Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Sức hút tranh họa sĩ Trần Văn Bình, người không chịu vẽ... đơn giản

Thứ Hai 14/12/2020 | 00:00 GMT+7

VHO-  Triển lãm tranh sơn mài với tên gọi Quê hương của họa sĩ Trần Văn Bình ( 1955-2016) sẽ được Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức từ ngày 16- 21.12.2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Chùa cổ Đường Lâm, 2015

Tại triển lãm, công chúng yêu mỹ thuật sẽ được thưởng thức những bức tranh sơn mài với sắc thái riêng có của họa sĩ Trần Văn Bình. Giới thiệu về họa sĩ và phong cách sáng tác của ông, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng viết, trong khoảng 50 năm qua, các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cố gắng xác định một phong cách riêng trong sáng tác nghệ thuật thuần túy (bên cạnh các mẫu design), mang một phong cách thẩm mỹ có liên quan đến tính công nghiệp. Trưởng thành trong những năm 1970- 1980, họa sĩ Trần Văn Bình cũng nằm trong dòng chảy chung của các họa sĩ ngành design này. Ông làm báo, vẽ tranh cổ động và thiết kế đồ họa ứng dụng, sáng tác hội họa là đời sống cá nhân của ông, nhưng vẫn có âm hưởng chung với ngành nghề mà ông theo đuổi.

Họa sĩ Trần Văn Bình

Quê hương Trần Văn Bình ở miền Quảng Ngãi, nhưng ông đã được sinh ra ngay trên chuyến tàu biển Ba Lan tập kết cuối cùng ra Bắc năm 1955. Lớn lên vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp hệ trung cấp khoa mỹ thuật truyền thống - ngành sơn mài năm 1976, và chính trường này đã làm giấy khai sinh cho ông. Sau một thời gian công tác, ông theo học hệ đại học, khoa mỹ thuật truyền thống - ngành sơn mài, khóa 1983 - 1988 của trường.

Chân dung cụ Thất, 1990, Lụa

“Có thể nói Trần Văn Bình được đào tạo bài bản để trở thành một nhà thiết kế ứng dụng (designer) và thành một nghệ sĩ sơn mài độc lập. Sự nghiệp design của ông nằm trong tình hình chung của sản xuất công nghiệp Việt Nam lúc đó còn rất sơ khai, hầu hết các mẫu mã đều mang tính thủ công, và cũng hầu hết sáng tác bao bì, nhãn mác, tranh áp-phích, logo đều thuộc khu vực của thiết kế đồ họa. Song cũng chính điều đó đã dành thời gian và thúc đẩy ông sáng tác hội họa sơn mài cho riêng mình. Sự qua lại về thẩm mỹ giữa design và hội họa cũng rõ nét qua từng tác phẩm…”, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết.

Chân dung con gái Minh Thu, 2010, sơn dầu

Dưới góc nhìn của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, trừ một vài chân dung người thân được vẽ theo lối hiện thực, Trần Văn Bình đã đi tìm những cấu trúc tự nó trong các tranh phong cảnh, mà không dừng lại ở việc trực họa một cảnh vật nào, ông thường hòa trộn kiến trúc, cảnh quan, cây cỏ, và các chi tiết khác một cách phức hợp, đôi khi nhằng nhịt khó xác định hình thể thị giác. Có thể nói, ông không chịu là một người vẽ quá đơn giản.

Gia đình, 2014, sơn mài

Mặc dầu sống ở miền Bắc từ thơ ấu, nhưng âm hưởng quê hương Quảng Ngãi lại lớn dần trong ông, như một hoài vọng quá khứ. Điều đó cũng chỉ được thực hiện sau những năm 1975-1980, khi có điều kiện đi lại Bắc - Nam, và dần hình thành các loạt sáng tác đồng quê. Nhưng thực ra cảnh vật lại trộn lẫn giữa phong cảnh làng quê đồng bằng Bắc bộ và miền Ngũ Quảng phía Nam. Sự trộn lẫn này dẫn đến cảnh vật không thuần túy một không gian, mà đan xen hư hư thực thực. Mái đình, cây đa, sông nước, núi non, trẻ chăn trâu, người cày ruộng... đan nhập vào nhau, đôi khi không rõ ràng, và trở thành các nhịp điệu trừu tượng trong tranh. Cái nhịp điệu này cũng phát triển dần dần, vì như mọi họa sĩ lúc đó, họ từ từ kết hợp giữa hiện thực và biến đổi thành trừu tượng, chứ không dứt khoát thay đổi ngay, cũng là một hạn chế thời cuộc.

