Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những dấu ấn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Pháp

Thứ Sáu 04/06/2021 | 09:22 GMT+7

VHO- Tư liệu lịch sử để lại khẳng định rằng: Ngày 5.6.1911, Nguyễn Tất thành với tên gọi Văn Ba bằng cách xin làm bồi bếp trên một con tàu vận tải của Pháp đã một mình ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng và niềm tin sắt đá rằng khi trở về anh sẽ đi vào quần chúng tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh để giành tự do, độc lập.

Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước Ảnh tư liệu)

Hôm nay nhìn lại, dường như chúng ta sẽ thấy trong cách đi khác lạ đó bắt đầu đã lóe sáng lên những điều khác biệt lý giải tại sao anh lại từ chối lối đi dựa vào Pháp để cải cách của Phan Châu Trinh, dựa vào Nhật để cứu nước theo cách của Phan Bội Châu. Lối đi của anh ngay từ đầu là dựa vào chính lực lượng quần chúng nhân dân để “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Việc Nguyễn Tất Thành chọn con đường sang phương Tây 110 năm trước đã ghi một dấu ấn lịch sử mở ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc, khơi thông cách mạng Việt Nam nối liền với cách mạng thế giới. Chọn con đường sang phương Tây, tiếp cận và nghiên cứu những thành quả của nhân loại từ chính các trung tâm cách mạng của thế giới khi đó phải chăng đã trở thành sự lựa chọn duy nhất đúng đắn để Nguyễn Tất Thành bước tiếp cùng với nghị lực, ý chí và lòng quyết tâm nhằm trực tiếp chứng kiến, tìm hiểu và đi đến tận cùng những lý luận và những phương thức tạo nên thành công cho một cuộc cách mạng ở một nước thuộc địa với mục tiêu giành tự do, độc lập, dân chủ, thống nhất, hòa bình và tiến bộ xã hội.

 Ký họa chân dung Nguyễn Ái Quốc trên trang 1 Báo “Nhân đạo” (L’ Humanité)

Ngày 6.7.1911, Nguyễn Tất Thành đặt chân đến Marseille (Pháp). Ở đây, lần đầu tiên anh nhìn thấy tàu điện mà anh tưởng là “cái nhà biết chạy” và uống cà phê trong tiệm; anh được gọi là ông - monsieur, những điều thông thường của nền văn minh và trong giao tiếp hằng ngày của người Pháp. Cũng từ Marseille, Nguyễn Tất Thành gửi thư tới Tổng thống và Bộ trưởng Thuộc địa Pháp bày tỏ nguyện vọng: Tôi rất ham học. Tôi muốn sẽ trở nên có ích đối với đồng bào của tôi, để giúp họ có thể hưởng những ân huệ của nền giáo dục có ích cho nước Pháp… Tôi vinh hạnh xin một đặc ân được thu nhận vào học trường Thuộc địa như một học sinh nội trú. Đây là một trong những bản gốc bút tích được coi là sớm nhất của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp tại Aix-en Provence.

Chính quyền Pháp đã từ chối đề nghị này song mỗi chúng ta hôm nay khi có dịp đọc lá thư được Nguyễn Tất Thành nắn nót viết từ 110 năm trước đây với những nét chữ đẹp, nghiêm túc, ngôn ngữ Pháp chuẩn chỉnh, thể hiện sự trân trọng đồng thời tạo nên những cảm xúc giúp ta hiểu thêm nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh của Việt Nam trong tương lai.

 Thư của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp ngày 15.9.1911

Tại Paris, ngày 18.6.1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người An Nam yêu nước gửi tới Hội nghị hòa bình ở Versaille bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Đây có thể coi là sự kiện mở đầu cho cuộc đấu tranh đòi quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết thiêng liêng vốn là yếu tố mặc định của từng quốc gia dân tộc. Sáu tháng sau, các quan chức cao cấp nhất trong Bộ thuộc địa và Văn phòng Tổng thống Pháp đã nhận được các thông tin tổng hợp từ Paris, Marseille, Sài Gòn, Hà Nội…, xin được tóm tắt: Ông QUOC đã từng ở châu Mỹ, ở Anh và làm bất cứ công việc gì để sống và học tập. Ông ấy đặc biệt quan tâm đến chính trị thuộc địa của người Anh, người Mỹ, người Tây Ban Nha và người Ý. Đó là một chàng trai rất thông minh. Ông ấy nói rất tốt tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Ông ấy biết rất ít tiếng Đức. Ông ấy dành phần lớn thời gian để học, đọc tất cả các sách tiếng Pháp và tiếng nước ngoài về Đông Dương. Mục đích chính của ông ấy là ở lại Pháp để có thể diễn đạt một cách tự do để bảo vệ quyền lợi Đông Dương.

Cuối năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp tại Tours, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức và cũng là đại biểu duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương tham dự. Tại diễn đàn Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu về vấn đề Đông Dương, tố cáo tội ác của thực dân, kêu gọi những người Pháp chân chính ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa. Cùng với một số đồng chí của mình, Nguyễn Ái Quốc ủng hộ việc gia nhập Quốc tế III và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên...

Trong các ngày từ 25- 30.12.1921, là đại biểu chính thức của Ban Nghiên cứu thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp tại Marseille. Trong phiên họp sáng ngày 29.12.1921, được mời phát biểu đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc nói: “Tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự đại hội đầu tiên của những người cộng sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội Pháp, một đồng chí người bản xứ thực sự tham gia vào những công việc của Đại hội”. Cũng tại kỳ họp này, trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc đọc Dự thảo Nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa mà Người đã tham gia dự thảo. Báo Nhân đạo (L’Humanité) không chỉ đưa tin chi tiết nội dung, chụp ảnh chân dung Nguyễn Ái Quốc giới thiệu trên báo. Đặc biệt hơn, báo còn cho đăng hình chân dung Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu tham dự đại hội qua nét ký họa của họa sĩ nổi tiếng khi đó.

Từ mùa xuân 1922 đến tháng 6.1923, Nguyễn Ái Quốc còn tham gia tổ chức sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa (7.1921). Ngay từ lúc thành lập Hội đã có 200 hội viên, Ban Thường vụ của Hội được lập ra do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu. Tháng 4.1922, Hội ra báo Người cùng khổ. Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách chính. Báo Người cùng khổ đã trở thành vũ khí chiến đấu, là diễn đàn để Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp thuộc địa tuyên truyền tư tưởng giải phóng các nước thuộc địa.

Theo yêu cầu của phong trào cách mạng thế giới nhất là phong trào cách mạng ở Đông Dương, tháng 6.1923, Quốc tế Cộng sản cùng với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức cho Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga. Trước khi rời Paris, tạm biệt những đồng chí của mình ở nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết bức thư gửi lại, trong đó Người khẳng định: Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập.

Ngày 28.1.1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện lời hứa của mình với đồng bào cũng như lời hứa đầy tin cậy với các đồng chí của mình trước khi rời nước Pháp. Trong sương mờ buổi sáng của ngày đầu xuân, Người đi qua và dừng chân ở cột mốc biên giới số 108 Hà Quảng, Cao Bằng. Đầy xúc động, Người viết: Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. 

NGUYỄN KHÁNH ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top