Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Web drama đã có dấu hiệu... đuối sức

Thứ Hai 14/06/2021 | 11:36 GMT+7

VHO- Thời gian qua, thị trường web drama (phim chiếu mạng) đã trở thành “mảnh đất vàng” để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo và tiếp cận công chúng. Nhiều bộ phim lọt top thịnh hành YouTube và thậm chí liên tục giữ vị trí đầu bảng. Thế nhưng gần đây, mặc dù cuộc đua của các nhà sản xuất vẫn còn khá sôi nổi, song sức hút của thể loại này đã bắt đầu có dấu hiệu đuối sức.

“Kẻ săn tin” của Minh Hằng dù thành công nhưng vẫn có nhiều sạn

 Tưởng chừng web drama sẽ tiếp tục nở rộ và thăng hoa, nhất là trong bối cảnh rạp chiếu đóng cửa, hoạt động vui chơi giải trí phải tạm dừng. Nhưng không, trong hàng chục web drama đua nhau ra mắt, chỉ còn thưa thớt một vài cái tên được khán giả nhớ đến, lượng người xem đã sụt giảm đáng kể. Sự chững lại của web drama không chỉ khiến nhiều người tiếc nuối mà còn đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ. Phải chăng, nhà sản xuất đã quá coi trọng lợi nhuận mà vội vàng, cẩu thả dẫn đến chất lượng sản phẩm không được như ý?

“Mảnh đất màu mỡ” có dễ khai phá?

Có thể thưởng thức phim bất cứ lúc nào, không phải trả phí, cũng không cần mất công đến rạp, chỉ với một thiết bị điện tử có kết nối mạng, người xem hoàn toàn được chủ động chọn lựa thời gian cũng như nội dung phù hợp nhu cầu, sở thích của mình - những yếu tố này đã giúp web drama nhanh chóng phát triển và chiếm lĩnh thị trường giải trí. Về phía nhà sản xuất, họ được toàn quyền chủ động phát hành phim trên mạng, không phải phụ thuộc vào lịch chiếu của các rạp hay trải qua quá trình kiểm duyệt khắt khe, nhờ đó giúp kéo dài “tuổi thọ” và cơ hội khai thác lợi nhuận lâu dài từ các bộ phim. Nhiều yếu tố thuận lợi đã giúp web drama đưa về doanh thu “khủng” cho nhà sản xuất thông qua hoạt động quảng cáo, tài trợ.

Để tạo chỗ đứng trong thị trường đầy tiềm năng này, mức kinh phí đầu tư của nhiều phim đã lên đến tiền tỉ, đồng nghĩa với việc sản phẩm được chăm chút kỹ lưỡng hơn về nội dung, hình ảnh, chú trọng đến khâu phục trang, kỹ xảo… Sự phát triển mạnh mẽ của web drama khiến nhiều người lạc quan cho rằng đây sẽ là hướng đi triển vọng của phim ảnh, bởi khả năng thích ứng với điều kiện cũng như nhu cầu, xu hướng mới trong thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. Có thể kể đến hàng loạt web drama “đình đám” tạo được sự chú ý của khán giả, điển hình có Bố già của Trấn Thành; Đại kê chạy đi của NSND Hồng Vân; Nhà trọ có quá trời phòng phần 2 của Nam Thư; Thằng khờ 3 của Quách Ngọc Tuyên; Kẻ săn tin của Minh Hằng hay Yêu lại từ đầu của Việt Hương... Trước đó, nhiều sản phẩm web drama dài tập khác cũng làm “khuynh đảo” nền tảng này như Thập tam muội của Thu Trang; Vi Cá tiền truyện của Quách Ngọc Tuyên; Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập; Hiếu bến tàu của Hồ Quang Hiếu; Về quê ăn tết của Việt Hương; Thầy giáo Nam của Lâm Chấn Khang hay Tay buôn, buông tay, Ghe bẹo ghẹo ai? của Võ Đăng Khoa…

Ðáng chú ý, một số “ông lớn” truyền thông cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào cuộc đua đầy náo nhiệt đó, như kênh VTV giải trí của Ðài Truyền hình Việt Nam đã thường xuyên sản xuất các web drama ngoại truyện phát triển từ những “siêu phẩm quốc dân” như Người phán xử, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con... thu hút rất đông người theo dõi, kéo theo sự tham gia của nhiều đơn vị quảng cáo, tạo nên giá trị gia tăng đáng kể cho sản phẩm của nhà Đài. Không chỉ thắng lớn trên “mặt trận” phim chiếu mạng, web drama còn tấn công sang màn ảnh rộng sau khi gặt hái được những “cơn mưa lời khen” như Bố già Chị Mười Ba. Con số mà hai bộ phim này mang về đều khiến khán giả lẫn giới chuyên môn ngạc nhiên, Bố già tạo ra hàng chục kỷ lục mới với doanh thu hơn 400 tỉ và Chị Mười Ba là hơn 100 tỉ!

Quẩn quanh một màu

Tuy nhiên, thời gian gần đây, web drama đã thể hiện sự đuối sức thấy rõ khi các sản phẩm khá đơn điệu về nội dung, số lượng nhiều nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ tập trung khai thác một số đề tài quen thuộc như: Anh em giang hồ, cuộc tranh đoạt giữa các băng nhóm tội phạm, những câu chuyện tâm linh, thần bí pha chút hài hước, thậm chí sử dụng cả những chiêu trò phản cảm rẻ tiền để câu khách... Trước đó, nhiều bộ phim tạo được sự thu hút do đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem, tuy nhiên, mật độ khai thác quá dày đặc, nội dung lặp đi lặp lại, đơn điệu, thiếu sáng tạo… đã khiến người xem dần mất đi hứng thú. Có thời điểm gần như tất cả các sản phẩm web drama gây bão, lọt top trending hay giúp nghệ sĩ nhận được nút vàng của YouTube đều có chủ đề về giang hồ, xã hội đen, bạo lực… Món dù ngon mà phải ăn quá nhiều rồi cũng có ngày ngán ngẩm, khán giả đã không còn mặn mà với những sản phẩm này, trong khi những nội dung mới lại chưa đủ sức hấp dẫn...

Bên cạnh đó, do đặc thù chiếu mạng, web drama không nằm ngoài cuộc đua lượt “view” trên YouTube. Việc cần thu hút lượt xem dẫn đến một số gương mặt “người quen” xuất hiện cùng một lúc trên quá nhiều kênh như Lê Giang, Lê Dương Bảo Lâm, Duy Khánh, Huỳnh Lập, Quang Trung... Thế nhưng, do chạy show nhiều phim với cùng một lối diễn, cùng một mảng miếng, thiếu sự sáng tạo, tươi mới nên những diễn viên này không còn giữ được độ “hot” cần thiết. Bên cạnh đó, việc quảng cáo quá lộ liễu và dày đặc cũng khiến người xem khó chịu vì bị đứt quãng cảm xúc. Những tình huống hài trong nhiều phim bị làm quá lố hoặc kém duyên dẫn đến sản phẩm vừa nhạt, vừa nhàm, vừa nhây, vừa cũ.

Không thể phủ nhận tiềm năng to lớn của việc sản xuất và phát hành phim trên mạng, cùng với đó nhu cầu, cách thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên những người làm phim cũng cần nhận thức rõ, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường, dù là phim chiếu rạp hay phim chiếu trên mạng, vẫn phải là sản phẩm có giá trị thẩm mỹ, mang dấu ấn sáng tạo, đặc biệt việc nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, chú trọng giá trị nhân văn luôn là điều kiện tiên quyết giúp bộ phim tìm được chỗ đứng trên thị trường. 

HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top