Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phát triển công nghiệp văn hoá: Làm thế nào để “hái ra tiền”?

Thứ Sáu 11/06/2021 | 14:09 GMT+7

VHO- Phát biểu tại buổi tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Thực trạng và giải pháp do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 10.6, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thẳng thắn cho rằng cần thay đổi tư duy rằng văn hóa là lĩnh vực chỉ tiêu tiền.

 Quang cảnh buổi tọa đàm

Một trong những mũi nhọn trọng tâm của Hà Nội trong những năm tới là đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa. Nếu biết cách làm, đây sẽ là những lĩnh vực kiếm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền.

Nhiều người không biết Hà Nội là thành phố sáng tạo

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh, Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong hai Nghị quyết chuyên đề của Hà Nội, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021 - 2025, vừa là quyết tâm chính trị của Thành phố trong thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, trên nền tảng bề dày truyền thống hơn 1000 năm, Hà Nội đủ điều kiện, thế mạnh trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, với lợi thế là kho tàng văn hóa đồ sộ. “Lâu nay chúng ta nặng về nhìn lại truyền thống quá. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cần sự đổi mới, trên nền tảng những giá trị truyền thống để nhìn ra bên ngoài, hòa nhịp với thế giới...”, ông Phong chia sẻ.

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được xem là thế mạnh của phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô - Ảnh: TR.HUẤN

Lãnh đạo Thành ủy cũng tâm tư, trước đây, văn hóa thường được nghĩ là lĩnh vực chỉ biết tiêu tiền. Nhưng bây giờ trong bối cảnh khác, văn hóa và đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa sẽ là những lĩnh vực kiếm ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Vấn đề là cách làm và tư duy đổi mới. Bàn về xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội, chuyên gia Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) cho biết, ông đã thực hiện một khảo sát trên Facebook với 471 người trả lời, thì có đến 67,9% chưa hề biết rằng Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết “thành phố sáng tạo” là cái gì.

“Đã hai năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “thành phố sáng tạo”, nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Không hiếm người đặt câu hỏi vì sao Hà Nội được chọn. Ngay cả “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp văn hóa” là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng. Câu chuyện ở đây không phải là truyền thông mà là xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội như thế nào, làm thế nào để công chúng, bạn bè quốc tế công nhận chúng ta có một thành phố sáng tạo...”, chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm với vai trò là Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival), một thương hiệu văn hóa đặc trưng của Hà Nội trong nhiều năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung nói thẳng, chúng ta thường nhắc tới công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, nhưng dường như với các thành phần tham gia nền công nghiệp này thì khái niệm, định hướng về nó còn rất mơ hồ. Việc đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn tới việc định hình, định nghĩa về công nghiệp văn hóa sai lệch, xây dựng kế hoạch thiếu tầm nhìn. Theo nhạc sĩ, không khó để nhận thấy các dự án về phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là những dự án cộng đồng có yếu tố nước ngoài hoặc có chuyên gia nước ngoài đa phần có kết quả tốt hơn các dự án trong nước mà không đơn thuần do nguồn kinh phí thực hiện.

Từ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các dự án như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa và Hoà nhạc Cổ điển Hà Nội Vietnam Airlines (Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert) với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng London, một trong những dàn nhạc giao hưởng danh giá nhất thế giới, nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng, chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị, thiếu những không gian văn hóa tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng.

 “Ơ kìa Hà Nội” là một trong những không gian sáng tạo quen thuộc ở Thủ đô

Ở lĩnh vực điện ảnh, mảnh đất màu mỡ để phát triển công nghiệp văn hóa, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nhận định, Hà Nội và TP.HCM là một trong hai trung tâm điện ảnh lớn của cả nước. Tuy nhiên, về tốc độ phát triển, TP.HCM đã vượt lên bỏ xa Hà Nội cả về sản xuất lẫn phát hành, phổ biến phim và thị trường điện ảnh, với doanh thu chiếu phim chiếm trên 60% cả nước. Những khó khăn cơ bản của Hà Nội được nhìn thấy là hầu như chưa có đội ngũ làm phim; hiếm nhà đầu tư; hệ thống rạp chiếu chưa thu hút người xem vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn phim thiếu và chưa hấp dẫn…

Làm thế nào để “hái ra tiền”?

