Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đêm huyền diệu thật sự "huyền diệu"

Thứ Hai 28/12/2020 | 10:47 GMT+7

VHO- Buổi công diễn đầu tiên của chương trình nghệ thuật Đêm huyền diệu đã diễn ra trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, từ những nhạc sĩ, biên đạo múa, nhà dàn dựng chuyên nghiệp của sân khấu ca múa nhạc Việt Nam cho tới các cụ già, nam thanh nữ tú, thậm chí các cô bé, cậu bé tầm 5-6 tuổi… tất cả đều ngồi xem một cách đầy thích thú.

 Tiết mục “Xóc xách gậy tiền” với màn trình diễn quần vũ tiết tấu nhanh và vô cùng tự nhiên, hấp dẫn

Có thể nói, với Đêm huyền diệu, các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã thực sự “lột xác” qua hình thức dàn dựng mới lạ, phá cách trong khai thác chất liệu dân gian để tạo nên sức hấp dẫn mới cho một chương trình ca múa nhạc chuyên nghiệp.

Xây dựng thương hiệu Folklore Night

Đêm huyền diệu (tên tiếng Anh Folklore Night) là chương trình nghệ thuật đặt hàng của Bộ VHTTDL đối với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc năm 2020. Chương trình có sự tham gia của ê kíp với những tên tuổi sáng giá: Tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn, biên đạo múa NSƯT Khánh Toàn; Đạo diễn âm nhạc: NSƯT Mạnh Tiến; Biên đạo: NSƯT Thanh Hằng, Phương Vi, Minh Khánh... Đặc biệt là sự góp công của các nghệ nhân diễn xướng dân gian: Lò Thị Ban, Lèo Văn Doan, Long Thị Pheng, Chu Văn Khiêm.

Chương trình bao gồm nhiều tiết mục đặc sắc: Hòa tấu và hát múa Đêm huyền diệu, Gọi vía, Tính tẩu, Lời dặn dò, Khèn mơ, Tắm suối, Xóc xách gậy tiền, Hỉn Xuân, Hồ... hồ hà hề, Fạ moong, Nàng ới qua sông, Thổ cẩm… hàm lượng đậm đặc chất nghệ thuật truyền thống được phối khí, dàn dựng mang phong cách đương đại. Sự kết hợp trình diễn giữa các nghệ nhân dân gian với các nghệ sĩ đương đại đã mang lại hiệu ứng vô cùng đặc biệt. Âm nhạc và các điệu múa, các nghi lễ, sinh hoạt dân gian ở nhiều miền thuộc Tây Bắc, Việt Bắc đã mê hoặc người xem và đưa họ chu du, đắm mình rồi tan biến vào cái huyền diệu sâu thẳm của văn hóa dân gian.

Vẫn là những làn điệu Soong Hao (dân tộc Nùng), Sli, Lượn cọi (dân tộc Tày) hay các làn điệu dân ca Thái... vốn rất quen thuộc, nhưng nay nhờ với phối khí, hòa âm hiện đại và kết hợp của múa, bỗng trở nên cực kỳ hấp dẫn, thu hút. Đêm huyền diệu thực sự là một cuộc chơi Folklore của những người làm nghệ thuật nghiêm túc và chuyên nghiệp. NSƯT, biên đạo múa Lê Khánh Toàn, Tổng đạo diễn chương trình đã lần đầu tiên trong lịch sử Nhà hát mời những nhạc sĩ và biên đạo múa đương đại cùng tham gia dàn dựng để phát huy tối đa sức mạnh của âm nhạc dân gian. Tuy nhiên, đêm diễn lại không lệ thuộc vào hình thức thể hiện truyền thống mà phá cách, lấy những nét đặc sắc tiêu biểu từ làn điệu âm nhạc, đẩy nhanh mọi tiết tấu dàn dựng cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại.

Hai biên đạo múa Vũ Khánh và Phương Vi là những nghệ sĩ của nghệ thuật đường phố từng tu nghiệp tại Singapore và Nhật. Dù chưa từng dàn dựng tiết mục dân gian nhưng với tư duy mang tính ngẫu hứng, họ đã thổi vào các điệu múa của dân tộc H’Mông, dân tộc Dao một luồng sinh khí mới qua Xóc xách gậy tiền và Hồ... Hồ hà hề, bằng màn trình diễn quần vũ tiết tấu nhanh phối hợp giữa ngôn ngữ múa dân gian và phong cách đương đại vô cùng tự nhiên, hấp dẫn.

