Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hà Nội: Sinh viên ở trọ vật vã ôn thi trong ‘chảo lửa’ mùa Hè

Chủ Nhật 20/06/2021 | 11:41 GMT+7

VHO- Cô sinh viên đưa tay quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán. Gấp sách lại, cô chạy xuống tạp hóa mua túi đá cho vào thau nước phía trước chiếc quạt vì "có thế này mới mát được một lúc..."

Sinh viên tìm đủ cách khắc phục, chật vật ôn thi giữa thời điểm nắng nóng gay gắt

Gấp cuốn sách để ngay ngắn trên bàn, cô sinh viên Hoàng Thục Anh của Đại học Bách khoa Hà Nội vội chạy xuống cửa hàng tạp hóa mua túi đá thả vào chậu nước được đặt trước quạt gió. “Có thế này mới mát được một lúc,” Thục Anh nhoẻn cười.

Thục Anh cũng như nhiều sinh viên nghèo đang sống trong những căn nhà trọ đang ngày đêm đánh vật với cái nóng như thiêu đốt tại Thủ đô để học tập và ôn thi cuối kỳ. Nhà trọ đã chật, thêm cái nóng như rang khiến cuộc sống của các em càng thêm vất vả.

Khi “thiên đường” đóng cửa

Phòng nhà trọ của Thục Anh nằm trong một ngách nhỏ ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, nhà chủ trọ đã xây một dãy phòng, phía trên lợp tôn xốp. Bức tường dầy 10cm vào tầm 3-5 giờ sáng có nguội đi một chút, còn lại cả ngày lẫn đêm nóng như nung lửa.

Thục Anh đã ở phòng trọ này được 2 năm. Một số bạn cùng quê lúc đầu ở cùng, sau đó chuyển tới nơi có điều kiện hơn bởi không chịu được nóng khi vào Hè. Còn Thục Anh vẫn trụ lại, bởi lẽ giá phòng ở mức chịu được.

“Thật ra rất mệt. Ngoài giờ đi học, em còn tranh thủ đi làm để trang trải cuộc sống mà về đến nhà mãi tận đêm khuya mới ngủ được nên rất hại sức khỏe. Nhưng em thầm nhủ phải cố gắng để bớt đi gánh nặng cho bố mẹ,” cô sinh viên quê Yên Bái chia sẻ.

Sinh viên tập trung tại cửa hàng tiện lợi (trái) và thư viện (phải) trước khi có lệnh cấm tụ tập đông người để phòng dịch. (Ảnh: Báo tin tức)

Tại con ngõ nhỏ trên đường Cố Nhuế (Bắc Từ Liêm), Hà Thị Thủy (20 tuổi) cùng một cô bạn đang thuê tại tầng 3 của một ngôi nhà trọ. “Không khí nóng nực nên quạt mạnh đến mấy cũng vẫn chỉ là thổi hơi nóng. Bọn em phải làm đủ cách khác mới đỡ…,” cô sinh viên năm hai tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa nói vừa nhúng chiếc khăn mặt vào chậu nước đặt bên cạnh, bên trong có thả vài cục đá rồi đắp lên đầu. 

Căn phòng rộng chừng 10m2 được xếp khá gọn gàng. Dù cửa sổ quay hướng Đông Nam, song họ không dám mở cửa vì dù có “hướng đẹp” thì những cơn gió nóng cũng làm hai bạn thêm mệt mỏi.

Thông thường vào mùa nóng, Thủy và bạn cùng phòng sẽ tìm đến thư viện trường vì ở đó có bật điều hòa. “Thư viện cho sinh viên của trường vào miễn phí, nhưng sáng chỉ mở đến hơn 11 giờ còn tối sẽ đóng cửa trước 21 giờ. Nếu các cửa hàng tiện lợi còn chỗ thì chúng em sẽ ra đó ngồi học tiếp hoặc ra từ sớm để ‘cắm trại’ ở đó,” Thủy cho biết.

