“Biệt phủ” mọc tự nhiên trong danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng”: Xây dựng không phép lại nằm trong khu vực di tích

VHO- Đó là khẳng định của Sở VHTT Bình Định trong báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) sau khi Văn Hóa có bài “Biệt phủ “mọc tự nhiên” trong danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng” (số 3486, ra ngày 9.11). Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và đã làm rõ, đây là công trình xây dựng không có giấy phép.

“Biệt phủ” mọc tự nhiên trong danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng”: Xây dựng không phép lại nằm trong khu vực di tích - Anh 1

 Hàng chục bậc tam cấp với hàng ngàn viên đá chẻ được xây mới và xếp ngay hàng cao lừng lững...

Thế nhưng, chủ nhân công trình vẫn cho rằng đây là đất của họ thì có quyền xây nhà, không làm gì sai phạm.

Buông lỏng quản lý, chưa cắm mốc giới!

Sau khi Văn Hóa có bài phản ánh về một công trình “biệt phủ” của ông Phan Phi Hổ, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Bình Định xây dựng trong khu vực danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng (danh thắng Ghềnh Ráng), Cục Di sản văn hóa đã có văn bản số 767/DSVH-DT gửi Sở VHTT Bình Định yêu cầu kiểm tra và báo cáo về việc xây dựng công trình trong danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Báo cáo của Sở VHTT Bình Định gửi Cục Di sản văn hóa khẳng định, thắng cảnh Ghềnh Ráng thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng tại Quyết định số 2009/ QĐ ngày 15.11.1991. Theo hồ sơ xếp hạng di tích, khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng được thể hiện bao gồm toàn bộ khu vực núi Xuân Vân, với các giới cận: Phía Đông giáp biển Quy Nhơn, phía Tây giáp núi Vũng Chua, phía Nam giáp khu điều trị phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa), phía Bắc giáp bãi biển Ghềnh Ráng và khu dân cư (nay là khu resort Hoàng Gia thuộc phường Ghềnh Ráng). Sở VHTT Bình Định cũng thừa nhận, năm 1991, khi lập hồ sơ xếp hạng di tích, việc đo đạc để lập biên bản, bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích chỉ căn cứ vào bình độ của núi Xuân Vân mà không có tọa độ cụ thể.

Năm 2014, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương cho phép đầu tư dự án Khu Du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2) nay là dự án Khu Du lịch núi Xuân Vân nhằm gắn kết hài hòa với Khu Du lịch giai đoạn 1 hiện có, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến với danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, nên Ban Quản lý Di tích tỉnh Bình Định (nay là Bảo tàng tỉnh) chưa tổ chức cắm mốc giới khu vực bảo vệ danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng. Được biết, theo hồ sơ di tích năm 1991, danh thắng Ghềnh Ráng có diện tích 50 ha. Tuy nhiên, sau khi đo đạc theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định về Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu Du lịch núi Xuân Vân, danh thắng này với tổng diện tích 137,37 ha và đã được Bộ VHTTDL có văn bản thỏa thuận tại văn bản số 2294/ BVHTTDL-DSVH ngày 19.6.2020.

“Biệt phủ” mọc tự nhiên trong danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng”: Xây dựng không phép lại nằm trong khu vực di tích - Anh 2

 Biệt phủ được xây dựng trong danh thắng Ghềnh Ráng

Cần xử lý dứt điểm

Cũng theo báo cáo của Sở VHTT Bình Định, qua kiểm tra hiện trạng, làm việc với ông Phan Phi Hổ, khu đất mà ông xây dựng “biệt phủ” nằm ở vị trí phía Đông Nam chân núi Xuân Vân, tiếp giáp với Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Theo ông Hổ, tổng diện tích đất ông đang sử dụng là 700 m2 (trong đó có căn nhà cấp 4 khoảng 40 m2).