Tuổi thơ, 1997, sơn mài

Loạt vẽ về Tây Nguyên, những năm 1990, cũng là một sự phát triển các đề tài dân gian thông thường, mang tính sắc tộc và tín ngưỡng. Bản thân các biểu tượng, hoa văn, nhà mồ, tượng nhà mồ Tây Nguyên cũng có liên hệ với tâm linh và đặc thù sắc tộc hàng ngàn năm hơn là một cái gì đó thực tại. Những cái đó, làm cho các họa sĩ khai thác nhanh chóng tiếp nhận tính biểu hiện, đôi khi siêu hình, và một đời sống tinh thần luôn tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tại đến không tưởng. Trần Văn Bình bắt đầu để ý đến tính biểu trưng phương Đông trong tranh, như trạng thái Thiền và triết lý âm dương.

Tuổi thơ, 2013, sơn mài

Từ những năm 2000, Trần Văn Bình chú ý nhiều hơn đến sáng tác sơn mài đen trắng - tức là tranh thuần vỏ trứng và sơn then. Ông giảm dần màu sắc trong tranh, nhưng tăng cường tính phức hợp của nhịp điệu, những hình thể nhân gian đi lại, múa may, uốn lượn, đôi khi đượm một sắc thái buồn. Hình như đến năm 2015, ông có cảm giác gần cái chết, nên đẩy nhanh sáng tác của mình. Hàng loạt tranh lớn nhỏ ra đời vắt kiệt sức của ông, nhưng không bộc lộ chút nào yếu đuối than vãn. Đó là loạt tranh về số phận, về đời người, thật rõ ràng trong đen trắng, nhưng cũng thật trớ trêu, vì cái muốn và cái không muốn xảy ra chẳng theo ý con người. Đây là thành công sâu sắc nhất của ông trong cuộc đời sáng tác.

Giai điệu quê hương, 1999, sơn mài

Họa sĩ Trần Văn Bình sinh năm 1955, trên con tàu cuối cùng của Ba Lan chở người tập kết ra Bắc. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Khoa Mỹ thuật truyền thống, ngành sơn mài (khóa 1983-1988). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Hội viên Hội liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ có nhiều tác phẩm dấu ấn, khẳng định niềm đam mê và phong cách sáng tác của ông. Những tác phẩm chính của họa sĩ có thể kể đến gồm: Hội họa, 1978, Bảo tàng Phương Đông, CHLB Đức;  Bạch tuộc, 1984, sơn dầu, Bằng Diplome cuộc thi vẽ áp phích quốc tế về chủ đề Hòa bình tổ chức ở Moskva, Liên Xô; Quê hương, 1990, sơn mài, Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990, hiện thuộc sở hữu và được trưng bày tại Văn phòng Chính phủ; Quê hương vào hội, 2006, sơn mài, 21.6m2, hiện thuộc sở hữu và được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Nhịp, 2010, sơn mài, Giải C Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam; Chùa cổ Đường Lâm, 2015, sơn mài, Giải tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô.

Năm 2013 số 5, sơn mài

Năm 1993, ông triển lãm tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.Từ 1993 đến 2011, họa sĩ tham gia các cuộc triển lãm quốc tế, triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, triển lãm tranh tượng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, triển lãm tranh làng nghề và các triển lãm nhóm. Ông cũng có nhiều tác phẩm nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân ở Mỹ, Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai-len, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển…

Năm 2020, Quê hương là cuộc triển lãm cá nhân mà những người thân yêu trong gia đình tổ chức cho ông, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

NGỌC MAI; ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top