Theo lời Thủy, các cửa hàng tiện lợi như Circle K luôn thu hút sinh viên. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ để mua một chai nước hay gói đồ ăn vặt là họ có thể ngồi tại chỗ để ăn, uống, sử dụng điều hòa và wifi miễn phí cả ngày. Đây vô tình trở thành "thiên đường" lý tưởng để ôn thi, thậm chí chợp mắt một lúc giữa những ngày học tập vất vả.

Tuy nhiên do dịch Covid-19, cửa hàng tiện lợi chỉ bán hàng mang về, thư viện trường cũng đóng cửa để không tụ tập đông người. Vậy là họ phải quay về phòng trọ để ôn tập bài vở, học trực tuyến với những chiếc quạt bật hết công suất vẫn không đủ làm dịu đi cơn nóng giữa trưa.

Muôn kiểu chống nóng

Bên cạnh cách làm “truyền thống” là đặt chậu nước để tạo “quạt hơi nước,” nhiều sinh viên cũng nghĩ ra nhiều cách giảm nhiệt khác nhau.

Đặng Lê Thùy Linh, sinh viên tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết cô còn sử dụng những miếng dán hạ sốt để dán lên gáy, sau lưng... Mỗi miếng dán có thể làm mát vùng da xung quanh đến 2 giờ đồng hồ, giúp tập trung ôn bài vở trong khoảng thời gian đó.

Cô sinh viên cũng cho biết cách để dùng được nhiều quạt cùng lúc là huy động cả phòng (đối với ký túc xá, phòng trọ có từ hai người trở lên) phun nước làm mát sàn nhà, sau đó tập trung bật quạt cho khô rồi cùng nằm vào giữa.

Một số phương pháp chống nóng điển hình của sinh viên

Nếu có chiếu trúc thì một số sinh viên còn dùng khăn ẩm để giảm nhiệt lượng đã hấp thụ trong ngày. Cách thức này sẽ tạo cảm giác thoải mái để đi vào giấc ngủ.

Trong khi tắm là một cách giải nhiệt thì tắm bằng nước trong bình nước inox đặt trên mái lại là trải nghiệm không dễ chịu chút nào. Nước trong bình phơi nắng cả ngày nên thường có nhiệt độ cao, việc tắm bằng nước nóng lại... gây thêm ức chế.

Để khắc phục tình trạng này, Quang Minh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ rằng ở phòng trọ có bình nóng lạnh thì cậu... vặn vòi sang phía nước nóng. Như vậy, nước dự trữ trong bình nóng lạnh - vốn mát hơn nước trong bình inox bị hấp nhiệt - sẽ chảy ra.

Một lời khuyên khác mà các bạn sinh viên truyền nhau là phải đóng cửa để hạn chế hơi nóng ập vào. Khi đó, họ chỉ mở hé một chút để không khí trong phòng được đối lưu và không tạo cảm giác bí bách.

Về trang phục, Thùy Linh cho biết nên ưu tiên mặc quần áo vải lanh, những loại vải thấm hút mồ hôi và sáng màu để hạn chế hấp thụ ánh sáng mặt trời. “Nếu quần áo đã ướt đẫm vì mồ hôi thì nên thay ngay. Quần áo khô, mới sẽ tạo cảm giác thông thoáng, đỡ khó chịu hơn nhiều,” cô sinh viên cho biết.

Thùy Linh cũng chia sẻ cô phải cắt giảm tần suất uống càphê, vốn là trợ thủ đắc lực để thức đêm ôn bài. “Uống cà phê rất dễ nóng trong người nên em phải hạn chế hẳn. Bây giờ, để tỉnh táo được, em thường dùng đá nước, một phần để trước quạt cho có hơi mát, một phần để uống cho tỉnh táo," Linh chia sẻ kinh nghiệm.

Còn với Thục Anh, cô hy vọng miền Bắc sẽ sớm có cơn mưa giải nhiệt để những sinh viên sống trong nhà trọ không có điều hòa như cô có thể dồn sức học, ôn thi cho tốt.

TTXVN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top