Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đi lễ mùa...​​​​​​​ dừng lễ hội

Thứ Sáu 19/02/2021 | 11:18 GMT+7

VHO-  Đầu xuân trẩy hội, đi lễ đền, chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng trong mùa lễ hội Xuân Tân Sửu này, lời hứa “đến hẹn lại lên” dường như không thể thực hiện được. Hàng loạt lễ hội lớn, nhỏ tại nhiều địa phương đều dừng tổ chức cùng các hoạt động khác nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

 Chùa Quán Sứ (Hà Nội) tạm thời đóng cửa theo chỉ thị của thành phố

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong những ngày đầu năm, lượng khách tới các đền, chùa chiêm bái và thực hành nghi lễ tâm linh đã giảm mạnh so với nhiều mùa lễ hội trước. Chưa bao giờ câu nói “đi lễ an toàn trong mùa dịch” lại được truyền tai nhau mạnh mẽ như bây giờ.

Đi lễ an toàn trong mùa dịch

Du xuân phải đảm bảo an toàn. Tại các điểm di tích trên địa bàn Hà Nội những ngày đầu Xuân Tân Sửu, khi “lệnh” tạm đóng cửa chưa ban hành, nhiều người dân và du khách đã đến các đền, chùa, phủ để chiêm bái và thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tri ân các bậc tiền nhân. Chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, đền Bia Bà, chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây), Đền Và (Sơn Tây)… là những điểm đến của đông đảo du khách trong mỗi mùa lễ hội đầu Xuân. Tuy nhiên năm nay du khách không đông. Nhiều người lựa chọn phương án lễ tại gia nhằm chung tay đảm bảo an toàn chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Tố Quyên (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, đến chùa Mía sau giao thừa, không gian ở đây khá vắng vẻ, thanh tịnh so với nhiều năm trước. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy để dâng các mâm lễ lên ban thờ chính như mọi năm. Phần lớn người đi lễ là người dân sống gần khu vực di tích, đến chùa dâng hương cầu may mắn, bình an. Ông Nguyễn Mạnh Phú (phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng chia sẻ, hằng năm cứ vào ngày mồng 1, cả gia đình ông sẽ đi lễ tại đền Và, chùa Mía và một số ngôi chùa gần thị xã. Nhưng năm nay, để hạn chế tập trung đông người, ông đi một mình và chỉ đến chùa Mía cầu bình an, đồng thời không quên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Khu di tích và danh thắng chùa Hương luôn là địa chỉ hành hương của hàng ngàn, hàng vạn lượt du khách mỗi dịp đầu Xuân. Đây cũng là địa chỉ có mùa lễ hội kéo dài nhất cả nước. Tuy nhiên, BQL di tích cho biết, mùa lễ hội Xuân Tân Sửu, thực hiện phòng chống dịch Covid-19, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và BQL di tích, BTC lễ hội chùa Hương đã thông báo tạm dừng đón khách về trẩy hội từ trước dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến trước đó, lễ hội chùa Hương năm 2021 đã đưa ra quyết định sẽ không tổ chức khai hội và cắt bỏ các hoạt động phần hội. Nhưng với diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh tiếp tục khiến chính quyền địa phương quyết định tăng cấp độ, không mở cửa đón khách về trẩy hội. UBND xã Hương Sơn đã thành lập các tổ, đội, tuyên truyền cho du khách và nhân dân về việc dừng các hoạt động lễ hội chùa Hương năm 2021; trực 24/24h tại khu vực bến Yến và các điểm bán vé để tuyên truyền cho nhân dân và du khách.

 Không thể vào trong, nhiều người dân vái vọng ở bên ngoài

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo tạm đóng cửa các di tích kể từ 0h ngày 16.2 nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho công tác phòng chống dịch, các đền, phủ cùng nhiều ngôi chùa, tự viện trên địa bàn thành phố đã có thông báo dừng tiếp khách, dừng tất cả các hoạt động như tụng kinh hằng đêm, các khóa lễ tập trung để phòng, chống dịch Covid-19. Ngày đầu tiên thực hiện việc đóng cửa, người dân không vào được bên trong các đền, chùa đã đứng ngoài vái vọng.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, công văn số 416/BNV-TGCP của Bộ Nội vụ gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và công văn số 21/CV-HĐTS của Hội đồng Trị sự GHPGVN về thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19…, Chư tôn đức tăng ni khuyến khích các phật tử tụng kinh, cầu nguyện tại nhà, gia đình nào cầu nguyện tại gia đình đó, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, nhất là cầu nguyện dịch Covid-19 sớm tiêu trừ; học tập kinh điển, nghe pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng của Giáo hội như Phatgiao.org.vn, Phatsuonline, Giacngoonline và trên các kênh Youtube.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các phật tử nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong và sau dịp Tết Nguyên đán Xuân Tân Sửu. Thực hiện việc dừng tiếp khách, dừng tất cả các hoạt động như tụng kinh hằng đêm, các khóa lễ tập trung để phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời thực hiện khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khỏe nếu đi qua vùng dịch. Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh Covid-19 cho cộng đồng phật tử và nhân dân. Kêu gọi người dân phát giác các trường hợp nhập cảnh trái phép để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, các chùa, tự viện, tín đồ phật tử và nhân dân cần nghiêm túc phòng dịch, nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng theo tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc…”, Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ.