Mong muốn khai thác thế mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa thì đã rõ, nhưng làm thế nào để đưa những lĩnh vực này trở thành mảnh đất “hái ra tiền” lại là vấn đề lớn mang nhiều thách thức. Chuyên gia Lê Quốc Vinh cho rằng, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội phải bắt đầu từ tìm một bản sắc riêng biệt cho thành phố này, chứ không phải chỉ là thiết kế một biểu tượng (logo) để làm truyền thông.

“UNESCO chia mạng lưới các thành phố sáng tạo của mình theo 7 hạng mục: Thủ công và nghệ thuật truyền thống; Thiết kế; Điện ảnh; Ẩm thực; Văn học; Nghệ thuật truyền thông; và Âm nhạc. Tôi hiểu lý do tại sao Hà Nội chọn “thiết kế”, một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa, làm định hướng phát triển hình ảnh cho mình. Vấn đề là, làm thế nào để trong tiềm thức của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Hà Nội được nhìn nhận như nó mong muốn”, ông Vinh nói. Nhìn nhận việc Hà Nội được “định vị” là một thành phố thiết kế sáng tạo là chưa đủ, theo ông Vinh, định vị thương hiệu phải hội đủ ba yếu tố: Sự khác biệt, tính phù hợp và triết lý riêng của thương hiệu.

 Khán giả HN luôn hào hứng với Monsoon Music Festival, một thương hiệu văn hóa của Thủ đô trong nhiều năm nay

Đối với Hà Nội, đâu đó còn cần thêm các yếu tố khác biệt mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, cá tính của vùng đất ngàn năm văn hiến, sự tương thích với con đường chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo quy mô nhỏ. Có những không gian chuyên về nghệ thuật điện ảnh như Ơ kìa Hà Nội, hoặc âm nhạc như Hanoi Rock City, có những không gian chuyên về nghệ thuật tạo hình như VICAS Art Studio, hoặc chuyên nghề thủ công ghép vải như Vụn Art… Tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt như Bandung (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan) hay Thượng Hải, Hàng Châu (Trung Quốc).

Các chuyên gia cũng đề cập, trải nghiệm sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo. Bên cạnh các không gian sáng tạo, Hà Nội cần nhiều những hoạt động sáng tạo, gồm các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, triển lãm, hội chợ sáng tạo... Số lượng những hoạt động như thế ở Hà Nội không phải là ít, nhưng cái chính là chúng chưa được lan tỏa trong đời sống. Đề cao vai trò thị trường trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, thị trường không có nghĩa là để phát triển tuỳ tiện, hoang dại. Thị trường rất cần được định hướng, cần xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai thay vì chạy theo thị hiếu. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò giáo dục, xây dựng xã hội, định hướng và quản lý thị trường; đồng thời cũng cần những luật định phù hợp, cấp tiến, cách quản lý khoa học, văn minh.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, nhạc sĩ Quốc Trung nhận thấy việc can thiệp vào nội dung sáng tạo thường mang tính áp đặt tư duy, gia trưởng và cổ hủ sẽ hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo của nghệ sĩ. Thay vì tiền kiểm, nên chuyển sang chế độ hậu kiểm với những quy chế rõ ràng. TS Ngô Phương Lan cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh trên địa bàn thủ đô, theo đó nhấn mạnh, điện ảnh muốn phát triển bền vững thì cần có nội lực, với những tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang lại doanh thu cao.

“Hiện nay có thể thấy không khí sáng tạo điện ảnh ở Hà Nội khá nguội lạnh. Chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không thể “làm nóng” không khí làm phim ở Hà Nội. Điều này khá nghiêm trọng, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim...”, TS Lan nói. 

  Hiện nay có thể thấy không khí sáng tạo điện ảnh ở Hà Nội khá nguội lạnh. Chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không thể “làm nóng" không khí làm phim ở Hà Nội. Điều này khá nghiêm trọng, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim...

(TS NGÔ PHƯƠNG LAN)

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top