Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Người viết trẻ không còn tự thân và đơn độc

Thứ Tư 19/05/2021 | 09:48 GMT+7

vho- Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, văn học cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, dường như sáng tác văn chương có những đặc thù riêng mà đại dịch không thể chạm tới. Covid không làm cho những cây bút ngừng viết, hơn thế, họ còn tự tìm kiếm những phương pháp và cách tiếp cận phù hợp để khẳng định bản thân mình.

 Các tác giả trẻ nhận giải thưởng Văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam

 Bởi lẽ mọi tác phẩm được “khai sinh” đều bắt nguồn từ chất liệu cuộc sống được gom góp, vun vén, lắng lại trong hành trình của mỗi tác giả. Chính những khoảng thời gian “tĩnh” khi giãn cách xã hội đã tạo ra sức bật cho lực lượng sáng tác, đặc biệt là những cây viết trẻ.

Dấu ấn của sự tìm tòi

Bạn đọc và công chúng đã thấy một Mùa biến động rất ấn tượng được xuất bản năm 2020 của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. Một gương mặt trẻ nổi bật khác là tác giả Đức Anh (1993) với cuốn tiểu thuyết Đảo Bạo Bệnh đoạt giải C cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 4, giai đoạn 2017-2020 của ngành Công an.

Mảng đề tài biên giới, biển đảo, chiến tranh cách mạng, đời sống đương đại… để lại dấu ấn mạnh mẽ và đưa văn chương bắt nhịp gần hơn với thực tế cuộc sống. Đầu năm 2020, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019), 10 tác giả đoạt giải cao phần lớn là những cây bút thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x: Vũ Thanh Lịch (giải Nhất), Phạm Thu Hà, Bảo Thương (giải Nhì), Trần Thị Tú Ngọc (giải Ba), Nguyệt Chu (giải Tư)... Cuối năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay, bên cạnh các tên tuổi văn chương gạo cội, còn có những tác giả trẻ được ghi nhận như: Đoàn Văn Mật (giải Tôn vinh), Nguyễn Quang Hưng (giải Nhì), Lữ Mai (giải Ba). Cả ba tác phẩm của ba tác giả đoạt giải đều là những trường ca về biển đảo.

Ở phía Nam, đời sống văn học cũng thực sự sôi động. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ra mắt tản văn Chúng ta sống có vui không và tập thơ Bao nhiêu thương nhớ cho vừa có số lượng phát hành tốt, bạn đọc yêu mến. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tiểu thuyết Biên sử nước, đánh dấu sự trở lại của cô ở mảng tiểu thuyết sau gần 10 năm vắng bóng.

Sách nghiên cứu phê bình cũng đóng góp một phần quan trọng vào bộ mặt chung của tổng thể văn học nước nhà. Tại Huế, có ba cuốn sách nghiên cứu phê bình của ba người trẻ đều đáng chú ý. Đó là Phan Tuấn Anh với Những khu vực văn học ngoại biên; Nguyễn Văn Thuấn với Du hành giữa các văn bản - Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975; Nguyễn Văn Hùng với Những thế giới song hành - Từ truyện ngắn đến điện ảnh. Ở trong chính giai đoạn có nhiều khó khăn, thử thách thì sự đổi thay, biến động và câu chuyện về niềm tin, sự sẻ chia… đã được phản ánh sinh động, nóng hổi trong các tác phẩm văn học trẻ.

Các cây bút trẻ đang thiếu gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định: “Những người viết mà chúng ta đang gọi là trẻ thì chỉ mười, hai mươi năm nữa sẽ là chủ nhân quyết định số phận, chân dung của nền văn học tương lai, không ai có thể cưỡng lại quy luật đó”. Chính vì thế, trong buổi công bố Giải thưởng tác giả Trẻ diễn ra vào đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thêm một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt lòng tin vào lực lượng sáng tác trẻ thông qua giải thưởng này và đặt vào hệ thống giải thưởng hằng năm, định kỳ của Hội Nhà văn Việt Nam. Thậm chí tới đây còn trở thành yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược hướng tới kiến thiết một nền văn học hiện đại, cởi mở, dân chủ hơn, đó là niềm hy vọng của chúng tôi”.

Thực tế cho thấy, lực lượng sáng tác trẻ không còn là yếu tố phụ mà đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng được Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm. Ở “sân chơi mới” này, những cá tính sáng tạo và những cách thể hiện khác lạ của người trẻ được tôn vinh, ghi nhận. Nhưng liệu có phải tác giả trẻ ít tự đặt mình vào những khó khăn, chẳng hạn như những đề tài lớn gắn với thời đại, con người, biến động cuộc sống hoặc mang tính dự báo, nói cách khác, những vấn đề về lý tưởng hay quan niệm sống đã không còn khiến họ ráo riết?

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa chia sẻ: “Ngày nay, một khi người đọc đã bội thực với “hiện thực” được cập nhật từng khắc bởi truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội, thì họ tìm đến văn chương không phải để “nhận thức” thực tại. Họ phiêu lưu, thám mã vào “thế giới” bên ngoài thế giới, để mơ tưởng, để giải trí, để tìm quên; hoặc dò vục vào lịch sử, để truy vấn, để nhắc nhớ, để dự phóng. Mà suy cho cùng, chẳng có cái viết nào của những người viết trẻ lại vô can với chính trị, văn hóa, xã hội của thời đại mà họ thuộc về”.

“Cơm áo không đùa với khách thơ” cũng là câu chuyện đáng bàn trong đời sống văn học trẻ hiện nay. Nhà thơ Đoàn Văn Mật cho rằng: “Những người trẻ đang thiếu “bà đỡ” mát tay! Dù rằng vẫn có những NXB luôn ưu ái với tác phẩm của tác giả trẻ nhưng con số này chưa nhiều, bởi việc in ấn, xuất bản, quảng bá cho tác phẩm còn phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường và độc giả”... Ngoài việc Hội Nhà văn sẽ hỗ trợ kết nối người viết trẻ với các NXB thì nên chăng, chúng ta cần một quỹ phát triển văn học từ nguồn xã hội hóa với sự tham gia của những doanh nhân, các nhà tư vấn tài chính yêu văn chương và sẵn sàng đồng hành cùng các nhà văn. Khi ấy tác giả trẻ sẽ tập trung vào trang viết nhiều hơn là “mất sức” cho những khía cạnh bên ngoài. Sáng tác sẽ không còn là một hành trình tự thân và đơn độc. 

 VŨ MỪNG - HÀN THỦY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top