diện. Một trong những chính sách được Hội Xuất bản Việt Nam hết sức quan tâm và đã kiến nghị nhiều cấp là việc xây dựng quỹ hỗ trợ xuất bản tạo nguồn bản thảo được quy định cụ thể tại Điểm C, Khoản 2, Điều 7 Luật Xuất bản nhưng hầu như chưa có một bước tiến nào trong thực tiễn từ năm 2012 đến nay…

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nêu điểm nghẽn trong quản lý xuất bản phẩm, đó là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ xuất bản chưa theo kịp với công nghệ mới, chưa cụ thể chính sách cho phát triển sách điện tử ebook, in gia công cho nước ngoài… Vì thế, Luật Xuất bản là điều kiện cần nhưng cần phải thống nhất, phù hợp và là “điểm tựa” để các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hợp tác thương mại, kinh tế, quốc tế.

 Sách lậu, sách kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan

Khó khăn trong chuyển đổi sang nền xuất bản hiện đại

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề phát hành sách trên mạng Internet. Trong đó, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, hiện nay, xu hướng số hóa và các ích lợi của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng và không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio books, mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video… thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm: Sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (ví dụ bút chấm đọc).

Trong khi đó, một số quy định trong Luật Xuất bản không còn phù hợp hoặc không đầy đủ, bao quát. Cụ thể, theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 36 Luật Xuất bản, đơn vị đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm phải “Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm”, tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hoạt động kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm trên mạng internet (kinh doanh online), nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm sẽ có chung văn phòng và địa điểm kinh doanh; hoặc chỉ thuê một “gian hàng” trên các sàn giao dịch điện tử để kinh doanh, giới thiệu xuất bản phẩm.

Thực tế hiện nay cho thấy, kinh doanh sách online hiện đang chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời phát sinh hoạt động phát hành, kinh doanh sách kèm các chương trình, hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp (sản xuất kinh doanh đồ chơi, thiết bị giáo dục, phát hành tài liệu phục vụ giáo dục - đào tạo của các cơ sở đào tạo...). Nếu như với loại hình kinh doanh truyền thống, sách sẽ được trưng bày, lưu trữ tại các cửa hàng, kho hàng, các cơ quan chức năng khác nhau có thể tiến hành kiểm tra tính hợp pháp của xuất bản phẩm đang được phát hành. Tuy nhiên, với xuất bản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử, các trang web bán hàng online, sách sẽ được chuyển thẳng từ người bán đến tận tay bạn đọc. Thực tế, bạn đọc phải nhận sách giả, sách kém chất lượng đã xảy ra khá phổ biến. Vì thế, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học cho rằng, cần gấp rút xây dựng, hoàn thiện chế tài xử lý mạnh mẽ, triệt để đối với vấn nạn sách lậu, sách giả…

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphabooks cũng cho rằng, các quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thay đổi, cập nhật để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển. Các cơ quan quản lý xuất bản cần dịch chuyển và nâng vị thế của mình từ kiểm soát sang hỗ trợ việc chuyển đổi nền xuất bản, nhà xuất bản truyền thống sang nền xuất bản hiện đại với hàm lượng tri thức và công nghệ lớn hơn. Hướng tới đưa công nghệ vào hỗ trợ hệ thống quản lý nhà nước về xuất bản, bao gồm: đăng ký xuất bản, lưu chiểu, phát hành… cho tới sử dụng AI trong việc hỗ trợ hậu kiểm, xây dựng và thiết lập Platform - nền tảng quản trị xuất bản điện tử thống nhất.

Còn theo đại diện NXB Tư pháp, để đẩy mạnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử đáp ứng xu thế chung của thời đại, Bộ TT&TT, Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu, triển khai giải pháp thực hiện Đề án chung mang tính tổng thể và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Việc này giúp các nhà xuất bản không phải đầu tư quá lớn về kinh phí phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà vẫn có thể tham gia vào quá trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. 

 Điều 7 Luật Xuất bản đã quy định rất rõ về các chính sách cụ thể, ưu đãi cho từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, như: ưu đãi thuế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà xuất bản; đặt hàng xuất bản; mua bản thảo có giá trị và hỗ trợ mua bản quyền; ưu đãi lãi suất vay vốn... Mặc dù vậy, sau 7 năm, mới chỉ có 3 chính sách đi vào thực tế, các chính sách của Nhà nước còn lại hầu như chưa thể triển khai hoặc triển khai còn chậm, mức độ rất hạn chế hoặc triển khai thiếu toàn diện. Một trong những chính sách được Hội Xuất bản Việt Nam hết sức quan tâm và đã kiến nghị nhiều cấp là việc xây dựng quỹ hỗ trợ xuất bản tạo nguồn bản thảo được quy định cụ thể tại Điểm C, Khoản 2, Điều 7 Luật Xuất bản nhưng hầu như chưa có một bước tiến nào trong thực tiễn từ năm 2012 đến nay…

(PGS.TS NGUYỄN AN TIÊM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)

 THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top