Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Không gian Áo dài ngũ thân trong ngôi nhà di sản

Thứ Hai 18/01/2021 | 11:34 GMT+7

VHO- Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa áo dài truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân, cuối tuần qua BQL Phố cổ Hà Nội phối hợp với CLB Đình làng Việt tổ chức khai trương không gian đặc biệt: Áo dài ngũ thân trong Ngôi nhà Di sản.

 Không gian áo dài Ngũ thân trong Ngôi nhà Di sản Ảnh: VŨ TÀI

 Tại địa chỉ Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), công chúng sẽ có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị của trang phục Áo dài truyền thống. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, việc khai trương Không gian Áo dài ngũ thân trong khu vực phố cổ Hà Nội sẽ giúp công chúng tiếp cận gần hơn với áo dài truyền thống, giúp khách du lịch được tham quan, trải nghiệm quảng bá rộng rãi hơn trang phục áo dài truyền thống ra với cộng đồng.

Ông Bình cũng chia sẻ, trên con đường tìm về bản sắc Việt, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống hiện nay, thời gian qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài truyền thống Đình làng Việt đã cùng các nghệ nhân may, dệt vải ở Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh, thành khác trong cả nước nghiên cứu may, mặc, tổ chức trình diễn, quảng bá nhằm đưa trang phục áo dài truyền thống, đặc biệt là áo dài ngũ thân vào đời sống đương đại. “Áo dài hiện đại ngày nay, tiền thân là Áo ngũ thân tay chẽn đã trải qua biến động của thời gian. Hình ảnh nguyên bản của trang phục Áo dài truyền thống đã mất dần trong đời sống hiện đại, đặc biệt là trang phục Áo dài dành cho nam giới…”, ông Bình cho biết. Bà Trần Thị Thuý Lan, Phó trưởng BQL Phố cổ Hà Nội chia sẻ, đã từ lâu Áo dài trở thành trang phục quen thuộc của mọi người, đặc biệt là Áo dài dành cho nữ giới. Tuy nhiên, trải qua sự biến động của lịch sử, sự phát triển của đời sống xã hội, chiếc áo dài truyền thống cũng đã bị mai một và nhiều người không còn biết được những đặc điểm, vẻ đẹp của áo dài truyền thống.

Trong các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản truyền thống, BQL Phố cổ Hà Nội thường xuyên tổ chức các chương trình nhằm tôn vinh áo dài như triển lãm, trình diễn, hội thảo, tọa đàm… Các hoạt động đó đã thu hút được công chúng, các đơn vị, cá nhân tham gia, phần nào quảng bá được các giá trị áo dài truyền thống và áo dài hiện đại của cả nam và nữ. Cũng theo BQL Phố cổ Hà Nội, trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2020, công chúng dành nhiều sự quan tâm tới Áo dài truyền thống. Đã có nhiều người mong muốn tìm hiểu sâu về áo dài, về cách may, cách mặc. Nhiều đơn vị, cá nhân trong nước đã có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm tôn vinh Áo dài truyền thống Việt Nam. Vào dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.2020, BQL Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt tổ chức Ngày hội áo dài truyền thống. Hoạt động này đã tạo sự thu hút đối với cộng đồng, các nghệ nhân may, dệt quan tâm hưởng ứng.

Để công chúng tiếp tục có điều kiện tiếp cận với áo dài truyền thống được tốt hơn, BQL Phố cổ Hà Nội tổ chức trưng bày, giới thiệu áo dài truyền thống tại Ngôi nhà Di sản từ ngày 16.1.2021. Tại đây, trưng bày các sản phẩm trang phục áo dài ngũ thân truyền thống của các nghệ nhân: Năm Tuyền (TP. HCM), Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa), Đặng Duy Linh (Vạn Phúc, Hà Đông); trưng bày các sản phẩm lụa của các nghệ nhân: Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức), Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông), Phạm Văn Thực (Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam)... Đây là những nghệ nhân luôn quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống, đưa các giá trị này từng bước phù hợp với đời sống văn hóa đương đại. Ông Bình nhấn mạnh, việc khai trương Không gian Áo dài ngũ thân trong Ngôi nhà Di sản, với hoạt động văn hoá giới thiệu áo dài truyền thống tạị khu vực Phố cổ Hà Nội mang đến nhiều ý nghĩa, lan tỏa đến đông đảo công chúng tình yêu với áo dài, với những di sản cha ông ta để lại. Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp đến gần là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động lễ hội có các nghi lễ truyền thống, và trang phục áo dài sẽ là một sự lựa chọn phù hợp nhất với người dân khi tham gia các hoạt động này.

“Ban tổ chức hy vọng hoạt động giới thiệu về áo dài truyền thống tại thời điểm này, nhất là trong không gian của Ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây sẽ đem lại nhiều cảm xúc với khách tham quan cũng như những người dân khi tham gia trải nghiệm…”, ông Bình nói. Đặc biệt tại đây, bên cạnh việc giới thiệu, trưng bày sản phẩm Áo dài của các nghệ nhân, khách tham quan có dịp được tiếp xúc với các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân may, nghệ nhân dệt lụa và sẽ được tư vấn cách may, cách mặc áo dài. Hằng tuần sẽ diễn ra các buổi tọa đàm, trao đổi giữa nghệ nhân, nhà nghiên cứu, công chúng về cách may, mặc áo dài truyền thống. Ông Bình trăn trở, hiện nay số nghệ nhân chưa nhiều, nhưng cũng đã có nhiều nghệ nhân ở các địa phương tình nguyện tham gia, đây là tín hiệu tốt cho việc quảng bá áo dài truyền thống. Trong thời gian tới, Trung tâm vẫn bám sát việc hỗ trợ cộng đồng tìm hiểu, may, mặc áo dài cho đúng với bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm các nghệ nhân, nhà may, cơ sở dệt vải đồng hành trong việc may, sản xuất các nguyên liệu để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ cộng đồng. 

 VY NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top