Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nhà hát không có, rạp chiếu phim không có, quảng trường không có…: Làm thế nào để Hà Nội phát triển CN văn hóa?

Thứ Tư 14/07/2021 | 10:24 GMT+7

VHO- Lần thứ ba liên tiếp trong vòng một tháng, Thành ủy Hà Nội tổ chức lấy ý kiến về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Cuộc tọa đàm vào cuối tuần qua một lần nữa khẳng định, Hà Nội có ưu thế về văn hóa, nhân lực vượt trội, thế nhưng việc biến tiềm năng thành thế mạnh còn hạn chế.

 Biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ trở thành sản phẩm văn hóa du lịch thú vị của Hà Nội

Nguồn nhân lực, yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa (CN văn hóa) cần được tạo điều kiện nhiều hơn về cơ chế, chính sách, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sĩcần có thêm những không gian, chất xúc tác để thăng hoa, sáng tạo nên nhiều tác phẩm giá trị, có thể mang lại nguồn thu kinh tế dồi dào.

Hãy để văn nghệ sĩ được thăng hoa

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu, với nhiều tiềm năng, văn hóa đang đóng góp khoảng 3,7% vào GDP của Hà Nội. Con số này cao hơn so với các địa phương khác, nhưng so với các thành phố có điều kiện tương đương thì tỉ lệ này của Hà Nội thấp hơn rất nhiều. Chẳng hạn, CN văn hóa ở Anh chiếm 7% GDP, Hàn Quốc lên tới 10%. “CN văn hóa là ngành phát triển bền vững chứ không tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Phát triển CN văn hóa sẽ tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác”, ông Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội thẳng thắn, muốn rút ngắn khoảng cách với khu vực, thế giới và Hà Nội muốn phát triển CN văn hóa thì không thể không đầu tư: “Thực tế ở nhiều quận, huyện mới có được một vườn hoa, một công viên, còn các hạ tầng thiết yếu để phục vụ cho hoạt động văn hóa thì ngoài Trung tâm VHTT và Thể thao của quận, huyện ra là không có gì. Nhà hát không có, rạp chiếu phim không có, quảng trường không có, vậy làm thế nào để phát triển CN văn hóa?”, câu hỏi được nêu cũng là trăn trở của nhiều người. Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng thành phố cần quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật, đặc biệt giới nghệ nhân, nghệ sĩ. Ông Long lấy ví dụ, mảnh đất ngàn năm văn hiến sản sinh nhiều danh nhân, nghệ sĩlớn mà tác phẩm của họ không kém cạnh gì quốc tế. Đầu năm nay, bức Chân dung cô Phượng của họa sĩMai Trung Thứ miêu tả một nữ quý tộc Hà Nội được đấu giá 3,1 triệu USD. Hệ thống di sản vật thể, phi vật thể đa dạng của Hà Nội chính là nguồn lực, tiềm năng lớn lâu nay chưa được khai thác mạnh.

Tiết lộ nguồn thu từ các hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm những năm qua không ngừng tăng, ông Long chia sẻ, nắm bắt lợi thế của phát triển các ngành CN văn hóa, Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm đầu tư văn hóa. Nếu năm 2015, thu ngân sách của quận đạt khoảng 4.200 tỉ đồng, đến 2020 đã tăng lên gần 2,5 lần, trong đó có nguồn thu không nhỏ từ tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa...

So sánh Hà Nội với TP.HCM về phát triển văn hóa, nhiều đại biểu thẳng thắn thừa nhận Hà Nội còn chậm và chưa chuyên nghiệp, cũng chưa có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ để các đối tượng nghệ nhân, nghệ sĩthăng hoa sáng tạo. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho hay, Nhà hát là đơn vị nhanh nhạy trong việc sáng tạo những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng và đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đơn cử, nắm bắt nhu cầu trong giáo dục học đường, Nhà hát đã xây dựng Đề án Sân khấu Kịch học đường nhằm tiếp cận và hướng đến đối tượng khán giả là học sinh các cấp. Đây chính là những khán giả tương lai của Thủ đô, cần được định hướng và trang bị kiến thức, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống ngay trên ghế nhà trường. Cho rằng ngành CN văn hóa Thủ đô phải xây dựng được những sản phẩm đặc thù, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh, với nền văn hóa hơn ngàn năm, trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử, Hà Nội có một kho tàng chất liệu khổng lồ để cung cấp cho các nghệ sĩ, các ngành nghề thỏa sức sáng tạo ra sản phẩm văn hóa lôi cuốn, hấp dẫn.