Khu đất này được ông Hổ và ông Lê Minh Tài khai hoang từ trước năm 1990 để tăng gia sản xuất và làm nhà ở để phục vụ canh tác, đồng thời xây một số đoạn kè đá nhằm mục đích chống xói lở đất từ thời điểm đó. Năm 2015, ngôi nhà được sửa chữa lại như hiện trạng. Phần tường rào ở dọc mép đường ngăn cách với khu đất này là của Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa xây dựng và quản lý, không phải tường rào của ông. Như vậy, đất và nhà của ông Hổ đã được ông khai hoang, sử dụng từ trước khi di tích được xếp hạng, không xâm phạm di tích và đây chỉ là ngôi nhà cấp 4, tường xây, mái lợp ngói bình thường, không phải là công trình “biệt phủ nguy nga”.

Còn nữa, báo cáo Sở VHTT Bình Định cho rằng, trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ đề xuất UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL cho chủ trương điều chỉnh diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng và tiến hành cắm mốc giới di tích để đảm bảo công tác quản lý, phát huy di tích một cách hiệu quả, gắn kết với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, tại biên bản làm việc ngày 14.11.2020 của UBND phường Ghềnh Ráng, ông Phan Phi Hổ cho rằng, diện tích ông đang xây dựng công trình nhà ở trên núi Xuân Vân là đất rẫy do ông và ông Lê Minh Tài khai hoang từ năm 1984 không có tranh chấp. Khu đất ông xây dựng công trình nhà ở không nằm trong phần quy hoạch khu du lịch đồi Ghềnh Ráng được UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn.

Qua làm việc, UBND phường Ghềnh Ráng yêu cầu ông Hổ giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng công trình mới. Khi nào được cấp thẩm quyền cho phép mới được xây dựng. Đề nghị ông Hổ phải làm thủ tục hồ sơ xin phép xây dựng theo quy định đối với công trình. Sau các báo cáo của các đơn vị, chúng tôi đã quay trở lại và được một lãnh đạo của UBND phường Ghềnh Ráng khẳng định: “Khu đất ông Hổ xây dựng công trình trước kia đã giao cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn quản lý để thực hiện dự án Khu Du lịch đồi Ghềnh Ráng từ năm 2004. Nhưng doanh nghiệp không quản lý chặt chẽ để xảy ra việc xây dựng công trình không phép của ông này sau khi báo chí phản ánh, lại đổ trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu ông Hổ thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, nếu không có giấy phép, UBND phường sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt, xử lý theo quy định pháp luật đối với công trình xây dựng không phép”. Một số người dân sống tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng thông tin, “biệt phủ” của ông Phan Phi Hổ xây dựng cách đây gần một năm, nằm ngay cạnh phiến đá tượng Đức Mẹ Maria. Cuối tuần, ông Hổ thường dẫn bạn bè về đây tham quan và tụ họp, liên hoan.

Chính quyền địa phương đã xác nhận công trình xây dựng trên núi Xuân Vân không có giấy phép xây dựng, nguồn gốc đất vẫn là đất rẫy, trong đó có đất lâm nghiệp và đều chưa chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích đất ông Phan Phi Hổ đang sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng công trình nhà ở và sử dụng đất không đúng mục đích. Đặc biệt hơn, “biệt phủ” xây dựng trái phép trong di tích danh thắng Ghềnh Ráng đã xâm phạm đến di tích mà không bị cơ quan bảo vệ di tích cấp tỉnh Bình Định nhắc đến trong báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa và UBND tỉnh này.

Dư luận đặt câu hỏi, toàn bộ núi Xuân Vân chính là khu vực 2 bảo vệ di tích của danh thắng Ghềnh Ráng, “biệt phủ” của ông Phan Phi Hổ nằm trong vành đai bảo vệ di tích, và phải chăng do ông Hổ trước đây là cán bộ chủ chốt của tỉnh nên cơ quan chức năng ưu ái, ngại xử lý, buông lỏng cho tồn tại! 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc