Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mối đe dọa về làn sóng  Covid-19 thứ ba tại châu Phi

Thứ Hai 14/06/2021 | 11:21 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 mới tại châu Phi đang có xu hướng gia tăng đáng kể, trong khi nguồn cung vắcxin cho lục địa này gần như chững lại.

 Tiêm chủng chậm chạp, châu Phi đang có nguy cơ đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng Ảnh: AP

Các chuyên gia y tế cảnh báo, châu Phi có thể phải đối mặt với “cơn bão” Covid-19 có cường độ tương tự, hoặc thậm chí tàn khốc hơn ở khu vực Nam Á.

“Bão” Covid-19 trực chờ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến đầu tháng 6, châu Phi đã ghi nhận hơn 4,8 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 2,9% ca nhiễm trên toàn cầu) và 130.000 ca tử vong (chiếm 3,7% ca tử vong trên toàn cầu). Đáng quan ngại là đại dịch đang có xu hướng bùng phát nghiêm trọng ở nhiều nước châu Phi. Trong đó, 8 quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trên 30% số ca mắc bệnh. Tại Nam Phi, quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tại châu lục này, đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm và 56.439 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày gần đây tại nước này đã lên tới gần 6.000 ca, vượt ngưỡng số ca quy định về làn sóng dịch bệnh mới mà Ủy ban Giám sát y tế quốc gia đề ra. Từ cuối tháng 5, Nam Phi đã siết chặt lệnh giới nghiêm ban đêm và tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch khác.

Trong khi đó, tại Uganda, nước này đã ghi nhận 52.935 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 383 trường hợp tử vong do dịch bệnh. Số liệu này được cho là chưa thống kê đầy đủ do khả năng xét nghiệm tại nước này còn thấp. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã phải tăng cường các biện pháp phòng dịch, với lệnh đóng cửa trường học trong 6 tuần và cấm phần lớn các cuộc tụ tập đông người. Ông Museveni cho biết: “Trong đợt bùng phát dịch lần này, số bệnh nhân mắc bệnh nặng và nghiêm trọng cũng như số ca tử vong cao hơn những gì chúng tôi đã chứng kiến trong làn sóng Covid-19 đầu tiên. Chúng tôi lo ngại điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt giường bệnh và nguồn cung oxy trong bệnh viện”.

Đáng chú ý, kết quả một cuộc khảo sát do WHO tiến hành tại 23 quốc gia châu Phi hồi tháng 5 cho thấy, nhiều nước hầu như không có đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân viên y tế chủ chốt để điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Phần lớn các nước này có chưa tới một giường chăm sóc tích cực/100.000 dân và chỉ có 1/3 trong số các nước này có máy trợ thở. Theo Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi thuộc WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nhiều bệnh viện, phòng khám ở châu Phi chưa sẵn sàng đối phó với số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, trong khi mối đe dọa về làn sóng dịch Covid-19 thứ ba ở châu Phi là hiện hữu và đang gia tăng.

Nguồn cung vắcxin hạn hẹp

Giới chuyên gia nhận định, trong cuộc chạy đua tiêm chủng ngừa Covid-19 toàn cầu, châu Phi đang bị “bỏ lại” phía sau. Hiện “lục địa đen” mới chỉ nhận được khoảng 50 triệu liều vắcxin ngừa Covid-19, trong đó 31 triệu liều đã được sử dụng ở 50 quốc gia với tổng dân số hơn 1 tỷ người. Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết: “Trong khi nhiều quốc gia bên ngoài châu Phi hiện đã tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên cao và có thể cân nhắc việc tiêm chủng cho trẻ em, thì các nước châu Phi thậm chí không thể tiếp tục tiêm liều vắcxin thứ hai cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao”.

Theo hãng tin AP, tại Nam Phi, nơi có nền kinh tế phát triển nhất lục địa, lại có số lượng ca mắc Covid-19 nhiều nhất, nhưng mới chỉ có 0,8% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều người trong số hàng trăm nghìn nhân viên y tế của nước này có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn đang phải chờ vắcxin để được tiêm ngừa. Còn tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi (trên 200 triệu người), chỉ có 0,1% dân số được tiêm chủng đủ liều. Thêm nữa, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC), ít nhất 5 quốc gia tại lục địa này chưa thực hiện hoạt động tiêm ngừa Covid-19 và Cộng hòa Chad chỉ mới khởi động chương trình này từ đầu tháng 6.

Thực tế, chương trình chia sẻ vắcxin theo cơ chế COVAX mà nhiều nước châu Phi hy vọng sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận vắcxin công bằng trên thế giới, đã không cung cấp đủ lượng vắcxin cần thiết. Hiện các nước giàu đã mua hết nguồn cung vắcxin sẵn có, còn nước sản xuất vắcxin hàng đầu thế giới là Ấn Độ lại đang tập trung cho nhu cầu trong nước. Nguồn cung vắcxin cho châu Phi vì thế gần như chững lại. Các chuyên gia y tế lo ngại, châu Phi có thể phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tương tự hoặc tồi tệ hơn ở Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ là quốc gia có hệ thống y tế mạnh hơn so với nhiều quốc gia tại châu Phi. 

 HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top