Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ - Anh là ai: Kiên quyết loại trừ thói “mạo danh”

Thứ Sáu 02/07/2021 | 10:49 GMT+7

VHO- Trước hiện tượng một số người tự xưng là nghệ sĩ trong khi không được giới nghề công nhận, tâm trạng chung của những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp là vô cùng bức xúc.

Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam NSND Vương Duy Biên và Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM NSND Trần Ngọc Giàu, những người đã làm công tác quản lý văn hóa, nghệ thuật lâu năm để rộng đường dư luận về vấn đề này.
Chỉ là mạo danh nghệ sĩ

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, NSND Vương Duy Biên đã ký văn bản gửi các hội VHNT trực thuộc về việc Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn học nghệ thuật ngay khi nhận được Công văn số 1854/CV-BVHTTDL-NTBD của Bộ VHTTDL về việc Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ông cho rằng việc làm này của Bộ VHTTDL là kịp thời và vô cùng cần thiết.
Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Vương Duy Biên bày tỏ: Không được đào tạo bài bản chuyên sâu, không tham gia vào các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp thì sao có thể gọi những trường hợp như Lệ Rơi, Phú Lê, Don Nguyên… là nghệ sĩ? Hiện tượng một số người “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội với những MV, nhưng bản cover kém chất lượng, rồi đóng phim, làm mẫu ảnh, rồi vỗ ngực tự xưng là “ông hoàng”, “bà chúa”… đều chỉ là mạo danh. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hay các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ quản lý những hội viên là nghệ sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản ở các trường VHNT và phải có thời gian hoạt động trong nghệ thuật mới được kết nạp.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ban, ngành có trách nhiệm, đặc biệt là Bộ TTTT cần có biện pháp mạnh tay với những thành phần mạo danh nghệ sĩ. Không thể để cho những con người này tung ra những sản phẩm phi nghệ thuật trên mạng xã hội, họ sẽ làm nhiễu loạn đời sống văn hóa nghệ thuật, gây ảnh hưởng xấu tới những người làm nghệ thuật đích thực. Bản thân các cơ quan truyền thông như truyền hình và báo mạng cũng cần phải có sự siết chặt. Tôi và rất nhiều nghệ sĩ vô cùng bức xúc khi không ít lần bật ti vi lên là gặp hàng loạt những chương trình giải trí, game show rất phản cảm, dễ dãi, thậm chí dung tục. Theo tôi, trước tiên các cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm loại bỏ những hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu lành mạnh, không thể cứ mãi tuỳ tiện nương theo thị hiếu của số đông người quan tâm.

 "Rất nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính không khỏi chạnh lòng khi họ đã dành cả cuộc đời tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật mà không có nổi một bài báo, một chương trình giới thiệu. Quả thật là rất hiếm hoi khi “nhà đài” dành thời lượng phát sóng cho một nghệ sĩ Tuồng hay Chèo, trong khi họ sẵn sàng chiếm những giờ vàng cho hàng loạt game show chỉ đơn thuần là giải trí, thậm chí là nhảm nhí".

(NSND VƯƠNG DUY BIÊN)

Hãy thử làm một phép so sánh. Truyền hình, báo mạng tốn biết bao thời gian, giấy mực để PR cho người này người kia chỉ vì họ có nhiều fan hâm mộ, nào là hot girl A khoe nhà, người nổi tiếng B khoe xe, thậm chí khoe cả việc ly hôn và nói xấu người cũ… Tại sao bộ phận những người không phải là nghệ sĩ mà truyền thông lại chạy theo họ? Căn nguyên vẫn chỉ là để cốt thu hút được nhiều like, nhiều lượt view và thoả mãn sự tò mò của công chúng. Chắc chắn, rất nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính sẽ không khỏi chạnh lòng khi mà họ đã dành cả cuộc đời tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật mà không có nổi một bài báo, một chương trình giới thiệu. Quả thật là rất hiếm hoi khi “nhà đài” dành thời lượng phát sóng cho một nghệ sĩ Tuồng hay một nghệ sĩ Chèo, trong khi họ sẵn sàng chiếm những giờ vàng cho hàng loạt game show chỉ đơn thuần là giải trí, thậm chí là nhảm nhí. 

Quy định cấp phép hành nghề là để bảo vệ công chúng chứ không phải làm khó nghệ sĩ

Cùng chung tâm trạng bức xúc, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ với Văn Hóa, hiện nhiều người đang đánh đồng khái niệm: Cứ ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - giải trí thì coi như là nghệ sĩ. Nhưng người đã nhận mình là nghệ sĩ thì phải ý thức được rằng đây không chỉ là nghề để mưu sinh, mà nó phải vượt lên trên bởi mang sứ mệnh cống hiến cái đẹp cho cuộc sống. Có thể thấy trong thời đại công nghiệp 4.0 này, người ta rất dễ nổi tiếng, dễ trở thành “ngôi sao”. Họ không cần khổ luyện, tự nhiên làm công việc giải trí rồi thành “nghệ sĩ”. Nghệ sĩ là người phải được đào tạo, có năng khiếu và phải có tác phẩm. Tất nhiên cũng không thể đòi hỏi họ phải có vai diễn lớn, tác phẩm hoành tráng vì có những người họ chỉ tham gia với tư cách vai phụ nhưng phải toát lên phẩm chất của người nghệ sĩ. Còn hiện nay, có những nhân vật tham gia game show, đóng tiểu phẩm hài, dù không biết ca, không biết diễn mà chỉ dùng chiêu trò PR rồi tự phong mình là nghệ sĩ, thì đó là đang lạm dụng danh xưng.

