Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội: Sôi động thị trường hoa Tết

Thứ Tư 20/01/2021 | 14:09 GMT+7

VHO- Để đáp ứng nhu cầu chơi hoa ngày Tết của người dân Thủđô, trên nhiều tuyến phố các tiểu thương đã tấp nập chuẩn bị cho mùa hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giống như các năm trước, thị trường cung ứng hoa Tết Tân Sửu rất đa dạng, phong phú. Trong đó Đà Lạt và Sa Pa vẫn là hai địa phương có số lượng hoa cung ứng nhiều nhất cho người dân Hà Nội lựa chọn. Cùng với những loài hoa có nguồn gốc từ trong nước, các đơn hàng hoa Tết được tiểu thương đặt từ Hàn Quốc, Thái Lan, nhất là Trung Quốc cũng đã kịp về nước trong thời điểm này. 

Những chợ hoa, phố hoa lớn như Kim Ngưu, Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân, Phạm Hùng... luôn là địa điểm được người mua tìm đến tham quan nhiều nhất. Ngoài những loại hoa truyền thống như: Đào, quất, mai... được các nhà vườn trong nước tung ra thị trường, còn có sự xuất hiện nhiều loại hoa được nhập khẩu từ Trung Quốc như: Lan hồ điệp, đỗ quyên, hồng trà... 

Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hoa không ngần ngại chia sẻ,chất lượng hoa Trung Quốc kém hơn hoa trong nước do quãng đường vận chuyển sau thu hoạch xa. Đặc biệt, năm nay một số vùng trồng hoa ở Trung Quốc như Côn Minh, Quảng Tây, Quảng Đông mùa đông tuyết rơi dày đặc, thời gian chiếu sáng/ngày cho hoa không đảm bảo. Trong khi đây là điều kiện quan trọng để hoa có chất lượng tốt.

Anh Nguyễn Văn Hà, một chủ cửa hàng kinh doanh hoa trên đường Lạc Long Quân - Hà Nội thông tin: "Người tiêu dùng đi mua hoa thấy màu sắc bắt mắt, giá rẻ thì mua về chơi. Nhưng những loại hoa nhập từ Trung Quốc có giá rẻ thì cây lại không bền, chỉ chơi được chừng nửa tháng là hoa bắt đầu héo".

Tết năm ngoái anh Trần Quốc An (Tây Hồ- Hà Nội) có mua một chậu lan Hồ Điệp được nhập khẩu từ Đài Loan về chơi nhưng đến ngày 30 Tết thì các cánh hoa đã co lại. Anh An thông tin: "Thấy người bán hàng quảng cáo lan Hồ điệp nhập từ Đài Loan đẹp nhất nên cũng mua về chơi, nhưng hoa xuống mã rất nhanh, mình lại phải vội vàng tìm mua loại hoa khác để thay thế. Năm nay, để có thể tìm mua được chậu hoa lan ưng ý mình quyết định đi tham khảo thị trường từ sớm".

Thực tế từ nhiều năm nay các loại hoa cây cảnh có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã tràn ngập ở các cửa hàng hoa trong nước. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi  giá thành của hoa trong nước và nhập khẩu chênh lệch rõ rệt. “Tâm lý của người dân chỉ thấy bắt mắt, giá cả phải chăng thì mua, chứ ít khách hàng hỏi nguồn gốc xuất xứ" chị Vương Thị Bảy, chủ cửa hàng hoa trên đường Bưởi - Hà Nội thông tin thêm.

Trong khi hoa ngoại đang chiếm nhiều ưu thế, thì các loại hoa trong nước lại có giá khá cao. Như cùng một mẫu lan Hồ Điệpđược chuyển ra từ Đà Lạt giá khoảng 300-400 nghìn đồng/cành. Hoa nhập từ Sa Pa có giá 500-700 nghìn đồng/cành. Hàng nhập từ Trung Quốc chỉ có giá khoảng 250 nghìn/cành. Với giá cả này thì mỗi chậu lan trong nước lên tới cả chục triệu đồng. Thậm trí tại khắp các gian hàng trưng bày trên các tuyến phố, người mua đều có thể tìm thấy hàng chục chậu hoa được treo biển từ 50 – 90 triệu đồng. Không ít người xem phải xuýt xoa, trầm trồ vì với giá thành như vậy, ít gia đình có khả năng chi trả. 

Cũng trong năm vừa qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của người dân, do đó người trồng và các đơn vị kinh doanh hoa trên cả nước đều "nương" theo tình hình dịch bệnh. Nhiều tiểu thương đã chủ động bày bán các loại hoa có giá thành thấp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo lời của anh Nông Văn Hà chủ cơ sở bán hoa lan trên đường Phạm Hùng: “Số lượng các loại hoa lan năm nay được bày bán tại cửa hàng đã giảm đi phần nào so với Tết năm trước, thay vào đó là các loại hoa bình dân như hoa ly, lay ơn, thược dược... Tâm lý thận trọng của người bán là điều dễ hiểu bởi đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu của mùa hoa Tết Tân Sửu. Nếu sức mua của thị trường mạnh hơn vào những ngày tới thì người kinh doanh sẵn sàng cung cấp ra thị trường những loại hoa đắt tiền”. 

Thông tin tới người tiêu dùng, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt hướng dẫn: “Để phân biệt hoa địa lan Trung Quốc và Đà Lạt, người tiêu dùng cần chú ý đến thông tin trên bao bì có ghi nơi sản xuất, tên thương hiệu, địa phương sản xuất bằng tiếng Việt. Hoa Đà Lạt có chất lượng tốt như nhiều hoa và nở to, màu sắc đẹp, bộ rễ hoa khoẻ. Thời gian hoa trưng từ hai đến ba tháng. Sau khi hoa tàn, nếu người dân tiếp tục chăm sóc, cây tiếp tục cho ra hoa”.

“Đối với địa lan Trung Quốc không có nhiều hoa nở, chỉ có búp, được trồng trong chậu nhỏ. Thời gian trưng hoa tù 20 đến 30 ngày và sau đó là bỏ. Đối với lan Hồ điệp Trung Quốc hoa nở ít, nụ dễ héo, lá không đều, không đẹp…Về giá thì hoa Đà Lạt thường cao hơn hoa Trung Quốc khoảng 40%. Hiện nay hiệp hội hoa Đà Lạt kiến nghị Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng và một số cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hoa Trung Quốc gắn mác hoa Đà Lạt để đảm bảo thương hiệu hoa Đà Lạt và quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiệp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người Việt Nam ưu tiên sử dụng hoa Việt Nam”, ông Sang nhấn mạnh.

Vũ Mừng

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top