Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chuyển đổi số, quy trình tất yếu giúp tiêu thụ nông sản trong thời đại 4.0

Thứ Ba 29/06/2021 | 15:38 GMT+7

VHO- Mới đây, 3 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu qua mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng của Việt Nam do Viettel Post thuộc tập đoàn Viettel vận hành và phát triển, đánh dấu hiệu quả bước đầu của việc chuyển đổi số trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Trước đó, Chương trình hợp tác về chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cũng được một số đơn vị ký kết nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số đối với các địa phương chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đưa quả vải Việt Nam ra thị trường quốc tế

Để có thể đem quả vải Việt Nam và nhiều đặc sản nông nghiệp ra nước ngoài trong luồng hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này đã phối hợp thành công cùng 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm Sen đỏ (FPT), Vỏ Sò (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Cuccu để đưa quả vải thiều lên giao dịch. Theo đó, các phương án thu mua, vận chuyển logistics, thương mại điện tử cũng đã được thống nhất triển khai.

Sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò (được bảo trợ bởi Viettel Post) bắt tay xây dựng gian hàng Vỏ Sò Global từ tháng 3.2021. Gian hàng này là nơi để người tiêu dùng tại nước ngoài, đặc biệt là kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm chất lượng có xuất xứ Việt Nam. Sau khi người tiêu dùng đặt hàng trên Vỏ Sò Global, sàn TMĐT này sẽ thực hiện gom đơn, vải thiều sẽ được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu. Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và Châu Âu, và được truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi iCheck.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho biết: “Việc tham gia Thương mại điện tử Xuyên biên giới đã được Vỏ Sò lên kế hoạch từ lâu, và giờ chính là thời điểm ra mắt thuận lợi nhất. Với sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, Viettel Post sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều nông sản lên sàn Vỏ Sò, không chỉ là phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà còn đem cơ hội thưởng thức những đặc sản đậm vị quê hương tới cả bà con kiều bào trên khắp thế giới.” Với thành công của sản phẩm mở đường là vải thiều Bắc Giang, trong thời gian tới Vỏ Sò sẽ tiếp tục triển khai xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng khác ra thị trường thế giới, mục tiêu không chỉ là nông sản địa phương mà còn là các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như thủ công mỹ nghệ, hay các sản phẩm nông thủy sản khác.

Chuyển đổi số, xu hướng tất yếu trong tiêu thụ sản phẩm

Cũng trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi số phục vụ tiêu thụ nông sản, một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam vừa được ký kết vào đầu tháng 6 vừa qua. Biên bản này được ký giữa đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA) thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)...

Vải thiều Việt Nam đến tay người tiêu dùng nước ngoài qua sàn giao dịch thương mại điện tử

Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội. Song song đó, các đơn vị trên cũng có những kế hoạch, hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất nông nghiệp khắp cả nước. Theo chiến lược dài hạn, Chương trình hợp tác giữa AED, Agrotrade, ITPC-VCA sẽ đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm nhằm xem xét tính hiệu quả về hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thành Thực – Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho việc xuất khẩu nông sản của nước ta gặp phải bế tắc, rủi ro. Những thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta như Trung Quốc, EU, Mỹ cũng bị tác động khá lớn. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp Việt Nam còn phải gánh chịu thêm tác động kép của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ thiên tai triền miên… Vì thế, tình cảnh người nông dân mất mùa, doanh nghiệp thì phá sản cùng hàng loạt những khó khăn, trăn trở đã và đang diễn ra trước mắt. Với thế, cùng với việc tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ chế biến, chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, vấn đề chuyển đổi số hiện được xem là giải pháp hiệu quả đối với tương lai của nền nông nghiệp nước ta.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội, đặc biệt là việc giám sát truy xuất nguồn gốc đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Chính vì vậy, việc số hoá các sản phẩm nông nghiệp hay số hoá các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ hết sức quan trọng. “Nếu ứng dụng số hoá kết nối tiêu thụ nông sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, tổ hợp tác, HTX kết nối với nhau và kết nối với người tiêu dùng cũng như hệ thống các cửa hàng của Hội. Đồng thời, Hội Nông dân cũng có thể giám sát được quá trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo người nông dân có thu nhập cao hơn, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn chất lượng", ông Định nói

Đánh giá về việc vải thiều Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng ở thị trường khó tính nước ngoài qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá: “Nước ta đã xuất khẩu trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á... rất nhiều. Tuy nhiên, xuất khẩu qua thương mại điện tử đều thông qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon. Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt. Có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.”

                                                                                   QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top