Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Hồn vía” đô thị ngày càng mất dần

Thứ Sáu 04/12/2020 | 11:04 GMT+7

VHO- Tham gia với “Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM: Thực trạng và giải pháp”, chủ đề của buổi tọa đàm diễn ra hôm qua 3.12, một lần nữa nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã khẳng định tầm quan trọng của không gian văn hóa công cộng của một đô thị trong quá trình hội nhập và phát triển.

Triển lãm các tác phẩm đoạt giải của sinh viên về cuộc thi thiết kế không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM do Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, không gian văn hóa đô thị tại TP.HCM đang bị thu hẹp dần sau quá trình quy hoạch, cần nhanh chóng có những giải pháp cấp thiết để khôi phục.

Rất thiếu và nghèo

Nói về vai trò của không gian văn hóa công cộng, TS.KTS Vũ Việt Anh, Hội Kiến trúc sư TP khẳng định, giá trị của không gian công cộng ở đây không còn mang ý nghĩa định tính mà còn là chất lượng sống cho con người đô thị. Chính con người, thái độ của người dân đô thị và chính quyền đô thị mới là yếu tố quan trọng, quyết định đối với sự sống còn và chất lượng, hiệu quả của không gian công cộng đô thị.

Theo nguyên Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo, không gian văn hóa công cộng của TP đang rất thiếu và nghèo. Trong quá trình quy hoạch, TP đã làm mất một số di sản văn hóa, mất đi hồn cốt của đô thị. Không gian văn hóa công cộng ở đô thị có vai trò làm tăng sự gắn bó dân cư, khuyến khích sự tương tác xã hội; thể hiện bản sắc, lối sống của cư dân đô thị; tạo môi trường sinh thái, văn hóa, thẩm mỹ,… Các vấn đề đặt ra về phát triển không gian văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là làm sao để các di sản văn hóa sống cùng TP đòi hỏi phải được quan tâm đúng mức”, bà Thảo nhấn mạnh. Bà Thảo còn nói rằng, những năm gần đây TP có thêm đường đi bộ nhưng cần đầu tư để có thêm những nội dung văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo sự phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Không gian trước Nhà hát TP, trước Bưu điện TP có dàn nhạc biểu diễn định kỳ nhưng chưa có sự tương tác với cộng đồng, chỉ phục vụ người qua đường thì chưa đủ. Theo bà Thảo, tượng đài cần được quy hoạch lại, những tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc cần được sắp đặt sao cho hài hòa với kiến trúc, cảnh quan… trong đó cần có sự đầu tư, đặt hàng của Nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật TP thì cho biết TP.HCM bước đầu quan tâm đến hệ thống không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cư dân, hình thành những điểm nhấn nhất định trong bức tranh đô thị của TP. Tuy nhiên, không gian công cộng ở TP vẫn chưa được quy hoạch, quản lý và phát triển đúng tầm, tương xứng với tốc độ đô thị hóa và tầm nhìn phát triển chiến lược TP. Từ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thực thi trong thực tiễn đều đang bộc lộ những điểm thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả đối với hầu hết các loại hình không gian công cộng. Đối với những không gian hiện hữu, một số địa điểm thiết kế còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa hội tụ được sức sống, sức hút đối với cộng đồng cư dân đa dạng.

“Sử dụng công trình cũ cho một công năng mới”

Bàn về giải pháp kiến tạo, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng trước tiên là nhận thức và quyết tâm của các cấp lãnh đạo, của cơ quan quản lý. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh nói rằng, TP.HCM cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đối với việc rà soát tổng thể quy hoạch hệ thống không gian, cần đặc biệt chú ý đến tính liên thông chặt chẽ, hợp lý, phục vụ sự phát triển lâu dài, bền vững, tạo năng lực tăng trưởng và là biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của TP. Công tác xây dựng các không gian công cộng mới của TP phải xác định tính chất nền tảng là yếu tố ven sông gắn với các lớp văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ. Việc thiết kế và xây dựng không gian công cộng phải theo hướng thân thiện, gần gũi, hiện đại, giàu sức sống và bản sắc.

Nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ nhiều dự án thành công trên thế giới, ông Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP hiến kế, các đô thị trên thế giới đang có xu hướng sử dụng các công trình cũ mang dấu ấn lịch sử. Đối với TP.HCM, đây là một giải pháp sáng tạo mang tính thực tiễn cao để giải quyết nhu cầu về không gian công cộng, nhất là khu vực nội thành hiện hữu. Về cơ bản, việc “sử dụng công trình cũ cho một công năng mới” sẽ bảo tồn được các công trình có giá trị di sản để lưu giữ ký ức đô thị; truyền tải những thông điệp mang tính lịch sử phục vụ công tác giáo dục thông qua việc bảo tồn và chuyển đổi chức năng của một số công trình cũ mang dấu ấn lịch sử; tăng nguồn thu từ việc khai thác các công trình này; tạo nguồn cảm hứng sáng tạo và giá trị trải nghiệm không gian khác đặc biệt cho người dân và du khách;… Theo ông Hải, TP.HCM cần kiểm kê các khu đất, khu không gian không sử dụng hoặc ít sử dụng tại khu vực đô thị hiện hữu, đánh giá tiềm năng đối với các không gian này để phục vụ mục đích phát triển không gian công cộng…

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP, khu vực trung tâm TP tập trung nhiều công trình và cảnh quan được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là những công trình đẹp về kiến trúc và ẩn chứa trong đó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người TP. Sự biến đổi về kiến trúc và cảnh quan khu vực trung tâm TP làm thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, chính nhờ những mối quan hệ này mà trước đây, khu vực này có những không gian giao tiếp độc đáo và đặc trưng của đô thị Sài Gòn…

“Để phát triển không gian văn hóa công cộng, nhất là ở khu vực trung tâm, vấn đề lớn là phải có sự nhận thức đầy đủ của cấp lãnh đạo, quản lý. Việc tạo dựng và phát huy hiệu quả các công trình văn hóa cần được lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và ý kiến người dân”, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhấn mạnh. 

TÙNG THƯ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top