“Điều quan trọng là cơ chế, chính sách phải tạo điều kiện cho các nghệ sĩđược thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn nữa. Anh em nghệ sĩchờ đợi từ lâu lắm rồi, chờ đợi sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố nhằm phát triển CN văn hóa”, NSND Trung Hiếu chia sẻ.

Không thể thiếu thị trường

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng, cần xác định danh mục các nhiệm vụ theo lộ trình cụ thể để triển khai, thực hiện có hiệu quả, trong đó vấn đề thu hút đầu tư cho con người, chủ thể sáng tạo cũng như hưởng thụ sản phẩm sáng tạo cần được đặc biệt quan tâm, từ cơ chế, chính sách hỗ trợ đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cũng cho rằng, yếu tố quyết định thành công của CN văn hóa chính là con người. Vì thế giải pháp nguồn nhân lực cần đặt lên hàng đầu. “Tôi sợ rằng nếu ta đặt ra quá nhiều mục tiêu mà không có giải pháp cụ thể thì sẽ không xác định được tinh hoa, khó thực hiện. Điều quan trọng là cần cơ chế chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. CN văn hóa Hà Nội vẫn đang đi sau, chưa được đẩy lên thành thị trường, thiếu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa cho văn hóa”, ông Kiên nêu. Bí thư Huyện ủy Đông Anh cũng thẳng thắn, cần phải có cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các sản phẩm CN văn hóa tại Thủ đô phần nhiều được đầu tư từ Nhà nước chứ ít khi xuất phát từ khu vực tư nhân. “Chỉ khi không phải bận tâm đến những vấn đề khác thì nghệ sĩmới có thể thực sự sáng tạo và tâm huyết. Nếu không kết nối được những nhà đầu tư, doanh nghiệp với người làm nghệ thuật thì không tận dụng hết được nguồn nhân lực này, công nghiệp văn hóa không thể phát triển”, ông Kiên nhận định.

Các đại biểu cũng nêu, để CN văn hóa thực sự phát triển thì sau khi xây dựng sản phẩm, nhất thiết phải có thị trường tiêu thụ. Đây cũng là 1 trong 7 nhóm giải pháp đưa ra trong dự thảo Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội trong giai đoạn tới. Một bộ phim, một bài hát, chương trình biểu diễn hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…, dù đặc sắc đến đâu mà không đến được với thị trường thì cũng không thể kiếm ra tiền như mục tiêu đặt ra. Điều này Hà Nội cần giải pháp đẩy mạnh, bởi thực tế vẫn còn thua kém một số nơi, đặc biệt là thị trường sôi động phía Nam.

PGS.TS Phạm Minh Anh nêu một thực tế đáng quan tâm khác, đó là trong bối cảnh thị trường văn hóa nội địa còn yếu, tình trạng vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ còn phổ biến như hiện nay thì nhiều sản phẩm CN văn hóa chưa kịp ra thị trường đã bị vi phạm, khiến các nghệ sĩ, nhà sáng tạo “nản lòng”. Các ý kiến cũng cho rằng, Hà Nội cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng. Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực trong xã hội với mục tiêu xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước. “Bây giờ chi tiêu cho sản phẩm văn hóa của người dân Hà Nội còn ở mức thấp, nếu muốn đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn thì phải có sự kích cầu của cơ quan nhà nước”, PGS.TS Phạm Minh Anh phát biểu.

Nhìn nhận từ góc độ khai thác thế mạnh của sản phẩm du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, khách du lịch là đối tượng quan trọng để “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm du lịch văn hóa. Một số chương trình nghệ thuật như thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, múa rối tại Nhà hát Múa rối Thăng Long… những năm qua đã tạo điểm đến của du khách trong và ngoài nước trong hành trình tham quan Hà Nội. Ngoài ra, các di tích, danh thắng trên địa bàn cũng là nơi thu hút khách du lịch như Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… 

 Thực tế hiện nay ở nhiều quận, huyện mới có được một vườn hoa, một công viên, còn các hạ tầng thiết yếu để phục vụ cho hoạt động văn hóa thì ngoài Trung tâm VHTT và Thể thao của quận, huyện ra là không có gì.

Nhà hát không có, rạp chiếu phim không có, quảng trường không có, vậy làm thế nào để phát triển CN văn hóa?

(Ông NGUYỄN VĂN PHONG, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội)

 THANH MỘC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top