Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quy định “1,5 giây” tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP đối với báo điện tử: Không hạn chế hoạt động quảng cáo

Thứ Hai 31/05/2021 | 10:57 GMT+7

VHO- Liên quan đến một số quy định về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP (Nghị định 38), nhiều chuyên gia quảng cáo và cơ quan báo chí cho rằng, những quy định này khi áp dụng sẽ gây khó khăn cho kinh tế báo chí.

Trao đổi với Văn Hóa, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (Bộ VHTTDL) khẳng định, những quy định này là phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, không ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo trên báo điện tử và đảm bảo quyền tiếp nhận nội dung thông tin của bạn đọc.

Quy định là để bảo vệ quyền của độc giả

Trước những ý kiến trái chiều về một số quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38, trong đó tập trung về hoạt động quảng cáo trên báo điện tử, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết: Theo quy định của Luật Báo chí, báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử. Báo điện tử và các loại hình báo chí khác được đăng, phát quảng cáo. Tuy nhiên, việc đăng, phát quảng cáo phải tuân thủ các quy định của Luật Báo chí và quy định của pháp luật về quảng cáo.

Luật Quảng cáo cũng đã có các quy định cụ thể, riêng biệt với từng loại hình báo chí, phù hợp với tính chất, chức năng, đặc điểm của mỗi loại hình, đặc biệt là quy định về nội dung, diện tích, thời lượng, tỉ lệ quảng cáo. Ví dụ, với báo in, diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác (Khoản 1, Điều 22 Luật Quảng cáo). Đối với báo nói, báo hình, Điều 22 Luật Quảng cáo quy định: Thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo; quy định về các chương trình không được phát sóng quảng cáo; quy định về số lần ngắt, thời gian quảng cáo trong chương trình phim truyện, vui chơi giải trí, quy định về vị trí, diện tích quảng cáo bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động sát phía dưới màn hình. Đối với báo điện tử, khoản 1, Điều 23 Luật Quảng cáo quy định quảng cáo trên báo điện tử phải: Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây. “Như vậy, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này, không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Nhưng đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây…”, bà Hương nhấn mạnh.

 Quy định tắt hoặc mở quảng cáo tối đa 1,5 giây là để đảm bảo quyền lợi của độc giả

Trước những ý kiến cho rằng, việc quy định thời gian tắt, mở của quảng cáo không ở vùng cố định là 1,5 giây là quá khắt khe, làm giảm doanh thu quảng cáo và ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử, bà Hương nhấn mạnh: “Quy định này nhằm bảo vệ người xem vì báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội. Độc giả khi xem báo luôn có sự nghiêm túc trong việc tiếp nhận thông tin. Vì vậy, các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định dành riêng cho quảng cáo, nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có. Chúng ta thử hình dung một chương trình thời sự trên truyền hình hay một bài xã luận trên báo in lại có hình ảnh quảng cáo che cả khuôn hình thì người xem sẽ phản ứng thế nào?”. Bà Hương lưu ý, quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải “đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”. Điều cần chú ý ở đây là phải hết sức lưu tâm từ “chủ động”, bởi đó là quyền của độc giả. Nếu đang xem tin tức quan trọng, họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian.

“Vì vậy có thể thấy rằng, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ đáp ứng hai yêu cầu của người xem: Một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận”, bà Hương khẳng định.

 Quy định như tại Nghị định 38 không ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo của báo chí

Không phải đến Nghị định 38 mới ban hành

Đối chiếu giữa Nghị định 38 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP (Nghị định 158), quy định về hành vi vi phạm đối với quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử không có sự khác biệt. Như vậy, quy định về “tắt, mở sau 1,5 giây” không phải đến Nghị định 38 mới được ban hành. Về điều này, bà Hương nói rõ, tại khoản 3, Điều 55 Nghị định 158 quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây. Cho đến Nghị định 38, khoản 2, Điều 38 cũng quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây; Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài.

Như vậy, việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo không ở vùng cố định đã được quy định từ năm 2013 tại Nghị định 158 chứ không phải đến khi Nghị định 38 ban hành mới được quy định. Có thể thấy, việc xử lý hành vi trên tại 2 Nghị định là giống nhau, không có sự thay đổi. Nghị định 158 và Nghị định 38 là những văn bản dưới Luật, về đối tượng, hành vi và mức xử phạt đều phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định của Điều 23, Luật Quảng cáo và khoản 2, Điều 38 Nghị định 38, hành vi quảng cáo trên vùng không cố định của báo điện tử nếu không đáp ứng hai yêu cầu: Không thiết kế phím để có thể chủ động tắt (mở) quảng cáo; khi có thao tác tắt hoặc mở nhưng không đảm bảo thời gian tắt (mở) là 1,5 giây sẽ bị xử phạt. Việc xử phạt này sẽ được thực hiện theo phản ánh của độc giả và quá trình theo dõi, kiểm tra của cơ quan quản lý. Tất nhiên, trong quá trình xử lý sẽ phải tính cả tốc độ đường truyền, chất lượng truy cập mạng dữ liệu để đo thời gian và xem xét hành vi cố ý hay do yếu tố khách quan của cơ quan báo điện tử để xem xét, xử lý phù hợp.

 Nhiều bạn đọc bày tỏ sự khó chịu khi đang xem báo điện tử lại xuất hiện những quảng cáo chen vào giữa với độ dài 4-5 giây Ảnh: QUANG HUY

Cùng với những băn khoăn về doanh thu quảng cáo của báo điện tử sẽ eo hẹp hơn, nhiều ý kiến khác còn thắc mắc về các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Google… thì không bị điều chỉnh bởi quy định này. Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nêu, chúng ta phải nhìn nhận rõ rằng, báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân theo quy định tại Luật Báo chí. Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí.

Theo Cục trưởng, “các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Google… hiện nay đang phát triển mạnh, chiếm thị phần quảng cáo không nhỏ, tuy nhiên những nền tảng này không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác. Mặt khác, hoạt động của các trang mạng xã hội chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Vì vậy, việc quy định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí, nhưng vẫn phải hướng đến mục tiêu đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của Luật Quảng cáo”.

Bà Hương cũng cho biết, thời gian tới Bộ VHTTDL sẽ tăng cường nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, trong đó giải pháp đầu tiên là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức có liên quan nhằm thống nhất về nhận thức để thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo. Năm 2022, Bộ VHTTDL sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn. Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo... 

 Quy định này nhằm bảo vệ người xem vì báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội. Độc giả khi xem báo luôn có sự nghiêm túc trong việc tiếp nhận thông tin. Vì vậy, các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định dành riêng cho quảng cáo, nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có. Chúng ta thử hình dung một chương trình thời sự trên truyền hình hay một bài xã luận trên báo in lại có hình ảnh quảng cáo che cả khuôn hình thì người xem sẽ phản ứng thế nào?

(Bà NINH THỊ THU HƯƠNG, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở)

 

 Quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải “đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”. Điều cần chú ý ở đây là phải hết sức lưu tâm từ “chủ động”, bởi đó là quyền của độc giả. Nếu đang xem tin tức quan trọng, họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian.

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top