Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế

Thứ Hai 30/11/2020 | 15:05 GMT+7

VHO- Đó là chủ đề Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức sáng nay, ngày 30.11. Hội thảo có sự tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, các địa phương, cơ quan và đơn vị khắp cả nước. Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (1.12.1920- 1.12.2020).

 

Đến dự Hội thảo có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL)...

Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Chứng kiến cảnh người dân sống cơ cực, nghèo khổ dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937, và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi mới 18 tuổi (tức năm 1938).

Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế". Ảnh: S.T

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng: Trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù ở bất kỳ cương vị công tác, điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc – phục vụ nhân dân; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tri thức, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết liệt trong mọi công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí Lê Đức Anh đã hoạt động trong các hội Ái hữu tại Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Can, Xa Cát. Đầu năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chuẩn bị đấu tranh vũ trang. Đặc biệt, tháng 8.1945, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ơ Hớn Quản và Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đồng chí Lê Đức Anh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn đến Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Đặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa bàn, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu” và đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), đồng chí Lê Đức Anh được Đảng giao các chức vụ: Cục phó Cục Tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực- Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây- Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Trên các cương vị, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Tổng Quân ủy, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh miền Nam, hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: S.T

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm các trọng trách: Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp Campuchia; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 4, 5, 6, 7 và 8; Bí thư Trung ương Đảng khóa 7; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa 5, 6, 7 và 8; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 8; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ tháng 9.1992 đến tháng 12.1997; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4.2001…

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu thông tin rằng: Thừa Thiên Huế là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đồng chí đã để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế niềm tự hào, kính trọng và những tình cảm sâu đậm về một vị tướng tài đức vẹn toàn, vị Chủ tịch nước gần gũi, giản dị và thân thương… Đồng chí luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng chăm lo cho đời sống của Nhân dân, của đồng bào, chiến sĩ; phải đoàn kết, đồng lòng tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

Những ý kiến, tham luận được trình bày tại hội thảo sẽ góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu để khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Đức Anh; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Lê Đức Anh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 400 đại biểu. Ảnh: S.T

Ông Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, với ý nghĩa to lớn nói trên, hội thảo cần tập trung thảo luận một số số nội dung quan trọng: Thứ nhất, tập trung thảo luận, khẳng định cuộc đời, sự nghiệp cách mạng gian khổ nhưng vẻ vang của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, làm rõ công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là đối vưới thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, phân tích và làm sâu sắc hơn những quan điểm, tư tưởng của đồng chí Lê Đức Anh về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh cách mạng cũng như sự nghiệp đấu trang chống ngoại xâm giành lại độc lập, tự do dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội Nhân dân vững mạnh toàn diện; củng cố quốc phòng; mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.

Thứ tư, khẳng định những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và cuộc sống bình dị của đồng chí Lê Đức Anh, góp phần giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng quê hương Thừa Thiên huế cho các thế hệ người Việt Nam, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thứ năm, thông qua kết quả của Hội thảo này, cần đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như tấm gương học tập, phấn đấu, rèn luyện, cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh cho đất nước, cho dân tộc; đồng thời tổ chức thêm các hoạt động thiết thực để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu thêm, hiểu rõ và tự hào về nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam.

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top