Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vì sao không áp dụng điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ tại nhà?

Thứ Sáu 11/06/2021 | 14:21 GMT+7

VHO- Mặc dù tình hình tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đã được kiểm soát nhưng số ca bệnh trong vùng cách ly, phong tỏa vẫn tiếp tục tăng lên, một vài khu vực xuất hiện bệnh nhân trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây.

 Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chi viện cho Bắc Giang) cùng đồng nghiệp đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng Ảnh: NGỌC MAI

Cùng với đó dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh cũng đang tăng nhanh. Điều này đang gây áp lực đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngày 10.6 đánh dấu niềm vui của các y bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang khi 2 bệnh nhân Covid-19 nặng đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2, được công bố khỏi bệnh. Trong đó có 1 bệnh nhân là anh N.V.G, 34 tuổi quê Lục Nam, Bắc Giang. Còn bệnh nhân thứ 2 là anh N.V.H, 35 tuổi, quê Lạng Giang, Bắc Giang. Sau nhiều nỗ lực, áp dụng mọi biện pháp, máy móc, thuốc tốt nhất có thể, cuối cùng hai bệnh nhân đã thoát “cửa tử” trở về. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bộ phận thường trực tại Bắc Giang, khẳng định, việc những bệnh nhân nặng được ra viện là niềm vui của đội ngũ thầy thuốc điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và của ngành Y tế. Còn tại Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang cũng đang điều trị 19 ca Covid-19 nặng. Những ca bệnh nặng này điển hình là bệnh nhân trẻ, khỏe hoàn toàn có thể diễn tiến phổi nặng và nhanh chóng. Nếu đội ngũ y bác sĩ không xử trí, can thiệp, điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn…

Bên cạnh các ca bệnh nặng, thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, trong đợt dịch này khoảng 60% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, số người không có triệu chứng lâm sàng ít hơn 20% so với đợt dịch trước (chiếm 80%). Với thực tế này, có chuyên gia y tế cho rằng: “Trên 60% người dương tính với SARS-CoV-2 ở Việt Nam không có triệu chứng thì có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân thì có trên 60 người không cần chữa trị. Họ chỉ vào bệnh viện nằm chờ âm tính là về nhà. Ở nước ngoài họ cứ để những người này cách ly tại nhà nếu phát các triệu chứng lâm sàng thì vào viện...”.

Phân tích liên quan đến ý kiến trên, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Ở những nước có số bệnh nhân quá lớn cũng như dịch lưu hành rộng rãi trong cộng đồng đã áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân tại nhà, khi nào bệnh nặng mới đến bệnh viện. Còn Việt Nam, đã kiểm soát được bệnh ngoài cộng đồng, số bệnh nhân vẫn chưa vượt quá khả năng điều trị nên ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện. “Thực tế, bệnh nhân Covid-19 tuần đầu đa số nhẹ, sang tuần thứ 2 diễn biến nặng. Nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ bệnh nhân rất nặng và nguy kịch sẽ giảm đi, từ đó giảm nguy cơ tử vong; đồng thời cũng giảm gánh nặng cho lực lượng điều trị vì có ít bệnh nhân nặng”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

BS Nguyễn Trung Cấp cũng cho rằng, con người, nếp sống, truyền thống văn hóa của Việt Nam cũng khác với nước ngoài khi gia đình người Việt Nam thường có 3-4 thế hệ cùng sinh sống, bao gồm cả trẻ nhỏ, người già có bệnh nền. Nhiều gia đình không có phòng riêng cho người bệnh, không đảm bảo khử khuẩn, không hạn chế tiếp xúc… thì nguy cơ người bệnh không có triệu chứng điều trị tại nhà có thể sẽ lây nhiễm cho người thân, đặc biệt là lây sang người tuổi cao, có bệnh nền rất nguy hiểm. Thứ hai là khi điều trị tại nhà, rất khó để phát hiện thay đổi bệnh lý sớm để kiểm soát nguy cơ tiến triển nặng, khi bệnh nặng vào viện thì hiệu quả điều trị sẽ thấp đi. Thực tế cho thấy, dù đang được điều trị trong bệnh viện, nhưng có nhiều bệnh nhân nặng, tỷ lệ bệnh nhân phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn các đợt dịch trước của các chủng khác. Các biện pháp kỹ thuật can thiệp cũng triển khai nhiều hơn như lọc máu, ECMO sẽ là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức tích cực trong điều trị Covid-19.

Đó là về góc độ chuyên môn, còn xem xét dưới góc độ xã hội như thói quen, ý thức… nhiều ý kiến cho rằng việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở Việt Nam là chưa phù hợp vì điều kiện hạ tầng, nếp sống cộng đồng, sinh hoạt chung với các thành viên trong nhà, sự tuân thủ cách ly của một số cá nhân không nghiêm ngặt. Việc một số F0, F1 dù đã bị cách ly và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhưng vẫn tìm trốn bệnh viện ra ngoài là những bằng chứng mạnh mẽ, gây ra những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng. 

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top