 Những bảng “Thông báo đóng cửa” xuất hiện ngày một nhiều

Lễ tại tâm

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều địa phương, di tích có lễ hội trọng điểm trong cả nước, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh luôn được tăng cường tối đa. Thủ nhang Trần Kim Huệ (phủ Tiên Hương, Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, Nam Định) chia sẻ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phủ Tiên Hương thực hiện công tác phòng chống dịch rất nghiêm ngặt. Nhân dân và du khách thập phương về lễ Mẫu Phủ Dầy bắt buộc phải đeo khẩu trang và sử dụng dung dịch sát khuẩn. Nhà đền có bố trí nước sát khuẩn và khẩu trang đặt tại các bàn lối ra vào phủ.

Cũng trên địa bàn tỉnh Nam Định, khu di tích Đền Trần, chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) từ trước Tết Nguyên đán đã có quyết định không tổ chức lễ khai ấn đền Trần. Công tác phòng dịch tại địa chỉ này được triển khai thường xuyên, nghiêm túc. Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL di tích Đền Trần, chùa Tháp cho biết, di tích vẫn mở cửa nhưng việc đón tiếp du khách đến lễ bái đầu năm rất hạn chế. “Lượng khách thập phương cũng không đông như mọi năm. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người đi lễ tại di tích được đẩy mạnh qua các hình thức tuyên truyền trên loa, hệ thống biển bảng tại cửa ra vào và tuyên truyền trực tiếp. Những trường hợp không tuân thủ nhà đền kiên quyết không cho vào hành lễ…”, theo ông Bình.

Lễ tại tâm. Có lẽ chưa khi nào hình dung về một khái niệm thực hành nghi lễ trong một bối cảnh cụ thể lại trở nên rõ ràng như vậy. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhận thức rõ sẽ giúp mỗi người dân có tinh thần tốt hơn, thoải mái và nhẹ nhàng hơn trước những khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều lễ hội lớn trên cả nước đã dừng khai hội, các khu di tích đặc biệt cũng tạm đóng cửa đón khách để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, người dân không đi lễ để cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, thuận buồm xuôi gió. Điều này đã dẫn đến tâm lý nhiều người không được thoải mái. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh này, mỗi người dân cần tự mình có cách thức nhất định để củng cố tinh thần, vượt qua khó khăn.

“Nếu chúng ta vẫn có thể đến với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như đền, chùa, hãy nhớ kỹ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để giữ an toàn cho cá nhân và cộng đồng. Trong trường hợp không thể đến được đền, chùa, các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta lắng nghe, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo mà không nhất thiết phải đến trực tiếp. Mỗi người đều cần dành thêm thời gian cho gia đình để thể hiện tinh thần báo hiếu trong dịp đầu năm mới…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

 Lễ cầu an trực tuyến

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ sở thờ tự tại Hà Nội đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động như lễ cầu an, dâng sao giải hạn... theo hình thức trực tuyến. Tại chùa Quán Sứ, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhà chùa vẫn nhận cầu an, giải hạn cho người dân trong tháng Giêng năm Tân Sửu 2021. Các sãi sẽ hướng dẫn người dân gửi đầy đủ thông tin nếu có nhu cầu được làm lễ cầu an, sau đó gửi cho các sư trong chùa viết sớ. Phiếu đăng ký được gửi cho mỗi người ghi rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam chùa Quán Sứ Hà Nội, Phiếu đăng ký cầu an – giải hạn” và có ghi đầy đủ ngày giờ, số thứ tự để vái vọng, nhận lộc. Theo đúng ngày giờ trong phiếu, thầy sẽ làm lễ bên trong chùa và người dân có thể vái vọng ở nhà.

Bên cạnh đó, hình thức làm lễ cầu an trực tuyến được Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các chùa thực hiện để tránh tập trung đông người. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức các lễ cầu nguyện quốc thái dân an (lễ cầu an) trong dịp Tết cổ truyền. Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị toàn thể tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết 5K để cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà.

HOÀNG NGÂN

 PHƯƠNG ANH; ảnh: QUANG TẤN

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top