Điều này có tác hại như thế nào? Sự xuống cấp về nghệ thuật sẽ dẫn đến sự xuống cấp về văn hóa. Những câu từ, cách ăn mặc, ứng xử trong các chương trình đó tưởng không có gì nguy hại nhưng thực ra nó thẩm thấu dần vào đời sống xã hội, khiến một bộ phận giới trẻ tiếp nhận nó một cách rất tự nhiên. Chúng ta cứ hay dễ dãi cho qua rằng “chỉ là giải trí, không cần phải quá nặng nề, nghiêm túc…”, nhưng giải trí cũng chính là tư tưởng, là giá trị tinh thần đi vào trong đời sống. Giới trẻ cứ nhìn những “hiện tượng” bỗng trở nên nổi tiếng, giàu có, thế là các em thần tượng, phấn đấu, dẫn đến sự lệch chuẩn trong xã hội. Thành công của một số chương trình truyền hình gần đây dường như người ta chỉ lấy doanh số để đánh giá mà quên đi tác động đến đời sống xã hội.

Nhiều người vẫn nói trong văn hóa - nghệ thuật, cái gì không tốt, không hay thì có quy luật đào thải, nhưng thực ra điều này cũng không hoàn toàn đúng, nếu công chúng không được giáo dục, không được định hướng, thì sự đào thải đó, nếu có, cũng sẽ rất chậm hoặc hoàn toàn không có giá trị. Cái không hay, không tốt đó sẽ ngấm dần, tác động đến việc hình thành những giá trị văn hóa. Cho nên, không phải đơn giản mà người ta cho rằng phát triển kinh tế phải song song phát triển văn hóa. Nhưng nói phát triển văn hóa là phát triển như thế nào? Hiện nay chúng ta đang nặng về phát triển công nghệ giải trí mà quên định lượng cái giá trị văn hóa đó có tính đạo đức, thẩm mỹ, tư tưởng hay không.

 Rất hiếm những chương trình giới thiệu gương mặt nghệ sĩ sân khấu truyền thống được phát vào “giờ vàng” của các “nhà đài”

Cho nên, bàn đến việc cấp thẻ hành nghề, cá nhân tôi cảm thấy rất băn khoăn. Ở đây chúng ta đừng nghĩ nó như là giấy phép, mà phải nghĩ rằng nó chính là cách để định chuẩn người nghệ sĩ, rằng anh phải đạt được như vậy mới được hoạt động nghệ thuật. Nếu chúng ta coi sản phẩm nghệ thuật là hàng hóa thì về phía cơ quan nhà nước sẽ coi đây là một phương thức để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tức là khi cấp phép cho anh, chính là nhà nước đang bảo vệ quyền lợi cho công chúng, họ cần được thưởng thức giá trị nghệ thuật có chất lượng. Công chúng ở đây cần được hiểu như người tiêu dùng, họ bỏ tiền mua vé để giải trí, để thưởng thức nghệ thuật, nhưng ai định giá sản phẩm nghệ thuật này cho họ, thì cần phải có cơ quan chuyên môn, thông qua cấp phép hành nghề.

Tất nhiên nhiều ý kiến cho rằng nghệ sĩ cần nhất là năng khiếu, nhưng nếu chỉ có năng khiếu mà không có trình độ thẩm mỹ, thiếu tư tưởng nhận thức thì không thể đem đến cho công chúng sản phẩm tốt được. Cho nên, ở đây sẽ rất nhiều công việc đặt ra cho cơ quan quản lý văn hóa, đòi hỏi không đơn giản chỉ là sự cấp phép mà còn là sự hiểu biết sâu về chuyên môn, làm như thế nào để người nghệ sĩ thấy rõ trách nhiệm của mình chứ không phải thấy đó là một rào cản. Tôi không cổ súy cho việc cấp phép hành nghề một cách hành chính, máy móc, nhưng để cho thấy là nghệ sĩ thì anh phải có một “tiêu chuẩn” nhất định, chứ không thể nào ai cũng muốn tự xưng mình là nghệ sĩ cũng được. Quy định cấp phép hành nghề là để bảo vệ cho công chúng chứ không phải làm khó nghệ sĩ. Chẳng hạn, một người có năng khiếu được mời đóng phim thì bỗng dưng họ thành diễn viên… điều này không thể phản đối vì đó là quy luật đặc thù riêng của nghệ thuật, nhưng bên cạnh đó thì họ cũng phải nỗ lực, cố gắng học hành để đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, phải có kiến thức nền tảng về lĩnh vực họ đang tham gia.

Hội Sân khấu TP.HCM cũng đang dự kiến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ tổ chức tọa đàm, trao đổi về vấn đề này. Tôi khẳng định lại là quan điểm Hội, không ai cản các bạn tự nhận mình là nghệ sĩ, nhưng nếu đã tự nhận thì phải phấn đấu như thế nào để công chúng và giới nghề công nhận, quan trọng nhất là phải có ý thức, đạo đức trong nghề nghiệp và cả trong đời sống riêng tư. 

 … Cấp phép hành nghề là để người nghệ sĩ thấy rõ trách nhiệm của mình chứ không phải thấy đó là một rào cản. Tôi không cổ súy cho việc cấp phép một cách máy móc, nhưng để cho thấy được coi là nghệ sĩ thì anh phải có một “tiêu chuẩn” nhất định, chứ không thể ai cũng muốn tự xưng thế nào cũng được. Quy định cấp phép hành nghề là để bảo vệ cho công chúng chứ không phải làm khó nghệ sĩ.

(NSND TRẦN NGỌC GIÀU)

 THÚY HIỀN - THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top