Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nhiều hình ảnh, hiện vật xúc động ở trưng bày “Người đi tìm hình của nước”

Thứ Sáu 04/06/2021 | 18:08 GMT+7

VHO- Nhân  kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 – 5.6.2021), Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức trưng bày chuyên đề Người đi tìm hình của nước, giới thiệu hơn 300 ảnh, tài liệu và hiện vật giá trị. Một ngày trước khi trưng bày chính thức mở cửa, sáng 4.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tham quan và bày tỏ  cảm xúc trước những hình ảnh, hiện vật đặc biệt tại cuộc trưng bày ý nghĩa này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham quan trưng bày

Với hơn 300 ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có một số tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, trưng bày giới thiệu về hành trình gian nan đầy ý chí và nghị lực của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong 30 năm bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục với gần 30 quốc gia để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường Cách mạng vô sản; những cống hiến vĩ đại của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong 35 năm đổi mới là minh chứng hùng hồn khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự lựa chọn đúng đắn, với tư duy biện chứng, tầm dự báo chiến lược thiên tài, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân tộc.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm xúc trước những hình ảnh, hiện vật đặc biệt tại cuộc trưng bày 

Trưng bày chuyên đề được bài trí công phu, với nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật mang đến nhiều cảm xúc. Trên 300 hình ảnh, tài liệu và hiện vật được thiết kế theo 8 nội dung: Nuôi ý chí (1890-1911), Vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920), Tìm ra ánh sáng (1920-1924), Thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930), Bước ngoặt lịch sử (1930-1941), Người về mang đến mùa Xuân (1941-1945), Người là niềm tin tất thắng (1945-1969), Viết tiếp trang sử vàng (1969- nay).

Phần trưng bày Nuôi ý chí (1890-1911) “kể” câu chuyện về Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, có truyền thống hiếu học tại quê hương sông Lam, núi Hồng “địa linh nhân kiệt”. Từ nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học nên thường được cha dẫn theo khi đi gặp gỡ, đàm đạo với các sĩ phu yêu nước trong vùng nên sớm được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những hiện vật giá trị tại trưng bày

Lớn dần lên, Nguyễn Tất Thành (tên gọi thời niên thiếu của Người) được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông và bước đầu tiếp xúc với tư tưởng tiến bộ phương Tây. Tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, cùng cực của đồng bào, những tội ác của thực dân Pháp và sự thất bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành đã miệt mài học tập, hoạt động sôi nổi trong phong trào yêu nước và bắt đầu nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu nước.

Phần 2: Vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920). Trong bối cảnh nước mất nhà tan, các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam đều bị dìm trong biển máu, các con đường cứu nước chưa tìm được lối ra, với lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã quyết định chọn con đường đi riêng.

Những hiện vật giá trị tại trưng bày

Ngày 5.6.1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi với mong muốn “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” và quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Người bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp.

Phần 3: Tìm ra ánh sáng (1920-1924). Trải qua gần 10 năm lao động, học tập, tranh đấu với một nghị lực phi thường và  bản  lĩnh sáng tạo, khoa  học, Nguyễn Ái Quốc đã từ  chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin. Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái  Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc,  trong đó có cách mạng Việt Nam và Người quyết tâm đi theo con đường của Lênin vĩ đại.

Những hiện vật giá trị tại trưng bày

Với việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đánh dấu một bước chuyển biến quyết định trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Phần 4: Thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930). Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Với tất cả tinh thần và nhiệt huyết của mình, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường về gần Tổ quốc, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về trong nước và từng bước vạch đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc, làm nhiệm vụ đặc phái viên của Quốc tế cộng sản và trực tiếp chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị, tuyên truyền đường lối cứu nước vào công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phần 5: Bước ngoặt lịch sử (1930-1941). Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước, là thành quả của sự kết hợp sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Từng hiện vật giản dị mang đến nhiều xúc cảm 

Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài, có những lúc bị kẻ thù bắt giam, tù đầy, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn theo dõi và chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước.

Phần 6:  Người về mang đến mùa Xuân (1941-1945). Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm được con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ Quốc trực tiếp lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, đúng như ước nguyện khi ra đi. Người củng cố và xây dựng sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên vai nhân dân, mở ra trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã thật sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và vận mệnh của mình.

Từng hiện vật giản dị mang đến nhiều xúc cảm 

Ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Hành trình hơn 30 năm cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ năm 1911 tới đây chính thức đơm hoa kết trái.

Phần 7: Người là niềm tin tất thắng (1945-1969). Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, hiểm nguy, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", khi cùng lúc đối mặt thù trong, giặc ngoài. Người cùng Trung ương Đảng ra sức đấu tranh bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp bằng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Người và Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo tiến hành công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phần 8: Viết tiếp trang sử vàng (1969 -nay). Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thực hiện Di chúc của Người, quân và dân cả nước đã biến đau thương thành hành động cách mạng, anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới cho cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới chính là thành quả từ việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và  hiện thực hóa lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và tiếp tục đề ra đường lối, chủ trương cho một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam, như mong muốn cuối cùng Người ghi trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấu đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tham quan các hình ảnh, hiện vật tại triển lãm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, trưng bày với nhiều hiện vật giá trị, trong đó có những tư liệu lần đầu tiên được giới thiệu  đã mang đến cho người xem thật nhiều cảm xúc về hành trình gian nan, đầy ý chí và nghị lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Với khát vọng “Tự do cho đồng bào tôi. Độc lập cho Tổ quốc tôi”, Người đã qua 3 đại dương, 4 châu lục với gần 30 quốc gia để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc- con đường Cách mạng vô sản.

Trưng bày chuyên đề khai mạc ngày 5.6.2021 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top