 Cách dàn dựng kết hợp giữa nghệ thuật dân gian và đương đại đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả

Bảo tồn nghệ thuật dân gian bằng chính nghệ sĩ

Để chuẩn bị cho chương trình, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã cử nhiều cán bộ, nghệ sĩ đi sưu tầm âm nhạc dân gian và kì công đón các nghệ nhân Long Thị Pheng, Chu Văn Khiêng (Lạng Sơn) về dạy các làn điệu Soong Hao của dân tộc Nùng; nghệ nhân Lò Thị Ban, Văn Doan (Sơn La) về dạy hát dân ca dân tộc Thái đen; mời NSƯT Nguyễn Văn Quý (Nhà hát Tuồng VN) về dạy cách đánh trống... NSƯT Thanh Xuân, biên đạo múa, Phó trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: “Là một người làm nghề múa và là một khán giả, tôi đã bị Đêm huyền diệu hút hồn ngay từ tiết mục mở đầu cho đến phút cuối cùng. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã thể hiện rất tốt vai trò là một nhà hát của Bộ khi thu nạp rất sáng tạo và hấp dẫn những nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của mọi vùng miền, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Cách làm này của Nhà hát đã gợi mở cho các tác giả trong việc đi tìm những hướng đi mới để đưa nghệ thuật dân gian gần lại hơn với công chúng đương đại. Đêm huyền diệu đã đạt tới sự hoàn chỉnh của một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp”.

NSND Nông Xuân Ái, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ khi xem các nghệ sĩ của Nhà hát thể hiện. Mặc dù dịch Covid-19 khiến thời gian tập luyện bị ảnh hưởng nhưng các nghệ sĩ từ ca, múa cho tới dàn nhạc đều đã thực sự trưởng thành khi thể hiện rất rõ chất folklore. Tôi ngỡ ngàng và cảm phục khi nghe các em, các cháu, những người mà tôi đã rất thân quen trong suốt mấy mươi năm, thể hiện và hát các làn điệu âm nhạc dân gian. Họ đã lĩnh hội rất nhanh khi thể hiện được yêu cầu của đạo diễn và ê kíp sáng tạo, điều này đã mang tới cách diễn, cách hát có chiều sâu cho nghệ sĩ và điều quan trọng hơn cả là họ đã chạm tới cảm xúc của khán giả”.

 Múa Hồ…hồ hà hề và tiết mục Hát múa Thổ cẩm

Nhạc sĩ, NSƯT Minh Tiến, đạo diễn ca nhạc nói: “Khi tham gia dàn dựng âm nhạc cho chương trình, tôi cũng như nhiều nghệ sĩ không hiểu thật rõ nội dung lời hát bằng tiếng dân tộc. Nhưng chính sức hấp dẫn của các giai điệu âm nhạc dân gian đã giúp chúng tôi có cảm hứng để sáng tạo và dàn dựng. Cái cách mà Nhà hát đi nghiên cứu sưu tầm các làn điệu âm nhạc và điệu múa dân gian là cách để gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc. Bảo tồn nghệ thuật dân tộc chính trong mỗi người nghệ sĩ là cách bảo tồn hiệu quả nhất. Tôi cho rằng, với quốc tế hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian như thế này chính là cách giới thiệu ấn tượng nhất và khiến họ bị chinh phục nhanh nhất”.

Được biết, dự án nghệ thuật Folklore Night - Đêm huyền diệu của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sẽ không chỉ dừng lại ở một chương trình mà Ban giám đốc và các nghệ sĩ quyết tâm sẽ tiếp tục gây dựng để cái tên này trở thành một thương hiệu nghệ thuật riêng đi cùng năm tháng. Sự thành công của Đêm huyền diệu đã giúp cho nghệ thuật dân gian không những được bảo tồn mà còn tạo nên sức hấp dẫn và thu hẹp khoảng cách với mọi đối tượng khán giả, nhất là lớp trẻ. 

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top